Những chuyên gia Việt Nam dốc lòng, dốc sức vì Campuchia

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - “Chưa từng thấy dân tộc nào, quân đội nào dốc lòng, dốc sức giúp bạn như giúp mình. Đó là hình ảnh vô giá, dù thế lực thù địch có xuyên tạc thế nào”.

Cuối tuần qua, thay mặt Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã gắn Huân chương Sao Vàng lên lá cờ truyền thống của lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia giai đoạn 1979-1989. Có thể nói, đây là phần thưởng xứng đáng dành cho các chuyên gia Việt Nam, đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, tận tâm tận lực, tập trung cao độ với tinh thần quốc tế trong sáng để hồi sinh đất nước Campuchia.

su hy sinh cua chuyen gia viet nam doi voi campuchia la vo gia hinh 1
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng gắn Huân chương Sao Vàng lên cờ truyền thống của lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia giai đoạn 1979-1989.

Vì sao phải đưa chuyên gia Việt Nam sang giúp Campuchia?

Trong hơn 3 năm cầm quyền (từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1978), được các thế lực phản động quốc tế giật dây, giúp sức, bọn diệt chủng Pol Pot đã biến đất nước Campuchia thành trại khổ sai khổng lồ đầy rẫy những hố chôn người. Không còn thành phố, trường học, chợ búa, tiền tệ, không còn ca hát, vui chơi, đi chùa, tụng kinh niệm phật, không có sự giao lưu với bên ngoài. Người dân Campuchia không được nói, không được vui, không được buồn, không được khóc, không được suy nghĩ, chỉ được cúi đầu và tuân lệnh, sống câm lặng và hồi hộp chờ đợi nghe bọn Pol Pot gọi tên mình đưa đi hành quyết. Hàng triệu người dân vô tội, trong đó có nhiều trí thức, văn nghệ sĩ… bị giết hại; nhiều trường học, cơ sở y tế và chùa chiền bị phá hủy hoặc biến thành nhà kho, trại giam.

Theo tiếng gọi khẩn thiết của nhân dân và Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, đầu năm 1979, quân tình nguyện Việt Nam cùng quân và dân Campuchia đã đánh đổ Khmer Đỏ, khép lại trang lịch sử đen tối của Campuchia, mở ra kỷ nguyên mới, hồi sinh, phát triển toàn diện của đất nước và dân tộc Campuchia.

Sau khi giúp Campuchia giải phóng đất nước ngày 7/1/1979, theo đề nghị của Đảng Nhân dân cách Cách mạng Campuchia, Việt Nam đã cử hàng vạn chuyên gia là những cán bộ cao cấp, trung cấp của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và một số địa phương sang trực tiếp giúp Campuchia hồi sinh dân tộc, ngăn chặn chế độ Pol Pot diệt chủng quay trở lại, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, xây dựng lại toàn bộ hệ thống chính trị và các thiết chế văn hóa-xã hội của đất nước Campuchia, giúp bạn khôi phục sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.

Mặc dù vừa trải qua cuộc đấu tranh chống Mỹ lâu dài, ác liệt, thiếu thốn trăm bề, các chuyên gia Việt Nam được cử sang Campuchia giúp bạn với tinh thần “bát gạo, hạt muối, chia đôi sẻ nửa” trong tình thân ái hữu nghị.

Trong 10 năm từ 1979-1989, gần 3,5 vạn chuyên gia Việt Nam đã sang giúp Campuchia. Cơ cấu trong thành phần lãnh đạo Đoàn chuyên gia có Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, ban, ngành ở Trung ương; Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và nhiều cán bộ cấp cục, vụ ở trung ương và cấp sở ở địa phương.

su hy sinh cua chuyen gia viet nam doi voi campuchia la vo gia hinh 2
Đại diện gần 3,5 vạn chuyên gia Việt Nam từng giúp cách mạng Campuchia giai đoạn 1979-1989 tại buổi lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng.

Hồi ức của những cựu chuyên gia Việt Nam

Một trong những công việc đặc biệt quan trọng và ý nghĩa chuyên gia Việt Nam đã giúp bạn đó là xây dựng lại Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia và giúp bạn tổ chức 2 nhiệm kỳ Đại hội đảng; giúp Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia tuyển chọn, bồi dưỡng đội ngũ cốt cán, có phẩm chất và năng lực làm nòng cốt cho việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng Nhân dân Cách mạng Camphuchia.

Cùng với đó, chúng ta đã giúp bạn xây dựng lại chế độ xã hội bị Khmer Đỏ phá vỡ từ Trung ương đến tận cơ sở. Chỉ trong 3 năm đầu (1979-1981), chúng ta đã giúp bạn xây dựng được chính quyền các cấp đủ sức lãnh đạo, tổ chức nhân dân xây dựng lại đất nước, vừa sản xuất, vừa chiến đấu ngăn chặn chế độ Pol Pot diệt chủng quay trở lại. Đặc biệt đã khẳng định được vị thế của Cộng hòa nhân dân Campuchia, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế.

Ông Tô Tấn Tài, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắk, Bí thư thị xã Buôn Mê Thuột, là một trong số các chuyên gia được Ban Bí thư trực tiếp điều làm Trưởng đoàn chuyên gia tỉnh Đắk Lắk giúp cho tỉnh Mondulkiri, địa phương có ranh giới giáp với tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn từ giữa 1982-1986.

Ông Tài nhớ lại, thời điểm đó, tuy Campuchia đã được giải phóng khỏi thế lực Pol Pot nhưng tàn quân ẩn náu trong rừng vẫn còn với số lượng bằng cả một sư đoàn, nên thực chất những năm đó vẫn còn nội chiến trong đất nước Campuchia giữa lực lượng cách mạng với Pol Pot. Khi đó, nhiệm vụ của đoàn chuyên gia tỉnh Đắk Lắk là giúp bạn xây dựng thực lực cách mạng từ cấp cơ sở lên tới tỉnh, giúp phục hồi sản xuất, hỗ trợ vận động nhân dân từng bị Pol Pot dồn vào khu tập trung, trở về buôn làng cũ, giúp họ phục hồi sản xuất. Nhiệm vụ quan trọng nhất là lãnh đạo lực lượng vũ trang, công an, quân đội tình nguyện của Việt Nam giúp họ đảm bảo quốc phòng an ninh, truy quét tàn quân Pol Pot, thâm nhập vào cơ sở quần chúng ở các phum, sóc để xây dựng lực lượng cách mạng, xây dựng các cơ sở nòng cốt như thanh niên, phụ nữ, tổ chức đảng để phát triển đảng viên, có nơi xây dựng thành chi bộ ở dưới xã.

Với sự giúp đỡ của chuyên gia Việt Nam, các tổ chức quần chúng cách mạng của Campuchia được thành lập mới và không ngừng trưởng thành. Chúng ta đã giúp bạn tổ chức thành công cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên để bầu ra Quốc hội; giúp bạn soạn thảo đạo luật cơ bản nhất của Campuchia là Hiến pháp (năm 1981), Luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Luật về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng.

Trưởng đoàn chuyên gia tỉnh Đắc Lắk nhấn mạnh, sự giúp đỡ của quân tình nguyện cũng như chuyên gia Việt Nam đối với đất nước và nhân dân Campuchia là vô giá. Trên thế giới, chưa từng thấy có dân tộc nào, quân đội nào dốc lòng, dốc sức giúp bạn như giúp mình. Cuối cùng, chúng ta đã hoàn thành tâm nguyện đó là giúp bạn đứng vững được trên đôi chân của mình. “Với tôi đó là hình ảnh vô giá, dù các lực lượng thù địch có cố gắng xuyên tạc như thế nào”, ông Tài bày tỏ.

su hy sinh cua chuyen gia viet nam doi voi campuchia la vo gia hinh 3
Ông Nguyễn Văn Khiêm

Một nhiệm vụ cũng quan trọng không kém của đoàn chuyên gia Việt Nam đó là giúp bạn khôi phục lại Đài Phát thanh, Đài Truyền hình quốc gia và hệ thống báo chí, khôi phục đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội ngay sau ngày thoát khỏi chế độ Pol Pot diệt chủng.

Có mặt trong đoàn chuyên gia sang giúp bạn giai đoạn 1980-1984, nhà báo Nguyễn Văn Khiêm, nguyên cán bộ Ban phát thanh đối ngoại VOV5, Đài Tiếng nói Việt Nam nhớ lại, ông được lãnh đạo Đài cử làm chuyên gia sang Campuchia đầu năm 1980. Cùng với việc giúp bạn làm chương trình tiếng Pháp, ông Khiêm cùng các chuyên gia khác của VOV còn kiêm nhiệm việc làm bản tin cho chương trình phát thanh đối ngoại của bạn trong những năm đầu.

“Campuchia lúc đó mới giải phóng, cơ sở vật chất rất nghèo nàn, nên chỗ ăn ở của đoàn chuyên gia của ta khá sơ sài. Trong năm đầu, đoàn chuyên gia ở tập trung một chỗ, rồi liên lạc với bếp của Tổng đoàn B68 để lấy cơm tập thể hàng ngày. Sau này, khi tình hình khá lên, chúng tôi mới chuyển về B68, chuyên gia có thể tự nấu ăn. Ngoài lương chính để lại nhà cho vợ con, anh em chuyên gia chủ yếu sống tiết kiệm bằng nguồn phụ cấp. Bạn cũng phát cho mỗi chuyên gia 5 riel mỗi tháng”, ông Khiêm kể.

Cùng chung niềm vinh dự, tự hào là những cựu chuyên gia từng giúp cách mạng Campuchia, nhưng ông Tài, ông Khiêm ao ước, giá như phần thưởng cao quý này được trao sớm hơn, góp phần ghi nhận, đánh giá, động viên kịp thời hơn những công lao, thành tích to lớn, đặc biệt xuất sắc của lực lượng chuyên gia Việt Nam./.

Từ khóa: chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia, Pol Pot, Đoàn B68

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập