Nhùng nhằng tình trạng tranh chấp đất rừng ở Bắc Kạn
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Dù các cấp chính quyền đã nhiều lần vào cuộc nhưng cho đến thời điểm này, những vướng mắc giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết.
Nhiều năm qua, giữa các lâm trường trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn và nhiều hộ dân xảy ra tình trạng tranh chấp đất rừng với diện tích lên đến hàng trăm ha. Dù các cấp chính quyền đã nhiều lần vào cuộc nhưng cho đến thời điểm này, những vướng mắc giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết.
Từ năm 2017, người dân tổ Chí Lèn (phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn đã có các cuộc đối thoại nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết. |
Dù đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu đồi Khau Chủ từ hàng chục năm nay, ông Đinh Quang Én cùng nhiều hộ dân tại tổ Chí Lèn, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) vẫn không thể trồng rừng trên diện tích này. Lý do là Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn khẳng định, toàn bộ diện tích đai tại khu vực đồi Khau Chủ đã được nhà nước giao cho đơn vị này quản lý, sử dụng từ năm 1992. Tranh chấp kéo dài nhiều năm, chính quyền và cơ quan chuyên môn của thành phố Bắc Kạn, đại diện lâm trường và các hộ dân đã đối thoại nhiều lần nhưng không thống nhất được cách giải quyết khiến hàng chục ha đất vẫn bỏ hoang.
Ông Đinh Quang Én nói: "Năm 1993 chúng tôi được UBND thị xã Bắc Kạn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, năm 2009 đổi sang bìa đỏ. Từ đó đến nay không có tranh chấp với các hộ lân cận, mà chỉ có bên lâm trường cho rằng đất thuộc phạm vi lâm trường quản lý, chúng tôi không đồng ý quan điểm của lâm trường. Chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm vướng mắc giữa các hộ dân và lâm trường".
Ông Đinh Quang Én chuẩn bị cây giống để trồng rừng trên diện tích tranh chấp dù gặp phải sự phản đối của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn. |
Thôn Quan Nưa, Bản Giềng, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn cũng có tới 82 thửa đất của 47 hộ dân đã được cấp “sổ đỏ” trùng vào diện tích do Lâm trường Bạch Thông quản lý. Nhiều năm qua, người dân vẫn trồng rừng trên các diện tích đất có tranh chấp này.
Ông Lưu Trung Thực, Trưởng thôn Quan Nưa, xã Dương Quang cho biết: "Người dân vẫn được sử dụng đất, nhưng khi trồng cây lên thì lâm trường mua lại, dân được phần trăm rất ít. Thực ra dân ở đây đất nông nghiệp có ít, bình quân mỗi nhà hơn 1.000m2 ruộng. Người dân trong thôn mong muốn có ít đất rừng để canh tác".
Theo ông Phạm Văn Thường, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn thì toàn tỉnh hiện có gần 620 ha đất rừng đang trong tình trạng có tranh chấp kéo dài nhiều năm, trong đó thành phố Bắc Kạn có 120 ha, thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn) là gần 230ha, xã Chu Hương (Ba Bể) gần 210 ha…. Ông Thường khẳng định, toàn bộ diện tích này đều được Nhà nước giao cho đơn vị quản lý sử dụng theo các quyết định giao đất giao rừng từ năm 1992.
"Quan điểm của đơn vị là đề nghị các cấp chính quyền địa phương giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Phần còn tài sản rừng trồng, đất trong phương án công ty sử dụng, chúng tôi cũng sẽ có phương án giao khoán trên cơ sở thỏa thuận đảm bảo lợi ích hai bên. Nhưng vướng mắc là người dân muốn được toàn quyền sử dụng chỗ đó, muốn được cấp riêng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến ảnh hưởng khả năng sản xuất của công ty", ông Thường cho biết.
Gần 50 hộ dân hai thôn Quan Nưa, Bản Giềng xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn vào diện tích do Lâm trường Bạch Thông quản lý |
Tranh chấp đất rừng có thể xuất phát từ việc xâm canh của người dân vào những khu vực thuộc sở hữu của các lâm trường, hoặc giấy tờ có thể sai lệch so với thực tế. Nhưng với hàng trăm ha đất rừng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, rõ ràng là có thể tránh được chồng lấn dẫn đến tranh chấp kéo dài nếu các cấp chính quyền làm đúng quy trình, thủ tục kiểm tra, thẩm định khi xét duyệt hồ sơ cấp đất cho người dân. Bởi khi cả người dân và lâm trường đều có "sổ đỏ" của hàng trăm ha đất rừng thì việc hòa giải đơn thuần rõ ràng là phương án bất khả thi. Giải quyết vấn đề này cần sự vào cuộc một cách quyết liệt, nhanh chóng và đúng pháp luật của chính quyền cùng các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Kạn trong thời gian sớm nhất./.
Từ khóa: tranh chấp đất, tranh chấp đất rừng, tranh chấp đất rừng ở Bắc Kạn,
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN