Một trong những tuyến đường có kinh phí xây dựng "khủng" nhất Hà Nội là Hoàng Cầu - Voi Phục, mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng. Tuyến đường dài hơn 2,2km, mặt cắt ngang 50m, chạy song song với đường Đê La Thành.
Trung bình mỗi mét đường trên tuyến Hoàng Cầu - Voi Phục có tổng chi phí hơn 3,5 tỷ đồng, cao gấp 3 lần đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (hơn 1,1 tỷ đồng/m) và gấp 2 lần tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (1,4 tỷ đồng/m).
Nằm trong hệ thống vành đai 1 của Thủ đô, tuyến đường Trần Khát Chân, đoạn từ Ô Đống Mác đến Nguyễn Khoái dài 570m, cũng có chi phí xây dựng đắt đỏ không kém.
Với chiều dài 570m và tổng mức đầu tư 1.139 tỷ đồng, mỗi mét đường đã "ngốn" gần 2 tỷ đồng.
Tuyến đường kéo dài từ nút giao Lò Đúc - Trần Khát Chân - Kim Ngưu đến đê Nguyễn Khoái. Mỗi bên đường có 3 làn xe chạy, với chiều rộng 50m.
Toàn cảnh tuyến đường Trần Khát Chân (đoạn đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái). Do nằm trong khu dân cư đông đúc nên khi được đưa vào hoạt động, tuyến đường mới đã giúp giảm ùn tắc giao thông và góp phần tạo cảnh quan đẹp cho Thủ đô.
Tháng 2/2008, vành đai 1 Kim Liên - Xã Đàn được đưa vào hoạt động, với chiều 550m, tổng mức đầu tư 773 tỷ đồng, chi phí trung bình 1,41 tỷ đồng/m.
Tuyến đường có chiều rộng 45m, mỗi bên đường được chia thành 4 làn xe.
Sau khi hoàn thành, dự án đã giúp nút giao Kim Liên - Phạm Ngọc Thạch - Xã Đàn thoát khỏi danh sách "điểm đen" ùn tắc ở Hà Nội.
Năm 2013, tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (Xã Đàn) dài 547m được khánh thành với chi phí 800 tỷ đồng, trong đó 2/3 số tiền dùng để bồi thường giải phóng mặt bằng. Chi phí trung bình cho mỗi mét là 1,4 tỷ đồng.
Tuyến đường với mặt cắt trên 80m, mỗi bên đường có 4 làn xe.
Tuyến đường Trường Chinh, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng thuộc vành đai 2, kéo dài gần 2km, được khởi công tháng 10/2013 với tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ đồng/m).
Đường Trường Chinh từng được ví von là "đường cong mềm mại", có quy mô 5 làn xe mỗi chiều, cùng đường trên cao dành riêng cho ô tô. Để mở rộng tuyến đường dài 2km này, Hà Nội đã thu hồi hơn 116.000 m2 đất, bao gồm 618 hộ dân và 34 cơ quan thuộc các quận Đống Đa, Thanh Xuân.
Tuyến đường đi vào hoạt động đã rút ngắn thời gian di chuyển trên trục đường Trường Chinh.
Đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy) kéo dài 566m được hoàn thành từ năm 2015 với tổng chi phí đầu tư hơn 969 tỷ đồng (1,94 tỷ đồng/m). Trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng chiếm tới 680 tỷ đồng, xây lắp hơn 79 tỷ đồng.
Điểm đầu tuyến Nguyễn Văn Huyên kéo dài là ngã tư giao Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Khánh Toàn. Điểm cuối là nút giao với đường Cầu Giấy.
Đường Nguyễn Văn Huyên mỗi bên có 4 làn xe chạy, dải phân cách giữ rộng 3m, vỉa hè rộng tới 8m. Đây là một trong những dự án trọng điểm của quận Cầu Giấy nhằm giảm tải áp lực giao thông trên trục đường Cầu Giấy - Xuân Thủy.
Vừa qua, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội có báo cáo gửi UBND thành phố đề xuất chủ trương đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi 11 dự án công trình giao thông sắp xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Trong đó dự án mở rộng đường vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.
Đoạn đường Láng 3,8 km từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy sẽ được đầu tư mở rộng cả dưới thấp và làm đường trên cao, nối dài tuyến đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đang được khai thác. Với đoạn đường Láng dưới thấp đang có mặt cắt mỗi chiều 10,5m, sẽ mở rộng gấp đôi hiện tại lên đến 53,5m, vận tốc thiết kế 80km/h và là trục chính đô thị, với tổng mức đầu tư dự kiến 17.241 tỷ đồng, tương tự đoạn đường trên cao với mức đầu tư dự kiến hơn 3.800 tỷ đồng, như vậy mỗi mét đường Láng mở rộng có giá gần 4,54 tỷ đồng. Nếu đề xuất được thông qua, đường Láng sẽ trở thành con đường "đắt nhất hành tinh" ở Hà Nội.
Từ khóa: đắt nhất hành tinh, Hà Nội, đường láng, đường trường chinh, đắt nhất hành tinh, tuyến đường đắt nhất hành tinh ở hà nội, tuyến đường đắt nhất hành tinh