Những nơi Đài Tiếng nói Việt Nam từng sơ tán

Cập nhật: 08/11/2019

Trải qua 74 năm Đài Tiếng nói Việt Nam phát triển cùng đất nước, để đảm bảo an toàn cho làn sóng quốc gia Đài đã phải sơ tán 14 lần.

Hang Trầm thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ vinh dự là địa điểm đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam sơ tán và là nơi Đài phát đi "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào rạng sáng ngày 20/12/1946, lời hiệu triệu mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.


Đoàn đại biểu VOV dâng hương tại hang Trầm.

Kể lại thời điểm khi Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) chọn Chùa Trầm là địa điểm sơ tán, ông Trần Đức Nuôi, nguyên Trưởng ban Thư ký biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, trước khi đến chùa Trầm, Đài Tiếng nói Việt Nam đã chọn nhiều địa điểm để sơ tán ở các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình…

Song cuối cùng quyết định chọn chùa Trầm, bởi núi Trầm cách Hà Nội 30km, trong đó có một hang rộng đặt được máy phát, dành cho bộ phận biên tập… Đồng thời, đây cũng là cơ sở của kháng chiến, gần với nha thông tin, gần Bộ tư lệnh quân sự, do đó sẽ thuận tiện cho việc lấy được nhiều tin tức.

Ông Trần Đức Nuôi cho biết: “Lúc đấy Bác Hồ có Chỉ thị và nói với ông Trần Lâm phải bảo đảm cho làn sóng phát thanh rõ và liên tục. Tức là phải nói rõ cho dân biết và phải phát liên tục vì công cuộc kháng chiến này".

Hơn 70 năm qua, cũng như bao người con quê hương cách mạng Phụng Châu, hai tiếng Chùa Trầm, nơi Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến luôn là niềm tự hào đặc biệt với người dân nơi đây.

Cùng với hang Trầm, trong kháng chiến chống Pháp Đài Tiếng nói Việt Nam còn sơ tán về Tuyên Quang, Bắc Kạn… Bản Đung, xã Công Đa, huyện Yên Sơn có vai trò quan trọng với Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây là địa điểm Đài ở và làm việc lâu nhất từ năm 1949 đến 1953. Chính sự đùm bọc, chở che của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã góp phần giúp các cán bộ, phóng viên, kĩ thuật viên của Đài Tiếng nói Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang trong một giai đoạn hào hùng của lịch sử dân tộc.

Hiện nay, Công Đa là xã vùng ATK khó khăn, địa hình cách trở. Vì vậy, nhằm tạo thuận tiện cho các cháu nhỏ đi học, vừa qua, Ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã trở lại nơi đây xây dựng điểm trường mầm non mới tại thôn Cả, xã Công Đa. Đồng thời, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho bà con trong xã. Tổng trị giá công trình và quà tặng là gần 1 tỷ đồng. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường, điểm trường mới cũng là một món quà tri ân có ý nghĩa của Ban Thời sự nói riêng, Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung dành cho người dân tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nêu rõ: “Công trình như lời tri ân của Đài tiếng nói Việt Nam dành cho quên hương mà Đài TNVN từng đóng chân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Lãnh đạo Đài TNVN cũng như các nhà hảo tâm tiếp tục xây dựng những ngôi trường có ý nghĩa như thế này”.

Cô giáo Lê Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Công Đa chia sẻ, điểm trường mầm non được xây dựng và khánh thành vào đúng dịp khai giảng năm học mới sẽ giúp cho nhiều em nhỏ nơi đây được đến trường mới khang trang, to đẹp và nhiều trang thiết bị học tập.

Chùa Trầm vã xã Công Đa là hai trong số những địa danh Đài Tiếng nói Việt Nam đã từng sơ tán luôn là nơi không thể quên đối với các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, nghệ sỹ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Mỗi lần đến đây là một lần nhớ lại lịch sử hào hùng về một mốc son chói lọi của Tiếng nói Việt Nam, tiếng nói đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ./.

Từ khóa:

Thể loại: Tin hoạt động VOV

Tác giả:   Nguyễn Hằng/VOV1

Nguồn tin: R&D