Những dự cảm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về pháo đài bay B-52

Cập nhật: 15/12/2022

VOV.VN - Trước những hành động ngày một leo thang của đế quốc Mỹ, cùng những dự cảm rất chính xác của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm có những tính toán, chuẩn bị để đối phó với “át chủ bài” của không quân Mỹ.

Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng cuối năm 1972 là một trong những chiến dịch mà Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều dự báo, kế sách và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta chủ động chuẩn bị chiến đấu, thực hành chiến đấu thắng lợi, không để bị động, bất ngờ trước âm mưu sử dụng “siêu pháo đài bay B-52” đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ bản chất, âm mưu của đế quốc Mỹ ở Đông Dương và Việt Nam. Mặc dù liên tục thất bại ở nhiều trận địa trên chiến trường miền Nam Việt Nam, song dựa vào sức mạnh quân sự và kinh tế, khoa học công nghệ, đế quốc Mỹ không chịu chấp nhận thất bại và từ bỏ dã tâm xâm lược Việt Nam. Năm 1967, đến thăm Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Người nhấn mạnh: “Mỹ thua thì nó xấu hổ lắm. Nó tức mình lắm. Bởi vì nó đã thua ở Trung Quốc, thua ở Triều Tiên, bây giờ mà thua ở Việt Nam nữa, nó mất mặt, xấu hổ. Vì thế cho đến phút cuối cùng nó cắn, nó cố cắn rồi nó thua nữa”. Tiên đoán đó của Người hoàn toàn có căn cứ và sự thực lịch sử cũng đã chứng minh đây là một nhận định hoàn toàn chính xác. Điều đó cho thấy tầm nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo chính trị và quân sự xuất sắc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực tế, từ những năm đầu của thập niên 60, trước những âm mưu khiêu khích, kích động, không ngừng phá hoại miền Bắc đã ngày càng lộ rõ âm mưu của kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cứng rắn cảnh báo: “Nếu chúng liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại. Vì nhân dân cả nước ta sẽ kiên quyết đánh lại chúng”.

Trước những hành động ngày một leo thang của đế quốc Mỹ, cùng những dự cảm rất chính xác của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm có những tính toán, chuẩn bị để đối phó với “con át chủ bài” không quân Mỹ. Năm 1962, Người đã hỏi và căn dặn ông Phùng Thế Tài - Tư lệnh Quân chủng Phòng không lúc đó: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa?”, “Nói thế thôi chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ nay, là Tư lệnh bộ đội Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này”. Sau này, làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Người giao nhiệm vụ: “Phải chuẩn bị cách đánh B-52, dù trong tình huống nào cũng phải đánh thắng B-52 nếu chúng đánh ra miền Bắc, nhất là Hà Nội, Hải Phòng...”.

Thực hiện lời căn dặn của Người, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và các cơ quan tác chiến, quân báo đã tích cực thu thập thông tin, tài liệu về máy bay B-52, đồng thời nghiên cứu cách đánh và chuẩn bị phương án chiến đấu với B-52; Quân và dân ta chủ động chuẩn bị, tăng cường lực lượng và phương tiện, bộ đội phòng không được tích cực xây dựng, huấn luyện và làm chủ phương án tác chiến, tình huống chiến đấu với những cách đánh hay, độc đáo, sáng tạo; làm chủ vũ khí, khí tài quân sự mới... Vì thế, trận chiến đấu đầu tiên của quân và dân ta với không quân Mỹ trên vùng trời miền Bắc ngày 5/8/1964 đã giành thắng lợi vang dội khi bắn rơi 8 máy bay địch và bắt giữ nhiều giặc lái.

Từ năm 1965, cùng với việc đưa quân Mỹ ồ ạt vào miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, đưa máy bay đánh phá miền Bắc Việt Nam và bắt đầu sử dụng máy bay B-52 trên chiến trường Việt Nam, trong đó có nhiều lần xâm phạm vùng trời miền Bắc. Đặc biệt, từ tháng 4/1967, Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá Hà Nội. Vì thế, việc nghiên cứu tìm ra cách đánh và đánh thắng được máy bay B-52, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Thủ đô Hà Nội là nhiệm vụ quan trọng của quân và dân miền Bắc.

Sau nhiều năm thu thập thông tin, nghiên cứu tài liệu, tìm cách đánh và xây dựng kế hoạch tác chiến, đặc biệt thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Muốn bắt cọp thì phải vào tận hang”, tháng 4/1966, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã cử 4 tiểu đoàn của Trung đoàn 238 (Trung đoàn tên lửa thứ hai của quân đội ta) vào mặt trận Vĩnh Linh (Quảng Trị) xây dựng trận địa, quyết phục bắn cho bằng được B-52.

Tháng 8/1967, đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh Binh chủng Tên lửa do ông Hoàng Văn Khánh - Phó Tư lệnh cùng một số đại diện các cơ quan tác chiến huấn luyện, quân báo, kỹ thuật vào Vĩnh Linh trực tiếp chỉ đạo Trung đoàn 238 bắn rơi cho bằng được B-52. Với sự quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 238, cùng sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh Binh chủng Tên lửa, những chiếc B-52 đầu tiên đã bị bắn hạ trên bầu trời Vĩnh Linh. Bức điện của ông Hoàng Văn Khánh gửi cho Bộ Tư lệnh ghi rõ: “Hồi 17h3’ ngày 17/9/1967, Tiểu đoàn 84 phóng 2 quả đạn vào một tốp B-52, tiêu diệt 1 chiếc. Tiếp đó, 17h34’, phóng tiếp 2 quả đạn vào một tốp B-52 khác, tiêu diệt thêm 1 chiếc”.

Nhận được tin chiến thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui, Người tự tay viết thư khen quân và dân Vĩnh Linh anh hùng: “Bác rất vui lòng được tin ngày 17/9/1967 Vĩnh Linh đã lập công xuất sắc lần đầu bắn rơi 2 máy bay B-52 của giặc Mỹ. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác đặc biệt gửi lời khen ngợi đồng bào, chiến sĩ và cán bộ Vĩnh Linh đã đánh giỏi, bắn trúng, chiến thắng vẻ vang. Vĩnh Linh thật xứng đáng là tiền tuyến anh hùng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa...”. Riêng Tiểu đoàn 84 Trung đoàn tên lửa 238 được Người tặng thưởng Huân chương Quân công hạng II.

Kinh nghiệm bắn rơi máy bay B-52 tại mặt trận Vĩnh Linh sau này đã trở thành “Hồ sơ” về B-52. Cùng với những tài liệu nghiên cứu khác và kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu của nhiều đơn vị, trong nhiều năm, nhất là đầu năm 1972 đã được các sĩ quan có trình độ kỹ thuật, chiến thuật giỏi, dày dạn kinh nghiệm trong chiến đấu biên soạn thành cuốn “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa”. Đây là cuốn “Cẩm nang bìa đỏ” - một tài liệu có giá trị, là trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy. Đây cũng chính là công trình mà Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân quyết tâm thực hiện lời căn dặn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “phải chuẩn bị cách đánh B-52”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Chúng ta chiến thắng B-52 Mỹ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của cuốn sách này”.

Cùng với cuốn cẩm nang đó, kế hoạch chiến đấu cũng được hoàn tất, công tác huấn luyện tất cả các lực lượng không quân, tên lửa, cao xạ, súng pháo phòng không theo phương án chiến đấu cũng được tiến hành thường xuyên...

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó, ta hoàn toàn giành thế chủ động, giăng sẵn “thiên la địa võng” để chờ máy bay B-52. Vì thế, hầu hết máy bay địch khi đến đánh phá Hà Nội và khu vực lân cận đều lọt vào dự kiến của ta: “Thực tế chiến đấu diễn ra trong 12 ngày đêm tháng 12/1972, có tới 70% máy bay B-52 đã bay từ hướng Tây Bắc xuống đánh Hà Nội. Còn ở Hải Phòng... thì độ chính xác gần như 100%”. Điều này càng minh chứng cho những dự báo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn chính xác, đã giúp cho công tác chuẩn bị và thực hành chiến đấu của quân và dân ta thuận lợi, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Cùng với việc sớm dự đoán việc Mỹ sẽ đưa B-52 ra đánh phá miền Bắc và những chỉ đạo quan trọng để quân và dân ta chuẩn bị trước, không để bị động, bất ngờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường xuyên đến thăm, viết thư động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, xây dựng niềm tin và nâng cao quyết tâm dám đánh và đánh thắng B-52, đánh thắng giặc Mỹ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt tới cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng Phòng không - Không quân, đơn vị quân đội chủ lực trực tiếp chiến đấu với B-52, bảo vệ vùng trời miền Bắc. Trong 10 năm, kể từ năm 1959 cho đến lúc Người đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 19 lần (trong đó có 5 lần vào dịp Tết Nguyên đán) trực tiếp đến thăm, động viên bộ đội Phòng không - Không quân.

Ngày 19/7/1965, đến thăm cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 Đoàn Tam Đảo, Bộ đội Phòng không – Không quân, Người căn dặn: “Các chú phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện. Phải có quyết tâm đánh, mà đã đánh phải có quyết tâm thắng. Phải chuẩn bị tinh thần đánh liên tục, đánh khi nào giặc Mỹ phải cút ra khỏi Việt Nam mới thôi... Bộ đội Phòng không - Không quân có nhiều binh chủng hợp thành, lúc đánh phải hiệp đồng cho tốt, ai đánh tầng thấp, ai đánh tầng giữa, ai đánh trên cao phải phối hợp rất chặt chẽ”. Người cũng yêu cầu bộ đội phải xác định rõ quyết tâm: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B.57, B-52, hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.

Ngày 16/2/1969 (tức mùng 1 tết Kỷ Dậu), Người đến thăm và động viên bộ đội Phòng không – Không quân. Sự quan tâm đặc biệt đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ to lớn để cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân quyết tâm anh dũng chiến đấu, góp phần quan trọng vào thắng lợi giòn giã của quân và dân miền Bắc trước “Siêu pháo đài bay B-52”, con át chủ bài của Không lực Mỹ./.

Từ khóa: tập kích đường không của đế quốc Mỹ ở miền Bắc Việt Nam, siêu pháo đài bay B52, 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, 12 ngày đêm ở miền bắc 1972, pháo đài bay b52, oanh tạc bắc việt bằng pháo đài bay

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập