Những lãnh đạo thế giới nào sẽ tham dự lễ nhậm chức của ông Trump?
Cập nhật: 2 giờ trước
Ném bom vào đám đông ở Thái Lan, hơn 40 người thương vong
Lối thoát của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang hẹp dần
VOV.VN - Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã đích thân gửi lời mời dự lễ nhậm chức của ông vào tháng 1/2025 tới một số nhà lãnh đạo nước ngoài, bao gồm cả lãnh đạo các nước từng có mâu thuẫn với Mỹ trong thời gian gần đây.
Nhóm cố vấn thân cận của Tổng thống đắc cử Trump ngày 11/12 xác nhận rằng ông đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự lễ tuyên thệ nhậm chức của mình. Đây là một lời đề nghị cực kỳ bất ngờ ngay sau khi ông Trump vừa tuyên bố sẽ áp thuế 100% đối với các quốc gia theo đuổi chính sách phi USD hóa, trong đó Trung Quốc.
Theo người phát ngôn của ông Trump, bà Karoline Leavitt, điều này cho thấy tổng thống đắc cử đang nỗ lực “tạo ra một cuộc đối thoại cởi mở không chỉ với các quốc gia đồng minh mà còn với đối thủ cạnh tranh của Mỹ”.
CNN dẫn lời hai nguồn tin thân cận cho biết, một phái đoàn cấp cao của Trung Quốc dự kiến sẽ tham dự lễ nhậm chức của ông Trump thay cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngoài ra, Tổng thống El Salvador Nayib Bukele, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Tổng thống Argentina Javier Milei cũng nằm trong danh sách khách mời của ông Trump, các nguồn tin xác nhận với CNN.
Một nguồn tin khác của CNN tiết lộ lời mời tham dự lễ kỷ niệm ở Washington của ông Trump chủ yếu là “không chính thức” và đôi khi tình cờ xuất hiện trong các cuộc điện đàm giữa các chính trị gia về các vấn đề khác. Người này cũng cho biết một số lời mời đã được chuyển qua các kênh bí mật, không phải trực tiếp qua đường ngoại giao.
Nhóm cố vấn của tổng thống đắc cử vẫn chưa tiết lộ những cái tên khác nhận được lời mời của ông Trump. Ngày 11/12, ông Trump cho biết đang cân nhắc mời các nhà lãnh đạo nước ngoài khác được cho “có chút rủi ro” với Mỹ.
"Chúng tôi thích mạo hiểm một chút. Đó không phải là một cơ hội tồi", ông Trump nói.
Một nguồn tin thân cận với quá trình này tiết lộ với CNN rằng tổng thống đắc cử và nhóm của ông sẽ quyết định những vị khách nào sẽ tham dự lễ nhậm chức. Hiện Ủy ban liên đảng phụ trách Lễ nhậm chức của tổng thống (JCCIC) đã bắt đầu gửi lời mời đến người đứng đầu phái bộ của mọi quốc gia, như một phần trong nghi thức ngoại giao thông thường. Tuy nhiên, theo CNN, việc lãnh đạo các quốc gia thực hiện chuyến thăm tới Washington để dự lễ nhậm chức là rất hiếm và việc đưa ra yêu cầu như vậy tùy thuộc vào quyết định của tân tổng thống.
Những lời mời vượt ra ngoài vòng tròn đồng minh phương Tây của Mỹ báo hiệu một kỷ nguyên ngoại giao mới cho xứ sở cờ hoa. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time vừa mới được công bố tuần trước, ông Trump cho biết vẫn "duy trì mối quan hệ hòa hợp" với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và thậm chí là với nhiều nguyên thủ khác mà "ông cho là không hòa hợp".
Lời mời dành cho nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng cho thấy sự quan tâm lớn của ông Trump trong việc nối lại quan hệ với những người đồng cấp nước ngoài sau bốn năm rời nhiệm sở. Trong những tuần chuẩn bị trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới và tiếp đón một số người tại câu lạc bộ Palm Beach, Florida. Trên phương tiện truyền thông xã hội, ông bày tỏ công khai bày tỏ ý kiến về các vấn đề toàn cầu, bao gồm cả tuyên bố phản đối chính sách mới của Mỹ cho phép Ukraine bắn tên lửa tầm xa vào Nga.
Tổng thống đắc cử cũng có một chuyến công du nước ngoài tới lễ khánh thành Nhà thờ Đức Bà Paris - một sự kiện được tổ chức theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong thời gian ở đó, ông cũng đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Hoàng tử William của Vương quốc Anh và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni.
“Đó là điều gì đó thực sự tuyệt vời. Rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới … khoảng 80 người từ các quốc gia khác nhau, đã tụ họp lại cùng một chỗ”, ông Trump nói.
Một cố vấn của ông Trump cho biết tổng thống đắc cử có dự định biến lễ nhậm chức thành một "sân khấu toàn cầu" tương tự như sự kiện mà ông vừa tham dự ở Pháp vừa qua. Tuy nhiên, bản chất hay thay đổi của ông Trump đã khiến ngay cả những trợ lý thân cận nhất của ông cũng khó có thể dự đoán trước được liệu ông có đổi ý hay không.
Bên cạnh đó, điều này cũng đặt ra những thách thức an ninh mới cho Cơ quan Mật vụ Mỹ - cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ các nguyên thủ quốc gia khi họ đặt chân lên đất Mỹ. Gánh nặng sẽ đặt lên vai lực lượng cảnh sát Washington trong việc bảo đảm can toàn cho tổng thống đắc cử - người đã sống sót sau hai vụ ám sát trong năm qua cũng như các nhà lãnh đạo của quốc hội, tòa án tối cao, Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden và bất kỳ cựu tổng thống nào tham dự lễ nhậm chức này.
Hiện vẫn chưa có phản hồi từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên quan đến việc chấp nhận hay từ chối lời đề nghị của Tổng thống đắc cử Trump.
Từ khóa: Trump, nhậm chức, tổng thống,trump nhậm chức, lễ nhậm chức của trump
Thể loại: Thế giới
Tác giả: diệp thảo/vov.vn (biên dịch)
Nguồn tin: VOVVN