Những nơi có nguy cơ trở thành “điểm nóng” mới của dịch Covid-19
Cập nhật: 01/04/2020
Huyền thoại Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng trong chương trình "Con đường lịch sử"
Mỹ Linh nhào lộn, Minh Tuyết gây bất ngờ vì hát bolero khi đu thang dây
VOV.VN - Các trại tị nạn, khu ổ chuột, đất nước bị chiến tranh tàn phá, khu vực thiếu điều kiện y tế… đều là những nơi “dễ tổn thương” trước đại dịch Covid-19.
Khi dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, các chuyên gia y tế và các tổ chức cứu trợ nhân đạo lo ngại một số quốc gia và khu vực "dễ bị tổn thương" nhất có thể trở thành những "điểm nóng" mới của dịch bệnh này.
Hầu hết các chuyên gia đều bày tỏ lo ngại về các trại tị nạn đông đúc cũng như những quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng như xung đột, đói nghèo hay các dịch bệnh khác đang khiến hệ thống y tế bị quá tải.
Những người sống trong các khu trại tạm bợ ở Syria là một trong những đối tượng dễ chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch Covid-19. Ảnh: ABC |
Các phân tích từ tổ chức cứu trợ CARE đã liệt kê 15 quốc gia "có rủi ro rất cao" trở thành những "điểm nóng" dịch Covid-19 và hầu hết các nước này đều nằm ở Trung Đông và châu Phi như: Syria, Iraq, Yemen, Afghanistan, Somalia, Sudan, Nam Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Nigeria, Uganda, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Niger và Haiti.
Phân tích trên cũng chỉ ra rằng những nước này có nguy cơ đối mặt với thách thức từ dịch Covid-19 cao gấp 3 lần và những khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế cao gấp 6 lần.
"Dữ liệu này đã cho thấy một bức tranh ảm đạm và "rùng mình" về viễn cảnh dịch Covid-19 lan rộng tới nhiều nước châu Phi và Trung Đông", Sally Austin - người đứng đầu chương trình khẩn cấp của CARE cho biết.
Dịch Covid-19 nếu bùng phát ở một số khu vực của Thái Bình Dương và châu Á cũng có thể gây ra những thiệt hại nặng nề hay những nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Hệ thống y tế không đủ khả năng đối phó với dịch bệnh
Khắp Thái Bình Dương, một số quốc gia đã phong tỏa hoặc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm đối phó với dịch Covid-19, thậm chí trước cả khi ghi nhận các ca nhiễm. Trên thực tế, hệ thống y tế ở một số quốc gia Thái Bình Dương đang đối mặt với sức ép và những khó khăn nhất định, ngay từ khi chưa có dịch bệnh.
Hiểu rõ được điều này, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều thực hiện các biện pháp ngăn ngừa mạnh mẽ nhằm ngăn chặn virus xâm nhập.
Hơn 100 trường hợp mắc Covid-19 đã được ghi nhận tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Guam (thuộc Mỹ), Polynesia thuộc Pháp, Fiji, New Caledonia, Quần đảo Bắc Marianas và Papua New Guinea. Một số quốc gia này cũng từng phải đối mặt với những đợt bùng phát dịch bệnh gần đây, chẳng hạn như dịch sởi ở Samoa đã khiến hơn 80 người tử vong, hầu hết là trẻ em và bệnh bại liệt đã quay lại Papua New Guinea cách đây 2 năm sau gần 2 thập kỷ căn bệnh này bị xóa sổ.
Các nhà chức trách Papua New Guinea cho biết hệ thống y tế của nước này không có khả năng đối phó với dịch bệnh và các biện pháp đang được thực hiện để hạn chế tình cảnh mọi người đổ dồn về các bệnh viện.
Sau khi 1 trường hợp mắc Covid-19 được xác nhận ở Papua New Guinea, tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia 14 ngày đã được ban hành tại quốc gia này, yêu cầu đóng cửa biên giới với bên ngoài và hạn chế đáng kể việc đi lại trong nước.
Bệnh nhân là một thợ mỏ trở về từ Australia và cho tới nay, mặc dù chưa có ca nhiễm mới nào nhưng lệnh phong tỏa ở quốc gia này vẫn được duy trì.
Thủ tướng James Marape đã xin lỗi người dân về sự bất tiện này nhưng khẳng định rằng đây là biện pháp cần thiết: "Việc hạn chế các nguồn lực, cơ sở hạ tầng và hệ thống chăm sóc sức khỏe khiến chúng ta phải luôn sẵn sàng để đối phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào nếu nó xuất hiện".
Với 5 ca mắc Covid-19, Fiji cũng đã phong tỏa Lautoka - thành phố lớn thứ hai đất nước.
Quốc đảo Solomon, Vanuatu, Kiribati và Tonga đều đã thực hiện các biện pháp như tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, đóng cửa biên giới hay hạn chế các hoạt động mặc dù vẫn chưa ghi nhận bất kỳ ca mắc Covid-19 nào.
Chỉ có 13 giường chăm sóc tích cực
Đảo Guam - lãnh thổ hải ngoại của Mỹ đã ghi nhận gần 1 nửa trong số tất cả các ca mắc Covid-19 ở khu vực Thái Bình Dương, trong khi Nhà Trắng đã tuyên bố nơi này là khu vực thảm họa.
Guam là một hòn đảo với diện tích đất liền chỉ 549 km vuông và dân số chỉ khoảng 164.000 người. Tỷ lệ dịch Covid-19 lan rộng ở Guam là "cảnh báo đỏ" với chính quyền địa phương khi họ cho biết hệ thống y tế có thể đạt đến "điểm sụp đổ" sớm nhất là trong tuần này.
Guam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào giữa tháng 3 và tỷ lệ này vẫn tăng liên tục kể từ đó với ít nhất 56 ca nhiễm bệnh và 1 ca tử vong, tính tới ngày 31/3. Điều đáng nói là Guam chỉ có 250 giường bệnh và 13 giường chăm sóc tích cực.
"Với tỷ lệ hiện nay, điểm sụp đổ của hệ thống chăm sóc tích cực của Guam có thể xảy ra trong tuần này", người đứng đầu văn phòng y tế ở đây, bác sĩ Felix Cabrera cho biết.
Nếu viễn cảnh này xảy ra, bác sĩ Cabrera nhận định số người chết có thể "tăng chóng mặt" song cũng cho rằng vẫn còn cơ hội để đảo ngược tình hình: "Bằng cách làm giảm tỷ lệ này một cách quyết liệt, chúng ta có thể ngăn chặn sự sụp đổ đó".
Nghèo đói và dân số tập trung quá đông ở các đô thị
Tại châu Phi, nhiều nước đã trải qua các dịch bệnh như HIV khiến một bộ phận dân cư bị suy giảm miễn dịch, cùng với các căn bệnh khác như sốt rét, sởi và Ebola. Vùng Sừng châu Phi cũng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng.
"Mặc dù chưa có ca mắc Covid-19 nào được ghi nhận tại một số nước châu Phi nhưng chúng tôi hiểu rõ họ đang gặp rất nhiều hạn chế trong việc hiểu về dịch bệnh này cũng như xét nghiệm hay theo dõi các bệnh nhân", bác sĩ Clair Mills thuộc tổ chức Bác sĩ Không biên giới cho biết.
Bác sĩ Mills cũng chỉ ra rằng dân số ở châu Phi nhìn chung trẻ hơn châu Âu với khoảng 50% dân số dưới 20 tuổi.
"Tuy nhiên, tại nhiều nước châu Phi, đói nghèo vẫn hoành hành và dân số thường tập trung quá đông tại các khu vực đô thị. Đó rõ ràng là môi trường rất lý tưởng để virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh".
Xung đột và chiến tranh tàn phá đất nước
Sally Austin từ tổ chức cứu trợ CARE chia sẻ nhóm của cô đã có nhiều tháng đối mặt với những vấn đề thực sự trong việc tiếp cận nhằm cứu trợ nhân đạo các điểm nóng như Yemen, Syria và Iraq.
"Nếu dịch Covid-19 lan đến những nơi khó tiếp cận như vậy, hậu quả có thể vô cùng thảm khốc. Mọi người ở đây đã bị suy giảm sức khỏe sau nhiều tháng và nhiều năm đối mặt với chiến tranh, bạo lực, thiếu các dịch vụ y tế và suy dinh dưỡng", Austin chia sẻ.
Tại Afghanistan, hàng nghìn người dân đã phải rời bỏ nhà cửa và đang chạy về phía biên giới với Iran - quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 tại Trung Đông.
"Chúng tôi e rằng Herat (Afghanistan) sẽ biến thành Vũ Hán thứ hai", Bộ trưởng Y tế công cộng của Afghanistan Ferozuddin Feroz nhận định với New York Times tuần trước.
Syria - quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề trong gần 1 thập kỷ nội chiến đã ghi nhận những trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên. Trong một thông báo, CARE bày tỏ quan ngại họ không thể xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho người dân ở đây và có rất nhiều người vẫn chưa được chẩn đoán.
"Syria không chỉ có nhiều người dễ bị ảnh hưởng trước bệnh dịch khi sống trong những lều trại tạm bợ, mà các cơ sở hạ tầng của nước này như bệnh viện và các trung tâm chăm sóc y tế cũng đều đã bị phá hủy", Giám đốc CARE tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi Nirvana Shawky đánh giá.
Bà cũng cho biết thêm rằng các vật dụng y tế rất khan hiếm và nước rửa tay cũng rất khó để tìm được ở đây. Tổ chức này cũng lo ngại khả năng xét nghiệm hạn chế ở Syria khi mới chỉ có khoảng 900 kit xét nghiệm tại Idlib tuần trước và 1 phòng xét nghiệm, điều này tức là chỉ có khoảng 20 xét nghiệm được thực hiện mỗi ngày.
Các chuyên gia nhận định có thể virus SARS-CoV-2 vẫn đang âm thầm lây lan ở khu vực này.
"Một đợt bùng phát dịch bệnh có thể gây ra tình trạng lộn xộn trong khu vực vốn đã bất ổn này", CARE nhận định.
Những “điểm nóng” đông dân ở châu Á
Với dân số khoảng 270 triệu người, Indonesia có hơn 1.400 ca mắc Covid-19 nhưng qua sự tính toán từ các mô hình toán học, con số lây nhiễm thực sự ở Indonesia có thể là hàng chục nghìn người. Với tỷ lệ lây nhiễm này, các chuyên gia dự đoán số người mắc Covid-19 tại Indonesia có thể lên đến 250.000 ca.
Cuối tuần trước, một bản ghi nhớ của Liên Hợp Quốc rò rỉ ra ngoài đã dự báo rằng nếu không có sự can thiệp, khoảng 500.000 - 2 triệu người có thể tử vong ở Bangladesh trong dịch Covid-19.
Hiện Bangladesh chỉ có 49 ca mắc Covid-19 và 5 trường hợp tử vong (tính tới ngày 31/3).
Chuyên gia Australia Katherine Fell và các chuyên gia ở Bangladesh cho biết nhiều người sống ở quốc gia 170 triệu dân này đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, và họ đang phải sống trong những khu ổ chuột đông đúc, chật chội tại Dhaka.
"Có những khu ổ chuột rất lớn ở đây, nơi mà không thể nào thực hiện giãn cách xã hội được", Fell chia sẻ.
Có hàng chục nghìn người di cư Bangladesh làm việc ở Italy, trong khi bà Fell cho biết người dân địa phương rất lo ngại những người này trở về nước và đem theo bệnh dịch.
Bộ trưởng Nhân sự của Bangladesh vẫn chưa trả lời trước các câu hỏi của trang ABC liên quan đến vấn đề những người lao động di cư trở về từ châu Âu.
Tuy nhiên, dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng bà Fell cho biết Bangladesh biết cách đối phó với khó khăn và họ "không phải là những nạn nhân bị động" của dịch bệnh khi mà các nhà khoa học nước này đang nỗ lực hết sức nhằm phát triển các kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo: ABC
Từ khóa: dịch Covid 19, nơi chưa có ca mắc Covid 19, điểm nóng mới Covid 19, đại dịch toàn cầu, SARS CoV 2
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN