Những hệ lụy chết người từ thông tin chữa Covid-19 bằng chloroquine
Cập nhật: 26/03/2020
VOV.VN - Việc mù quáng nghe theo thông tin đồn đại chữa Covid-19 bằng chloroquine đã để lại những hệ lụy nghiêm trọng và thậm chí đã gây chết người.
Có bệnh đừng vái tứ phương
Theo SCMP, trong những này qua, ở Medan, Indonesia, người dân đổ xô đến quầy thuốc Iskandar Muda để tìm mua chloroquine – loại thuốc có chứa ký ninh chuyên dùng để chữa sốt rét. Dược sỹ Maria cho biết: “Ban đầu, chúng tôi không thể hiểu nổi họ mua thuốc này làm gì, nhưng sau khi chúng tôi biết thông tin Tổng thống Widodo tuyên bố rằng, đây có thể là phương thuốc để điều trị Covid-19, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn”.
Tổng thống Indonesia Widodo. Ảnh: AP |
Trước đó, ngày 23/3, Tổng thống Indonesia Widodo cho biết, nước này đã đặt mua 3 triệu viên chloroquine. Ông Widodo nhấn mạnh: “Chloroquine không phải là thuốc chữa trị hay có thể chống lại virus SARS-CoV-2. Nhưng kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, loại thuốc này có thể giúp bệnh nhân mắc Covid-19 hồi phục tốt hơn”.
Dù ông Widodo đã nêu rõ, thuốc này chỉ được cấp cho các bệnh viện nhằm hỗ trợ nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19, nhu cầu chloroquine vẫn không ngừng gia tăng trong bối cảnh số lượng người thiệt mạng và mắc Covid-19 tại Indonesia trong nhiều ngày qua không có dấu hiệu giảm xuống.
Hơn thế nữa, nếu thông tin này chỉ đến từ Tổng thống Widodo, mọi chuyện có thể đã khác. Một nhân vật rất có ảnh hưởng đến thế giới khác là Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã không tiếc lời ca ngợi tác dụng của chloroquine bất chấp việc chưa có căn cứ khoa học nào chứng minh cho lời nói của ông.
Trên thực tế, theo nghiên cứu của Đại học Triết Giang, Trung Quốc, chloroquine hay loại thuốc tương tự là hydroxychloroquine hầu như không có tác dụng gì trong việc điều trị Covid-19.
Đại học này đã tiến hành một nghiên cứu đối với 30 bệnh nhân, trong đó 15 người được điều trị bằng hydroxychloroquine và 15 người còn lại được điều trị bằng các biện pháp truyền thống. Kết quả là, trong 15 người được điều trị bằng hydroxychloroquine có 13 người hồi phục trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, con số này ở những người được điều trị theo phương pháp truyền thống là 14.
Dĩ nhiên, việc chỉ nghiên cứu thử nghiệm với số lượng bệnh nhân rất hạn chế như vậy khó có thể đưa ra một kết luận chính xác, tuy nhiên, chính các chuyên gia về y tế vẫn hoài nghi về khả năng chữa trị Covid-19 của cả 2 loại thuốc là chloroquine và hydroxychloroquine.
Ông Anthony Fauci, giám đốc Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, thành viên nhóm công tác phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ Mỹ nhận định, những kết quả ban đầu cho thấy, tác dụng của chloroquine và hydroxychloroquine trong điều trị Covid-19 “vẫn còn rất mơ hồ”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng lên tiếng ca ngợi tác dụng củachloroquine đối vời việc điều trị Covid-19. Ảnh: AP |
Lợi bất cập hại
Dù vậy, việc thử nghiệm chloroquine và hydroxychloroquine trong điều trị Covid-19 vẫn được tiến hành tại New York và các chuyên gia y tế cộng đồng tại Pháp cũng đang cân nhắc sử dụng các loại thuốc này cho những bệnh nhân mắc Covid-19 có dấu hiệu trở bệnh nặng. Trên toàn châu Âu, đã có khoảng 800 người bắt đầu tham gia các thử nghiệm sử dụng chloroquine và hydroxychloroquine trong điều trị Covid-19.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, cần rất thận trọng trong việc sử dụng chloroquine và hydroxychloroquine để điều trị Covid-19 vì điều này có thể “lợi bất cập hại”. Đã có trường hợp ngộ độc chloroquine ở Nigeria và thậm chí một người đàn ông ở Mỹ đã thiệt mạng ngày 24/3 sau khi sử dụng chloroquine phosphate – hợp chất cũng được dùng để vệ sinh bể cá.
Thậm chí, bác sĩ Corona Rintawan, lãnh đạo nhóm công tác phòng chống Covid-19 ở Indonesia, việc tự chữa trị Covid-19 bằng chloroquine còn gây ra nhiều vấn đề hơn cả bản thân loại virus chết người này: “Tôi rất lo lắng về việc nhiều người đang tự đầu độc bản thân bằng loại thuốc này. Tôi nghĩ Chính phủ cần có các quy định hạn chế mua bán và sử dụng chloroquine”.
Trong khi đó, theo nhà tâm lý học người Indonesia Irna Minauli, sẽ rất khó ngăn cản người dân Indonesia mua chloroquine bởi giờ đây thông tin này đã rất phổ biến và người dân cũng có rất nhiều cách để mua lậu hàng mà không phải trực tiếp ra quầy thuốc mà thông qua các cửa hàng bán trên mạng vốn đã nở rộ tại Indonesia chỉ vài ngày sau khi có tuyên bố của ông Widodo.
“Chỉ cần nghiên cứu về lý thuyết hành vi cũng có thể biết rằng, con người học hỏi rất nhanh từ những người khác. Chính vì thế, nếu họ biết được thông tin về một loại thuốc có thể chữa trị bệnh hoặc nghe được từ ai đó rằng họ đang tìm cách mua loại thuốc đó, họ cũng sẽ làm như vậy”, bà Irna Minauli lý giải.
Người dân cần tránh nghe theo những tin đồn về những loại thuốc có thể điều trị Covid-19 nếu không muốn "tiền mất tật mang". Ảnh: Reuters |
Cảnh giác trước mọi tin đồn
Trước xu hướng rất đáng lo ngại này, bà Santi Indra Astuti, Giảng viên khoa Khoa học Truyền thông, Đại học Hồi giáo Bangdung, Indonesia cảnh báo: “Chúng tôi nhận thấy, những tin đồn về Covid-19 đang được lan truyền nhanh chóng. Những thông tin chưa được kiểm chứng về chloroquine đang được người dân phát tán qua ứng dụng WhatsApp và nhiều người, trong đó có cả các bác sĩ lại chia sẻ thông tin này dù không biết chắc thông tin có chính xác hay không”.
Để đối phó với tình trạng này, bà Santi Indra Astuti cho biết: “Chúng tôi đang thu thập mọi thông tin liên quan đến những nghiên cứu về việc thử nghiệm điều trị Covid-19 bằng chloroquine và sẽ công bố để người dân được biết về quá trình nghiên cứu này. Tuy nhiên, mọi người cũng cần lưu ý rằng, trong tuần qua, những tin đồn liên quan đến các loại thuốc, thảo mộc có thể điều trị được Covid-19 đang lan rộng nhanh chóng”.
Ngoài ra, giới chức y tế Indonesia cũng được khuyến nghị cần kêu gọi người dân tránh mua bất kỳ các loại thuốc nào với mong muốn điều trị Covid-19 chỉ vì nghe theo các thông tin chưa được kiểm chứng, đặc biệt là các thông tin chia sẻ trên mạng xã hội./.
Từ khóa: virus corona, dịch viêm phổi cấp, vũ hán, dịch corona, viêm phổi cấp
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN