Những người chưa già đã thích vào viện dưỡng lão
Cập nhật: 21/05/2021
Khởi công dự án tu bổ, cải tạo Cụm di tích Quốc gia Chùa Trầm
Vietnam welcomes nearly 17.6 million foreign tourists in 2024
[VOV2] - Mô hình viện dưỡng lão tư nhân đã xuất hiện ở Việt Nam được khoảng 20 năm, tập trung ở những thành phố lớn có mức sống khá, nhiều nhất là Hà Nội.
Trong khi nhiều người cao tuổi còn băn khoăn với câu hỏi "có nên vào viện dưỡng lão?", một số người "chưa già" lại tỏ ra khá hứng thú với mô hình này.
"Hôm nay em khỏe. Bảo với mọi người, em ở trong này một thời gian nữa", bà Đinh Ngọc Hân nhấn nút kết thúc cuộc điện thoại với chồng ở nhà rồi tiếp tục quay sang "tám chuyện" với những bạn già. Nhìn mái tóc uốn xoăn vẫn còn đen của bà giữa những mái đầu bạc, ít ai nghĩ người phụ nữ 60 tuổi là thành viên của viện dưỡng lão ở Thanh Trì này được gần hai tháng.
Sẩm tối gần ba tháng trước, bà Hân bất ngờ bị ngã, ngất xỉu bởi bệnh phình động mạch não. Một tháng nằm viện, sức khỏe của bà khá hơn nhưng bệnh tiểu đường vẫn còn khá nghiêm trọng. Bề ngoài bà khá to khỏe, nhưng "bệnh tật đầy mình" và từng trải qua tám lần mổ.
"Tới ngày xuất viện mà người vẫn yếu, đang chưa biết làm thế nào thì con gái tôi nghe nói có viện dưỡng lão này nên đưa vào đây", bà chủ một cửa hàng bán đồ inox trên phố Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay.
Nghe ý tưởng của con, bà cảm thấy "kỳ" vì bằng tuổi mình chẳng có ai đi dưỡng lão cả. Thực tế đúng như suy nghĩ của bà, trung tâm này đang chăm sóc hơn 50 người thì quá nửa trên 80 tuổi.
Vào đây chẳng mấy bữa bà đã thấy sức khỏe của mình cải thiện. Hàng ngày bà được kiểm tra huyết áp hai lần, ăn uống theo chế độ từ thực phẩm sạch tự nuôi trồng, ngủ đúng giờ giấc, được các bác sĩ tại đây kê thuốc, điều trị. "Tiểu đường giảm từ 17 'phẩy' xuống còn 11 'phẩy' rồi đấy", bà Hân khoe. Có lần bà bị đau bụng trong đêm, vừa ấn chuông đầu giường là có ngay nhân viên điều dưỡng đến xoa dầu và cho uống thuốc.
Điều khiến bà Hân hài lòng nữa là những ngày ở trong này "y như nghỉ dưỡng". Bà không còn phải áp lực với việc buôn bán, hàng ngày tập thể dục, trò chuyện với các cụ, thi thoảng xuống bếp phụ nhặt rau. "Tôi sẽ ở thêm 1-2 tháng nữa cho bình phục hẳn. Khi nào mắt mờ tóc bạc vợ chồng sẽ đưa nhau vào đây", bà nói.
Mô hình viện dưỡng lão tư nhân đã xuất hiện ở Việt Nam được khoảng 20 năm, tập trung ở vài thành phố lớn có mức sống khá, nhiều nhất là Hà Nội với gần chục cơ sở. Trung bình mỗi cơ sở chăm sóc 100-200 người. Các trung tâm này đều có bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý giúp chăm sóc toàn diện sức khỏe và đời sống thể chất, tinh thần cho khách hàng. Chi phí tại các viện dưỡng lão hiện nay dao động từ 6 triệu đến 20 triệu đồng mỗi tháng, tùy theo sức khỏe, điều kiện phòng ốc, vị trí...
Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, ủy viên Hội người cao tuổi Việt Nam, người đầu tiên lập viện dưỡng lão tư nhân cho biết: "Đa phần các cụ vào đây có lương hưu hoặc con cháu có thu nhập khá. Một số cụ không có lương hưu, nhờ đông con mà chia sẻ cùng nhau".
Mới 37 tuổi nhưng hai năm nay anh Lê Hữu Phong ở Vũng Tàu đã tìm hiểu viện dưỡng lão để thời gian tới vào đây sống. Anh hoàn toàn khỏe mạnh và lý do muốn đi viện dưỡng lão vì "muốn nghỉ hưu sớm".
Sống trong một gia đình tứ đại đồng đường phần nào khiến anh Phong muốn "vượt rào". Vợ chồng anh và hai con sống cùng ông ngoại gần 90 tuổi và bố mẹ, trong một xóm nhỏ. Hai năm nay, sức khỏe ông ngoại giảm sút rất nhanh, 11 người con phân chia lịch chăm sóc vì nghĩ rằng làm như thế là báo hiếu cha.
Ngược lại, Phong nhìn thấy vì chăm cụ mà nhiều người bị ảnh hưởng công việc, cuộc sống cá nhân. Ông lại luôn sợ làm phiền con cháu nên nhiều lúc mệt hoặc đau không nói ra. "Mười một người con thay nhau chăm ông, nhưng tôi biết không thể tốt bằng nhân viên y tế. Đơn cử như nấu cháo cho ông mà người nấu nhạt, người nấu mặn. Khi ông bị cảm thì tất cả cuống quýt như gà mắc tóc", anh nói.
Vợ chồng anh Phong không muốn đi theo truyền thống "già cậy con". Hơn một năm trước, người đàn ông này nghỉ việc ngân hàng, "chơi" chứng khoán và kinh doanh bất động sản. Năm ngoái, anh đã đi tham quan vài viện dưỡng lão ở Vũng Tàu và TP HCM nhưng chưa ưng ý cơ sở nào. "Vợ chồng tôi muốn sống trong viện dưỡng lão cao cấp, chi phí khoảng 30 triệu đồng một tháng. Tôi nghĩ đây là mức mà người trung lưu ở các thành phố sẵn sàng chi trả", Phong chia sẻ.
Nhiều người gợi ý anh nên rủ thêm một số bạn bè, xây dựng một khu để dưỡng già cùng nhau. Tuy nhiên, anh nghĩ mô hình đó không bền. "Lúc còn khỏe thì vui nhưng khi yếu thì ai chăm. Dịch vụ phải được trả tiền mới bền", anh quan niệm.
Theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Việt Nam đang có tốc độ giá hóa dân số nhanh hơn các quốc gia khác nên "chục năm nữa Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng thiếu các cơ sở chăm sóc người cao tuổi tập trung". Đây là cơ hội để những nhà đầu tư xây dựng các cơ sở dưỡng lão đáp ứng đa dạng các nhu cầu, trong đó có phân khúc cao cấp hơn.
Kiến trúc sư Tăng Phú Dinh (Khánh Hòa), người đang xây dựng mô hình nghỉ hưu ở nông thôn cho các gia đình có điều kiện kinh tế, đang ấp ủ triển khai mô hình viện dưỡng lão cao cấp. Anh cho biết, khi chia sẻ ý tưởng đã có khá đông người muốn được hợp tác. "Nhà dưỡng lão cao cấp sẽ xóa đi khái niệm viện dưỡng lão là nơi dành cho những người già không nơi nương tựa", Dinh nói.
Anh Phong dự kiến 42 tuổi sẽ nghỉ hưu, làm những việc mình thích và sẽ bắt đầu cùng vợ trải nghiệm dưỡng lão cao cấp.
(Theo vnexpress.net)
Từ khóa: người cao tuổi, viện dưỡng lão, Nguyễn Tuấn Ngọc, Hội người cao tuổi Việt Nam, người chưa già
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2