Những hướng dẫn mới nhất về cách ly ca mắc sởi

Cập nhật: 3 giờ trước

VOV.VN - Trước diễn biến gia tăng về bệnh sởi tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có Quyết định số 1019/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi.

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 1019/QĐ-BYT "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi". Đây là hướng dẫn mới nhất về bệnh này, thay thế cho hướng dẫn trước đó, triển khai áp dụng trong các bệnh viện.

Có 10 nội dung chính được cập nhật tại hướng dẫn mới nhất, gồm các vấn đề chuyên môn như: xét nghiệm chẩn đoán; chẩn đoán phân biệt sởi với một số bệnh (bệnh do Mycoplasma pneumoniae, bệnh sốt mò, nhiễm virus Epstein-Barr, viêm màng não mủ); về cách ly ca bệnh sởi.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn chi tiết về điều trị biến chứng viêm phổi ở người bệnh sởi, bao gồm về các liệu pháp hỗ trợ hô hấp theo các mức độ suy hô hấp; chỉ định và liều sử dụng globuline miễn dịch đường tĩnh mạch, nhằm giảm nguy cơ tử vong với các ca mắc sởi có suy hô hấp tiến triển nhanh; biến chứng viêm não.

Tại Quyết định số 1019, Bộ Y tế cũng phân cấp chuyên môn trong khám, chữa bệnh sởi.

Theo đó, trạm y tế xã, phường và phòng khám thực hiện khám và điều trị ngoại trú người bệnh sởi không biến chứng. Thực hiện chuyển cơ sở khác để điều trị đối với bệnh sởi có biến chứng hoặc có suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền nặng.

Bệnh viện quận, huyện, bệnh viện tư nhân khám và điều trị người bệnh sởi không có biến chứng và bệnh sởi có biến chứng. Chuyển cơ sở khác điều trị khi vượt quá năng lực, với người bệnh sởi có biến chứng viêm phổi cần thở ô xy, viêm não, nhiễm khuẩn huyết hoặc có suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền nặng.

Bệnh viện đa khoa tỉnh, đa khoa khu vực, bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm hoặc chuyên khoa nhi thực hiện khám và điều trị người bệnh sởi tất cả các trường hợp; hội chẩn, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác điều trị các trường hợp nặng hoặc khó điều trị.

Đáng lưu ý, cần xác định ca bệnh nghi ngờ mắc sởi khi có các yếu tố tiền sử tiếp xúc với người bệnh sởi trong vòng 7-21 ngày hoặc sống trong vùng dịch sởi lưu hành; triệu chứng lâm sàng nghi ngờ sởi.

Về quản lý người bệnh sởi và dự phòng, kiểm soát lây nhiễm, người bệnh sởi phải được hạn chế tiếp xúc tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp.

Thời gian hạn chế tiếp xúc từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban. Đối với người suy giảm miễn dịch, cân nhắc thời gian cách ly dài hơn. Người bệnh nằm phòng thoáng, thông khí tốt. Không để người bệnh sởi trong thời gian hạn chế tiếp xúc tham gia các sinh hoạt tập thể.

Về dự phòng sau phơi nhiễm, hướng dẫn cũng nêu rõ: có chỉ định tiêm vaccine, sử dụng Immune Globulin (IG) đường truyền tĩnh mạch, hoặc tiêm bắp hoặc tiêm dưới da, chỉ định Immune Globulin dự phòng sau phơi nhiễm cho một số trường hợp đặc biệt như: người suy giảm miễn dịch nặng, trẻ em dưới 9 tháng có bệnh lý nền nặng đang tiến triển, xem xét chỉ định đối với phụ nữ mang thai.

Từ khóa: hướng dẫn, cách ly ca mắc sởi, bệnh sởi, bệnh sởi gia tăng, bộ y tế, điều trị bệnh sởi

Thể loại: Xã hội

Tác giả: chung thủy/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập