Những người lính mũ nồi xanh nghẹn ngào gặp người thân qua cầu truyền hình
Cập nhật: 21/01/2020
Những chuyến công du nước ngoài nổi bật của lãnh đạo Đảng, Nhà nước năm 2024
TP.HCM tạm dừng tuyển dụng công chức, thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở
VOV.VN - Giao lưu với người thân tại Việt Nam nhân dịp Tết đến Xuân về, nhiều cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan đã không kìm được nước mắt.
Ngày 20/1, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam tổ chức chương trình "Hành trình vì hòa bình". Trong đó, nối cầu phát sóng trực tiếp để giao lưu với các chiến sĩ của bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan nhân dịp Tết đến.
Qua 5 năm làm nhiệm vụ trong màu áo Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, lực lượng của Việt Nam luôn được quốc tế đánh giá cao, góp phần không nhỏ vào việc Việt Nam trúng cử chức Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu cao kỷ lục.
Bé Lê Hồng Khuê (3 tuổi, áo hồng) hiện đang có cả bố và mẹ làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 tại Nam Sudan. (Ảnh: Trọng Phú) |
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 với 63 thành viên vừa trở về nước sau 14 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Cộng hòa Nam Sudan. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ Việt Nam tại bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã thực hiện hơn 2.000 lượt cứu chữa, phục vụ y tế cho lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và cho người dân Nam Sudan.
Con số này cao gấp 10 lần mức trung bình mà các bệnh viện dã chiến khác thực hiện trong một nhiệm kỳ (khoảng hơn 200 lượt/nhiệm kỳ 14 tháng). Bên cạnh đó, các chiến sĩ Việt Nam còn tích cực chia sẻ các kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi và phát triển kinh tế giúp người dân Nam Sudan cải thiện phần nào cuộc sống.
Tại buổi giao lưu nối cầu truyền hình với Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tại Nam Sudan, đáng xúc động khi đã có nhiều thân nhân các chiến sĩ tham gia. Nhiều người không giấu được nước mắt khi nhìn thấy người thân đang phải thực hiện nhiệm vụ ở nơi xa xôi khi Tết đến, xuân về.
Những cuộc hội ngộ trực tuyến vừa mừng vừa xúc động khiến không ít cán bộ chiến sĩ rơi nước mắt. |
Bé Lê Hồng Khuê (3 tuổi, ở nhà gọi là bé Bún) có bố là Trung úy Lê Hồng Thanh và mẹ là Đại úy Lê Thị Hồng Vân đều đang thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan. Hiện tại, bé Khuê đang ở nhà với bà nội và cô ruột .
Trong buổi giao lưu nối cầu truyền hình, bà nội bé Lê Hồng Khuê nghẹn ngào: "Các con cứ tập trung vào làm nhiệm vụ cho tốt. Bé Bún ở nhà đã có bà chăm sóc, các con không phải lo". Ở đầu cầu Nam Sudan, Đại úy Lê Thị Hồng Vân không kìm được nước mắt khi thấy con, dặn dò: "Bé Bún phải ngoan, nghe lời bà nội nhé con".
Một trường hợp khác là anh Bùi Quang Huy, có vợ là chị Kiều Hoa, cán bộ của bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 đang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan. Anh Huy cho biết, do tình hình Nam Sudan bất ổn, liên lạc khó khăn nên đã trải qua một thời gian anh mới được nhìn thấy vợ qua cầu truyền hình. Anh Huy nghẹn ngào nhắn nhủ vợ giữ gìn sức khỏe và yên tâm công tác tốt. Theo anh Huy, có vợ là một chiến sĩ mũ nồi xanh thì sẽ vất vả khi phải cáng đáng thêm phần trách nhiệm, nhưng anh cũng cảm thấy vinh dự, tự hào khi vợ anh đã đóng góp phần nào công sức trong nhiệm vụ giữ gìn hòa bình chung của thế giới.
Giao lưu trực tuyến với các cán bộ chiến sĩ Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 2 tại Nam Sudan. |
Đại úy Nguyễn Thị Thu Ngân là một thành viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Nam Sudan cho biết: "Cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam tại Nam Sudan nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân bản địa. Bởi Nam Sudan từng giành độc lập lấy cảm hứng từ chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam. Có những vùng, lính mũ nồi xanh nhiều quốc gia không hoạt động được, nhưng riêng người lính Việt Nam thì luôn được người dân ủng hộ, tạo điều kiện".
Khi nói về việc bệnh viện dã chiến của Việt Nam hoạt động với hiệu quả gấp 10 lần mức trung bình của các nước khác, Đại úy Ngân cho biết, có hai lý do. Thứ nhất là bệnh viện Dã chiến của Việt Nam luôn mở rộng phạm vi cứu chữa. Không nhất thiết phải là lực lượng Gìn giữ Hòa bình được cứu chữa mà ngay cả những người dân bản địa khi gặp nạn, Bệnh viện Dã chiến của Việt Nam cũng tận tình chăm sóc, cứu chữa.
Thứ hai là trang thiết bị hiện đại, cán bộ chiến sĩ đều đã có kinh nghiệm, được chuẩn bị tốt, sẵn sàng linh hoạt ứng phó với các tình huống, dẫn đến việc hiệu quả cứu chữa của Bệnh viện Dã chiến của Việt Nam được tăng lên nhiều.
Buổi giao lưu kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ sáng 20/1 tại trụ sở Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam huyện Thạch Thất, Hà Nội. Qua đó, có thể thấy được phẩm chất sáng ngời của người lính Cụ Hồ, hy sinh gian khổ, không quản ngại khó khăn, được nhân dân bản địa tin yêu. Họ tự hào làm nhiệm vụ quốc tế với hai chữ "Việt Nam" trong tim./.
Từ khóa: Nam Sudan, bệnh viện dã chiến, gìn giữ hòa bình, phái bộ Liên Hợp Quốc, hội đồng bảo an
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN