Những điểm đáng chú ý tại tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79
Cập nhật: 20/09/2024
Lệnh ngừng bắn ở Lebanon -“tia hy vọng đầu tiên” trong cuộc xung đột Trung Đông? (28/11/2024)
Indonesia lý giải nguyên nhân và chiến lược thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (28/11/2024)
VOV.VN - Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 sẽ bắt đầu từ ngày 24/9. Một số chủ đề quan trọng sẽ được nêu bật tại sự kiện này dự kiến bao gồm cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza, khí hậu và cải tổ Hội đồng Bảo an.
Phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thường diễn ra vào tháng 9 với sự tham dự của nguyên thủ nhiều quốc gia thành viên. Phiên thảo luận chung cấp cao sẽ bắt đầu từ ngày 24/9.
Khi mới thành lập năm 1945 sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Hợp Quốc ban đầu có 51 thành viên. Số lượng thành viên hiện đã tăng lên 193. Lãnh đạo 2 quốc gia quan sát viên thường trực phi thành viên ở Liên Hợp Quốc là Tòa Thánh và Palestine và quan sát viên thành viên EU đều được phát biểu tại diễn đàn này.
Theo truyền thống, Brazil thường là nước thành viên đầu tiên phát biểu. Điều này là bởi trong những năm đầu sau khi thành lập Liên Hợp Quốc, Brazil đã xung phong phát biểu đầu tiên sau khi các nước khác còn lưỡng lự.
Là quốc gia nơi đặt trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ sẽ là nước thứ hai phát biểu. Danh sách tiếp theo sẽ dựa trên thứ bậc và thường là quốc gia nào đăng ký trước thì được phát biểu trước.
Năm nay, có 87 người đứng đầu nhà nước, 3 phó Tổng thống, 2 Hoàng thân, 45 Thủ tướng, 8 phó Thủ tướng, 45 Bộ trưởng, và đại diện 4 phái đoàn dự kiến sẽ phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Đại diện các nước thường được yêu cầu phát biểu trong khung thời gian tự nguyện 15 phút. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, một trong những bài phát biểu dài nhất trong phiên khai mạc của một Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là của Chủ tịch Cuba Fidel Castro năm 1960 trong vòng 4 tiếng rưỡi đồng hồ. Năm 2009, lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi nói trong vòng hơn một tiếng rưỡi.
Mỗi phiên thảo luận cấp cao để khai mạc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thường niên đều có một chủ đề mà đại diện các nước thường đề cập tới trước khi chuyển sang các vấn đề khác.
Chủ đề của năm nay là: “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Cùng hành động để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hiện tại và mai sau”.
Một số chủ đề khác có thể sẽ được đề cấp tới trong các bài phát biểu bao gồm:
Theo giới chức y tế địa phương, số người chết ở Gaza đã lên tới hơn 41 nghìn và tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi. Trong bối cảnh đó, nhiều lãnh đạo các nước dự kiến sẽ kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Cuộc xung đột ở Gaza bắt đầu cách đây gần 1 năm sau cuộc tấn công của Hamas nhắm tới Israel ngày 07/10, hai tuần sau khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2023 kết thúc.
Sau khi Israel tấn công trả đũa Hamas ở Dải Gaza, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 27/10 đã kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức. Cơ quan này sau đó vào tháng 12 đã yêu cầu một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo tức thời.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vốn thường chỉ trích Liên Hợp Quốc chống lại Israel và Thủ tướng Palestine Mahmoud Abbas đều dự kiến sẽ phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 26/09.
Lãnh đạo nhiều quốc gia dự kiến sẽ kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vốn đã kéo dài gần 2 năm rưỡi. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua 6 nghị quyết về cuộc xung đột này trong năm đầu tiên qua đó yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.
Thủ tướng Ukraine Volodymyr Zelenskiy dự kiến sẽ phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 25/09.
Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự trực tuyến Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2020 do Covid-19, ông đã không tới New York dự sự kiện này kể từ năm 2015. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ có bài phát biểu tại đây ngày 28/09.
Trong bối cảnh thế giới đang tìm cách duy trì tình trạng ấm nóng toàn cầu ở mức 1,5 độ C, lãnh đạo các quốc đảo nhỏ và một số nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu dự kiến sẽ sử dụng các bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để một lần nữa kêu gọi thế giới hành động.
Nhiều lãnh đạo thế giới, đặc biệt là từ châu Phi và các cường quốc bao gồm Brazil, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản dự kiến sẽ kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an vốn có nhiệm vụ chính là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế
Vấn đề này đã từ lâu được thảo luận tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhưng trong những năm gần đây mới được thúc đẩy sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Các ý tưởng cải tổ bao gồm mở rộng số lượng thành viên Hội đồng bảo an thông qua việc bổ sung thêm các nước thường trực có quyền phủ quyết hoặc các thành viên được bầu ngắn hạn nhằm đa dạng hóa cơ chế thành viên và hạn chế quyền phủ quyết vốn đang được nắm giữ bởi Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, và Pháp.
Mọi thay đổi đối với quy chế thành viên của Hội đồng Bảo an sẽ được thực hiện bằng cách sửa đổi Hiến chương Liên Hợp Quốc. Điều này sẽ cần tới sự ủng hộ của 2/3 tổng số các nước thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bao gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an.
Trước khi các nhà lãnh đạo bắt đầu tham dự phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Hội nghị thương đỉnh tương lai sẽ diễn ra trong hai ngày 22/09 và 23/09. Các nước thành viên Liên Hợp Quốc hiện đang đàm phán 3 văn bản dự kiến có thể được thông qua ngày 22/09 bao gồm một thỏa thuận cho tương lai, một tuyên bố về thế hệ tương lai và một thỏa thuận số toàn cầu.
Từ khóa: Liên Hợp Quốc, Liên Hợp Quốc, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79, Liên Hợp Quốc nhóm họp, xung đột Gaza, Ukraine, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc
Thể loại: Thế giới
Tác giả: pv/vov-washington
Nguồn tin: VOVVN