Những câu chuyện cảm động về ông Ké - Bác Hồ - trong lòng người dân Pác Bó
Cập nhật: 28/01/2022
Bộ Tư lệnh TP.HCM báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 5 vững mạnh toàn diện
VOV.VN - Bây giờ cả bản Pác Bó nhà nào cũng đặt bàn thờ Bác cùng với bàn thờ tổ tiên. Sau này, nhân dân cũng theo tư tưởng của Bác, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương của mình tốt đẹp hơn
Cách đây 81 năm, ngày 28/1/1941 đúng dịp xuân Tân Tỵ, vùng đất Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng vinh dự được đón Bác Hồ trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Kể từ mùa xuân ấy, hình ảnh “Ông Ké” giản dị, ân cần, hết mực yêu thương đồng bào vẫn luôn ghi dấu trong trái tim người dân Pác Bó, Cao Bằng.
Bản Pác Bó mùa này, những vạt hoa lê, hoa đào nở rộ soi bóng xuống dòng suối Lê Nin xanh thẳm rì rầm chảy. Xuân Tân Tỵ 1941, Bác đặt chân trên đất Mẹ sau 30 năm bôn ba năm châu, bốn biển. Đất trời Pác Bó đón Bác với lộc biếc chồi non, hoa thắm núi rừng.
Ở cuối bản là ngôi nhà sàn khang trang của cụ Hoàng Thị Khìn, năm nay đã 103 tuổi. Năm 1941, cụ Khìn đã cùng chồng là cụ Nông Quốc Phong trực tiếp đưa cơm, bảo vệ Bác. Dù tuổi đã cao, trí nhớ không còn tốt nhưng cụ Khìn vẫn luôn khắc sâu hình ảnh: Khi đó dân xóm Pác Bó nghèo lắm, nhiều nhà đứt ăn từng bữa, nhưng tất cả mọi người cùng đồng lòng, quyết tâm bảo vệ Bác Hồ, đi theo cách mạng.
“Làm cách mạng khi ấy có các hội như Nhi đồng cứu quốc hội, Phụ nữ cứu quốc hội. Đi theo Bác Hồ, ở lán Khuổi Nậm, nấu cơm cho Bác ăn. Làm cách mạng không phải có một người, một người làm không thành công được, nhiều người lắm, hàng trăm người cùng tập đội ngũ, có cả người Hòa An, Hà Quảng... tham gia huấn luyện quân tự vệ đi theo cách mạng. Ở Khuổi Nậm chúng tôi nấu cơm cho Bác, lấy vào ống tre, nấu cháo bẹ, vác trên vai, đưa vào cho tự vệ cùng ăn”, cụ Khìn nhớ lại.
Ông Dương Chí Quân, 75 tuổi tại xóm Pác Bó cũng không giấu nổi niềm xúc động xen lẫn tự hào vì mình là cháu của cụ Dương Đình, người đã gắn bó với Bác trong thời gian Bác hoạt động cách mạng ở đây. Thắp nén nhang thơm lên bàn thờ Bác được đặt trang trọng trong căn nhà nhỏ, ông Quân kể: "Theo lời ông cha kể lại, khi đến tuyên truyền với quần chúng ở Pác Bó lúc nào Bác cũng giấu mặt, ban đêm Bác mới đến. Ở nhà cụ Dương Đình, Bác luôn ngồi chỗ tối để nói chuyện với nhân dân. Nhân dân chỉ biết là Ông Ké thôi. Đến khi hòa bình, Bác lên thăm thì nhân dân mới biết Ông Ké chính là Bác Hồ. Năm 1969, Bác mất, nhân dân Pác Bó ai cũng khóc, nhà nào cũng để tang như một người thân trong gia đình. Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhân dân Pác Bó hướng về Bác, nhất là mùng 1 Tết thì lên đền thờ, mang quà đến thắp hương cho Bác".
"Ông Ké", tiếng địa phương là Cụ Già, một cách gọi kính trọng nhưng cũng thật gần gũi, bởi Bác đã là một người con của núi rừng Pác Bó, hàng ngày mặc áo chàm, nói chuyện bằng tiếng Nùng, thức ăn cũng chỉ có rau rừng, măng đắng và ốc, cá bắt ở suối như những người dân địa phương. "Ông Ké" dạy chữ cho người dân, chăm lo cho con trẻ, ân cần thăm hỏi từng cụ già. Đó có lẽ cũng là điều khiến người dân Pác Bó tin tưởng tuyệt đối và một lòng theo Cách mạng.
Mùa xuân năm 1961, “Ông Ké” trở lại thăm Pác Bó. Ông Quán Chí Khjàng, người bản Pác Bó vẫn nhớ như in không khí hôm đó.
“Nhân dân Pác Bó biết tin Bác chuẩn bị về thăm Pác Bó thì vui mừng và phấn khởi lắm, người dân đổ ra hai bên đường đón Bác, mong mỏi được gặp Bác, trông thấy Bác tận mắt, tận nơi. Bác đi bộ, mặc bộ quần áo giản dị, một chiếc quần của người già và áo nâu đã phai màu, một đôi dép cao su. Bác vừa đi vừa vẫy chào, ai cũng rất phấn khởi vì ai cũng coi Bác như người thân về thăm, trước bà con vẫn gọi Bác là Già Tiên, là Ông Ké mà. Bác ân cần thăm hỏi từng người, rồi nói chuyện bằng tiếng dân tộc với từng cụ ông, cụ bà”, ông Quán Chí Khjàng kể lại.
Còn đó nơi đầu nguồn Cốc Bó, dòng suối Lê Nin rì rào chảy mãi ngày đêm. Từng gốc cây, hòn đá gắn với tháng năm hoạt động của Bác vẫn đang được người dân Pác Bó trân trọng giữ gìn. Bà Dương Thị Bích Hợp, Bí thư chi bộ xóm Pác Bó tự hào: Nhớ ơn Người, nhân dân các dân tộc bản Pác Bó luôn đoàn kết cùng xây dựng bản làng tươi đẹp. Bản Pác Bó hôm nay đã có nhà xây mọc lên san sát, có đường bê tông, điện thắp sáng và cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới.
"Bây giờ cả bản Pác Bó nhà nào cũng đặt bàn thờ Bác cùng với bàn thờ tổ tiên. Sau này nhân dân cũng theo tư tưởng của Bác, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương của mình tốt đẹp hơn theo nguyện vọng của Bác", bà Hợp chia sẻ.
Những câu chuyện về "Ông Ké" và tình cảm của người dân Pác Bó dành cho Bác vẫn luôn được các thế hệ trong bản truyền lại cho con cháu..., bởi đó là một phần lịch sử đầy tự hào của xóm núi nơi biên cương này.
81 mùa xuân đã trôi qua, với sự thành kính và nhớ ơn Bác sâu sắc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xóm Pác Bó nói riêng và nhân dân tỉnh Cao Bằng nói chung luôn nỗ lực xây dựng tỉnh Cao Bằng trở thành tỉnh “gương mẫu”, “đi đầu” như lời Bác đã căn dặn. Hình ảnh và những câu chuyện về "Ông Ké" sẽ vẫn được lưu truyền bằng cả sự trân trọng, tự hào, bởi với họ, "Ông Ké" luôn trong tim, dõi theo và khích lệ, động viên mình./.
Từ khóa: Ông Ké, Bác Hồ, bản Pác Bó, Cao Bằng, 81 năm bác Hồ về nước
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN