Những di sản về Bác Hồ trên đất Huế
Cập nhật: 14/05/2020
VOV.VN - Tại thành phố Huế hiện có hàng chục di tích in đậm hình ảnh Bác Hồ và gia đình.
Huế là nơi lưu dấu nhiều kỷ niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây, từ năm 1895 - 1901 và 1905 - 1909, cậu bé Nguyễn Tất Thành được học tập và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước. Tại thành phố Huế hiện có hàng chục di tích in đậm hình ảnh Bác Hồ và gia đình.
Ngôi nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang. |
Ngôi nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế những ngày này khá đông du khách đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ Bác. Ngôi nhà này Bác Hồ sống từ năm 1898 - 1900 cùng cha và anh trai, lúc cụ Nguyễn Sinh Sắc về Huế dạy học. Ngôi nhà mái tranh ba gian 2 chái, vách ghép ván, làm lớp học và làm chỗ ở cho ông và hai con.
Tại đây, Bác đã được học những chữ Hán đầu tiên do mình cha dạy. Cùng với ngôi nhà, bến Đá, am Bà, đình làng Dương Nỗ, ở xã Phú Dương đã trở thành cụm di tích ghi dấu những câu chuyện về tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Anh Lê Văn Cường, nhân viên Phòng Tuyên truyền hướng dẫn Bảo tàng Hồ Chí Minh, người có 10 năm làm hướng dẫn thuyết minh ở khu lưu niệm của Bác cho biết: "Trong gần 10 năm qua tôi thấy rất vinh dự và tự hào với công việc của mình, đã góp phần nhỏ của mình vào công tác tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp cách mạng cao cả và trong sáng của Bác Hồ đối với nhiều tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là thế hệ trẻ để giáo dục truyền thống về quê hương, đất nước của mình. Bản thân tôi được học tập và được trưởng thành hơn rất nhiều".
Một địa chỉ khác ngay tại trung tâm thành phố Huế là Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở số 112 Mai Thúc Loan, những ngày này cũng có nhiều đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu. Ngôi nhà rường ba gian hai chái, mái ngói giữ phong cách đặc trưng của Huế. Cách đây hơn một thế kỷ, từ năm 1895 - 1901, đây là nơi gia đình Bác thuê trọ, những năm cụ Nguyễn Sinh Sắc vào kinh đô Huế dự các kỳ thi Hội.
Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112 Mai Thúc Loan, thành phố Huế |
Những kỷ vật trong ngôi nhà rường như giá sách, khung cửi, mâm cơm… gắn liền với thời thơ ấu của Bác Hồ. Năm 1901, cũng chính trong ngôi nhà này, khi cụ Nguyễn Sinh Sắc làm thư ký tại Thanh Hóa, bà Hoàng Thị Loan qua đời để lại cậu bé Nguyễn Sinh Cung lúc ấy mới 11 tuổi, người em Nguyễn Sinh Xin mới chào đời, chẳng bao lâu em Xin cũng mất.
Chị Nguyễn Thị Vân Quỳnh, một người dân thành phố Huế cho biết: Kỷ niệm những năm tháng tuổi thơ của Bác Hồ ở Huế là ngôi nhà đầu tiên Người đã ở, là nỗi đau mất mẹ, là tiếng khóc của em thơ khát sữa…
"Mảnh đất Thừa Thiên Huế là nơi gắn bó với Bác cùng gia đình trong 10 năm. Hệ thống di tích ở đây trở thành một trong những địa chỉ đỏ để các học sinh, sinh viên, cơ quan đoàn thể hướng về" - chị Quỳnh cho biết.
Tại Huế còn có hệ thống 20 di tích và điểm di tích liên quan đến thời niên thiếu của Bác Hồ như Trường Tiểu học Pháp-Việt Đông Ba, trường Quốc Học Huế. Hay di tích Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, năm 1908, chàng trai Nguyễn Tất Thành đã tham gia phong trào chống thuế của nông dân Thừa Thiên Huế. Những di tích gắn với hình ảnh của Bác Hồ kể lại với mọi người những tư tưởng, tình cảm thiêng liêng về Bác Hồ.
Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nhiều năm qua, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được gìn giữ, trùng tu tôn tạo chu đáo: "Trong thời gian sống ở Huế với việc tham gia các phong trào yêu nước như phong trào Duy Tân, phong trào cắt tóc ngắn, đặc biệt đỉnh cao đó là phong trào đấu tranh chống thuế của nhân dân các tỉnh miền Trung vào năm 1908. Qua các phong trào yêu nước đó đã góp phần hình thành nên nhân cách đạo đức cũng như tư tưởng yêu nước thời thanh niên của chủ tịch Hồ Chí Minh"./.
Từ khóa: di sản bác hồ, bác hồ, bác hồ với huế, di tích bác hồ ở huế, nhà lưu niệm
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN