Những cán bộ y tế không mặc áo “Blouse trắng” gác cửa chống dịch

Cập nhật: 26/02/2020

VOV.VN -Có những cán bộ y tế thầm lặng ngày đêm canh gác tại các cửa ngõ như sân bay, cảng biển để ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19.

Trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, có những cán bộ y tế thầm lặng làm việc ở tuyến đầu chống dịch. Họ là những cán bộ y tế không mặc áo “Blouse trắng”, nhưng ngày đêm canh gác tại các cửa ngõ như sân bay, cảng biển để ngăn ngừa dịch bệnh, mang đến sự yên tâm cho cộng đồng. Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, họ không tổ chức gặp mặt, chúc mừng nhưng ai cũng xác định, hiệu quả công việc, ngăn chặn dịch bệnh là món quà ý nghĩa nhất đối với mọi người.

nhung can bo y te khong mac ao "blouse trang" gac cua chong dich hinh 1
Nguyễn Thị Lành trong phút giây thảnh thơi sau ca trực.

Kết thúc ca trực lúc 12h đêm tại sân bay Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Lành vội ăn tạm tô mỳ tôm rồi trở về nhà với cậu con trai 4 tuổi. Chị Lành là cán bộ Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế Đà Nẵng. Chị không mặc áo “Blouse trắng” như bao đồng nghiệp. Mỗi khi xuất hiện dịch bệnh, chị cùng đồng nghiệp ở tuyến đầu phải đối mặt với nguy hiểm. Chồng chị Lành cũng công tác trong lực lượng an ninh ở sân bay Đà Nẵng. Trong đợt cao điểm chống dịch bệnh Covid-19 này, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, cả nhà gần như chưa có bữa cơm đủ 3 người. Nhiều đêm, 2 vợ chồng cùng đi làm phải gửi cậu con trai 4 tuổi bên nhà hàng xóm. Chị Nguyễn Thị Lành tâm sự, nhiều đêm trực, vừa pha tô mỳ tôm thì máy bay hạ cánh, không kịp ăn, ngày mai sinh nhật mà chị cũng không nhớ.

nhung can bo y te khong mac ao "blouse trang" gac cua chong dich hinh 2
Công việc này không dành cho bác sĩ mặc áo Blue trắng.

“Bắt đầu 7h giao ca thì cứ quần quần khách liên tục. Thậm chí những bữa ăn sáng mang vào trong sân bay thì 10h trưa mới được ăn. Đến thời điểm này, bọn em không còn nhớ, thậm chí mai là sinh nhật của em nhưng không có thời gian để nghĩ đến sinh nhật được như mọi năm hay ngày thành lập ngành 27/2, bọn em sẽ cố gắng nỗ lực hết mình phòng chống dịch tốt nhất”- chị Lành chia sẻ.

nhung can bo y te khong mac ao "blouse trang" gac cua chong dich hinh 3
Hàng ngày họ không mặc áo Blue trắng mà mặc đồ bảo hộ.

Một đôi vợ chồng khác cũng lặng lẽ đón chào Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Đó là anh Thái Viết Lợi và vợ cùng làm trong ngành y tế. Vợ anh công tác ở Bệnh viện Đà Nẵng, còn anh làm ở bộ phận y tế cửa khẩu. Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, cuộc sống của 2 vợ chồng và con nhỏ 2 tuổi bị đảo lộn. Anh Lợi bộc bạch: làm việc ở tuyến đầu, tiếp xúc với những vị khách đến từ vùng dịch, anh em ai cũng lo lắng. Không phải lo mình mắc bệnh mà lo làm không tốt để người bệnh đi ra ngoài với cộng đồng, dễ lây lan dịch bệnh. Đây là lần thứ 3 anh Lợi tham gia công tác chống dịch.

“Thực hiện công tác này mình cũng đã xác định là đương đầu đầu tiên thì mình là người khả năng bị đầu tiên. Do đó tâm lý cũng không nặng nề. Giả sử mình bị, mình phải cách ly điều trị, khi nào khỏi thì về với gia đình”- anh Lợi nói.

Dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay đúng lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Mọi người công tác trong ngành Y tế đều xác định lấy hiệu quả công việc, ngăn chặn dịch bệnh làm niềm vui cho mỗi người. Những người đang làm việc ở Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Đà Nẵng cũng vậy.

“Năm nay chúng tôi sẽ không có buổi lễ kỷ niệm ngày truyền thống của ngành, sẽ không có buổi liên hoan vui vẻ với nhau như những năm trước. Tôi cũng động viên anh em lấy kết quả của từng ca trực, phục vụ tốt cho từng chuyến bay, từng đoàn hành khách làm món quà ngày truyền thống của ngành và động viên anh em phát huy tinh thần làm việc đã có và sẽ được nhân lên mừng ngày truyền thống của ngành y tế 27-2”- ông Phạm Trúc Lâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Đà Nẵng cho biết./.




Từ khóa: Covid 19, nCoV, virus corona, vùng dịch, kiểm soát hành khách

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập