Những “chiến sĩ” thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch corona
Cập nhật: 13/02/2020
VOV.VN - Trước diễn biến dịch corona (Covid-19) bùng phát, nhiều bác sĩ quên cả Tết, tập trung chống dịch bệnh và để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng mọi người.
Đà Nẵng là nơi đón hàng ngàn khách Trung Quốc đến làm việc, học tập, du lịch, cũng là nơi đón tiếp theo dõi sức khỏe nhiều bệnh nhân nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương - Bệnh viện Phổi Đà Nẵng |
Ngay từ giữa tháng 1, bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân bị sốt, viêm đường hô hấp nghi do virus Covid-19. Hơn 1 tháng vất vả với nhiệm vụ phòng chống dịch, các bác sĩ ở các bệnh viện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được phân công thu dung, theo dõi, điều trị đã làm việc hết mình, tích cực điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Nhiều bác sĩ quên cả Tết tập trung phòng chống dịch bệnh để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng mọi người.
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng những ngày này không đông người đến khám chữa bệnh như mọi khi. Dãy hành lang khoa Nội 3 bây giờ là khu cách ly đặc biệt. Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương đang trực tại đây trải lòng, cô có 2 con nhỏ, cả 2 vợ chồng đều là bác sĩ ở đây, còn ông bà ở tận huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An nên không ai giúp trông cháu được.
Chiếc điện thoại của bác sĩ Dương cũng được bọc ni lon cẩn thận. |
Từ khi có dịch, 2 chị em ở với hàng xóm nhiều hơn ở nhà. Mặc dù đứa nhỏ mới 6 tháng tuổi, còn bú sữa mẹ nhưng vì công việc phòng chống dịch, bác sĩ Dương phải ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Hôm nay, bác sĩ Thùy Dương lại vào ca, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19.
Công việc ngày 11/2 bận rộn hơn bởi chiều hôm ấy phải làm thủ tục xuất viện cho 10 bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 đã có kết quả âm tính. Chiếc điện thoại của bác sĩ Dương cũng được bọc kỹ bằng túi ni lông.
Từ ngày mồng 3 Tết, khi bệnh viện Phổi Đà Nẵng được giao nhiệm vụ là bệnh viện thu dung cách ly để theo dõi sức khỏe bệnh nhân nghi nhiễm nCoV, các bác sĩ ở đây lập nhóm bạn bè trên zalo, viber gồm các bác sĩ và bệnh nhân để tương tác với người bệnh.
Khu cách ly đặc biệt - Bệnh viện phổi Đà Nẵng |
Bác sĩ Dương kể, nhiều bệnh nhân nghi nhiễm khi vào đây vẫn khỏe mạnh, chỉ sốt và có yếu tố dịch tễ nên phải cách ly theo quy định. Vì vậy, họ tỏ ra sốt ruột, bức bối, khó chịu khi phải nằm dài ngày ở khu cách ly.
Bác sĩ Dương tâm sự, khi người bệnh ở khu vực cách ly yêu cầu phục vụ ăn uống, tắm rửa hay mua sắm gì, các bác sĩ, điều dưỡng đều đáp ứng hoặc nhẹ nhàng từ chối, khuyên nhủ nếu không thể giúp được.
Khoa Y học Nhiệt đới - Bệnh viện Đà Nẵng |
“Đó là khu cách ly nên thông thường chỉ những lần chúng ta mặc đồ mới tiếp xúc trực tiếp được với họ. Ngoài những lúc tiếp xúc trực tiếp đó, chúng tôi trao đổi với họ qua zalo, qua điện thoại để họ nói. Có thể họ bức xúc, có thể họ trình bày ý kiến, hoặc họ hỏi thông tin về việc điều trị của mình. Có những người họ không hợp tác đâu. Họ bảo vì sao lại đưa tôi vào khu vực này. Họ cố tìm mọi cách để thoát khỏi khu vực cách ly đó, cố gắng để trốn. Có những người không hợp tác trong suốt quá trình điều trị”, Bác sĩ Dương nói.
Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cũng có rất nhiều chuyện vui buồn trong những ngày bệnh viện này được giao nhiệm vụ cách ly, theo dõi sức khỏe bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 (virus corona).
Người nhà bệnh nhân xin đưa tư trang vào cho người thân. |
Bác sĩ Phúc kể, có lúc 12 giờ đêm, bệnh nhân nhắn tin trên zalo là cần uống sữa Ensua, người khác thì nhắn tin yêu cầu một tô bún giò mà phải là giò nạc. Vậy là các bác sĩ phải chạy đi mua bằng được cho bệnh nhân. Theo bác sĩ Lê Thành Phúc nhiều y bác sĩ gửi con về quê cho nội ngoại để sẵn sàng ở lại bệnh viện khi có bệnh nhân dương tính với Covid-19.
“Có những bệnh nhân vào đây giống như bị bắt buộc nên bực bội. 12h đêm đòi uống trà sữa, rồi có những bệnh nhân đòi phải mua cho tôi đúng dầu gội đầu này, tôi mới gội, đòi phải có nước nóng để tắm. Tôi cũng động viên cán bộ, nhân viên phục vụ hết mình. Họ thích ăn uống gì là chiều món ấy. Ví dụ họ thích ăn cơm gà quay thì phải mua gà quay. Tất cả chúng tôi bỏ tiền túi ra, khi bệnh nhân ra viện, chúng tôi thống kê lại và đề nghị bệnh nhân chi trả”, Bác sĩ Lê Thành Phúc cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng |
Còn bác sĩ Nguyễn Hữu Thọ, ở Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng nhớ mãi ca nghi nhiễm nCoV đầu tiên mà Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận điều trị. Đó là chuyện xảy ra ngày 14/1, một người Trung Quốc nặng hơn 1 tạ, ở TP Vũ Hán, qua Đà Nẵng du lịch thì phát sốt. Ban đầu, anh này đến khám tại bệnh viện Hoàn Mỹ, bệnh viện này nghi ngờ nên chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng.
Mọi người nhớ, lúc ấy 1 người đàn ông to lớn hùng hổ quát nạt các bác sĩ, một mực không cho lấy máu, nhất quyết không hợp tác và nặng nặc đòi gặp Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng. Bệnh viện phải liên lạc với Lãnh sự quán, được nhân viên lãnh sự quán vào giải thích thì bệnh nhân này mới hợp tác, điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thọ là người từng trải qua những đợt dịch Sar, Mer CoV nên không quá lo lắng khi phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 (nCoV). Điều mà anh ái ngại nhất là sự kỳ thị, lo sợ của người thân, bạn bè.
Các bác sĩ trực trao đổi với bệnh nhân từ khu cách ly. |
Bác sĩ Thọ chân tình, mặc dù ở Đà Nẵng chưa có ca nào dương tính với nCoV nhưng khi nghe nói anh làm ở Khoa Y học Nhiệt đới, bạn bè hàng xóm đã tránh gặp, anh phải giải thích, trấn an mọi người. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thọ, nguy cơ bác sĩ bị lây bệnh cũng không phải là thấp khi phải trực tiếp hàng ngày tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân.
“Chế độ bảo vệ, số lần khám, cách thức mình bảo vệ mình không như bệnh nhân bình thường. Ví dụ như mỗi lần lên thăm khám bệnh nhân thì phải mặc đồ chống dịch vào rồi đi khám một chiều trong khu chống dịch. Khu đó có 3 khu gồm khu xanh, khu vàng, khu đỏ. Khi ra khỏi khu đó thì phải thay áo quần, khẩu trang, găng tay rồi mới tắm rửa, rồi mới mặc đồ sạch lại. Mỗi lần đi khám là quy trình như vậy. Có ngày khám 10 lần thì thay đồ 10 lần, tắm 10 lần, khám 20 lần là tắm 20 lần”, bác sĩ Nguyễn Hữu Thọ kể.
Trong phòng làm việc của bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, bệnh viện Đà Nẵng chuông điện thoại cứ đổ liên hồi. Sau khi xảy ra dịch, Đà Nẵng là nơi có nhiều khách Trung Quốc nên các kiểu thông tin lệch lạc khiến bệnh viện phải liên tục giải thích.
Đến thời điểm này, mọi việc đã ổn hơn, nhiều trang web chính thức ra đời, thông tin kịp thời về dịch bệnh làm cho nhiều người an tâm. Bác sĩ Trung cho rằng, việc chống dịch, cách ly điều trị không đáng lo bằng việc xử lý thông tin nhiễu loạn.
“Thông tin rất là nhiễu nên tâm lý bệnh nhân rất hoảng loạn. Bởi vậy anh em rất căng thẳng trong vấn đề vừa điều trị, vừa đối phó với thông tin nhiễu loạn, tâm lý bệnh nhân. Bây giờ bệnh nhân họ cũng chưa nắm được tình hình bệnh cũng như yếu tố dịch tễ nên hầu như ngày nào họ cũng điện 24/24”, bác sĩ Nguyễn Thành Trung cho biết.
Tại Đà Nẵng đúng trưa 30 Tết, Chủ tịch UBND thành phố này đã chủ trì họp khẩn với các sở ban ngành bàn biện pháp phòng chống dịch. Ngày Mồng 1 Tết, tin tức về đoàn khách 218 người Vũ Hán ở lại TP Đà Nẵng càng làm nóng dư luận.
Chiều mồng Một Tết, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP vào Bệnh viện họp ban chỉ đạo chống dịch. Sau đó là sắp xếp, đưa đoàn khách Vũ Hán về nước, đón 14 du học sinh từ Vũ Hán về Đà Nẵng.
Rồi Thứ trưởng Bộ Y tế vào kiểm tra công tác phòng chống dịch lúc nửa đêm. Trong Tết, cả thành phố căng cứng vì thông tin dịch bệnh. Cả triệu người lo lắng về sức khỏe của mình và người thân.
Với trách nhiệm và lương tâm thầy thuốc, những bác sĩ ở Đà Nẵng miệt mài ngày đêm chăm sóc người bệnh, hết lòng vì bệnh nhân, giúp mọi người vượt qua thời điểm khó khăn này./.
2.588 người nhập cảnh TPHCM đang được cách ly, theo dõi Covid-19
Cách ly nam bệnh nhân tiếp xúc gián tiếp với người bị nhiễm Covid-19
Đưa người phụ nữ trốn sang Trung Quốc trở lại cách ly phòng Covid-19
Từ khóa: virus corona, dịch viêm phổi cấp, vũ hán, dịch corona, viêm phổi cấp
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN