Những công việc thầm lặng nơi công lý được thực thi
Cập nhật: 25/09/2019
Vụ xe đâm tử vong bé 17 tháng tuổi trong nhà ở Tuyên Quang: Lấy mẫu máu nam tài xế
An Giang: Bắt 3 đối tượng xuất khống hóa đơn trên 16 tỷ đồng
VOV.VN - Các chiến sĩ làm công tác áp giải bị cáo và bảo vệ phiên tòa thường xuyên phải đối mặt với nhiều tội phạm nguy hiểm trong quá trình làm nhiệm vụ.
Áp giải bị cáo và bảo vệ phiên tòa là một trong những nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình truy tố, xét xử của cơ quanpháp luật. Thường xuyên phải đối mặt với nhiều tội phạm nguy hiểm, nhưng cán bộ chiến sỹ làm công tác áp giải bị cáo và bảo vệ phiên tòa thuộc Phòng cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Công an tỉnh Quảng Ninh vẫn luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Các cán bộ làm công tác áp giải phạm nhân và bảo vệ phiên tòa đưa 11 bị cáo trong vụ án Nguyễn Văn Mạnh cùng đồng bọn bị truy tố về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” ra hầu tòa.
|
Đúng 8 giờ sáng (ngày 8/8/2019), cánh cổng Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh mở ra, cũng là lúc các cán bộ làm công tác áp giải phạm nhân và bảo vệ phiên tòa đưa 11 bị cáo trong vụ án Nguyễn Văn Mạnh cùng đồng bọn bị truy tố về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” ra hầu tòa. Các phiên tòa xét xử tội phạm ma túy hay các vụ án mạng thường có rất đông người đến dự, trong đó không ít người bức xúc, manh động. Chính vì vậy, từ phía trong phòng xét xử đến các cửa ra vào đều được bố trí các tổ bảo vệ nghiêm ngặt theo phương án đã được chuẩn bị.
Trung tá Vũ Văn Chiến, Đội trưởng đội Hỗ trợ tư pháp và Quản lý kho vật chứng, Phòng cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Sau khi đã nhận lệnh trích xuất, áp giải bị can, bị cáo thì chúng tôi xây dựng kế hoạch từng chi tiết và phân công cụ thể từng cán bộ chiến sĩ. Sau đó chúng tôi phối hợp với trại giam để nắm tư tưởng thái độ của bị cáo. Có những bị cáo người ta có tâm tư rằng hôm nay sẽ bị xét xử với mức án lớn, tư tưởng hoang mang, dao động có thái độ phản ứng lại, thì chúng tôi lại phải động viên, kiên quyết làm theo đúng quy trình.”
Đó chỉ là một trong hàng ngàn phiên tòa do Phòng thi hành án và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm bảo vệ, trích xuất và áp giải bị cáo, bị can. Trường hợp vất vả nhất phải kể đến phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Bích Ngọc và đồng bọn với tội danh “mua bán trái phép chất ma túy” vào tháng 1/2014. Phiên tòa diễn ra trong 17 ngày với 89 bị cáo, trong đó có tới 30 bị cáo bị tuyên án tử hình. Thượng tá Nguyễn Văn Kiên - Phó trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp công an tỉnh Quảng Ninh nhớ lại: Phiên tòa đặc biệt này được tổ chức ngay tại khuôn viên của Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh.
Từ phía trong phòng xét xử đến các cửa ra vào đều được bố trí các tổ bảo vệ nghiêm ngặt theo phương án đã được chuẩn bị. |
Gần 10 năm gắn bó với công việc, Thượng tá Nguyễn Đức Kiên bộc bạch: Không hiếm những phiên tòa, công việc của các anh gặp nhiều khó khăn do số lượng bị cáo đông, có hành vi chống đối như giả bệnh, tự sát,… nhiều câu chuyện éo le về gia cảnh hay sự suy sụp tinh thần của thân nhân và của chính bị cáo phía sau những phiên xét xử đã để lại nhiều cảm xúc với anh cùng đồng đội. Và cũng không khó để thấy những hành động nhân văn của các cán bộ chiến sĩ cảnh sát giúp đỡ thân nhân bị cáo tại mỗi phiên tòa.
Trong suốt gần 10 năm hoạt động kể từ khi thành lập đến nay, gần 19.600 bị can, bị cáo và hơn 12.000 phiên tòa đã được các cán bộ Phòng Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Quảng Ninh đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Chánh tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh:“Anh em làm việc nhiệt tình và có trách nhiệm, có những phiên tòa xử đến 20 giờ tối. Nhiều phiên tòa có những đối tượng quá khích, gây rối trật tự, thậm chí còn hành hung hội đồng xét xử, lực lượng cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp đã luôn đảm bảo an toàn cho việc xét xử của tòa án.”
Lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm của những chiến sĩ làm công tác áp giải bị cáo, bị can và bảo vệ phiên tòa đã đóng góp một phần không nhỏ trong quá trình truy tố, xét xử của cơ quanpháp luật. Hành trình phấn đấu và trưởng thành của lực lượng cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Quảng Ninh đã được ghi nhận khi đây là đơn vị thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đầu tiên trên cả nước được nhận cờ thi đua của Bộ Công an./.
Từ khóa: cảnh sát tư pháp, công lý, tòa án, bảo vệ phiên tòa, bị cáo
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN