Những ca khúc ra đời trong Cách mạng Tháng 8 lay động cả dân tộc
Cập nhật: 13/08/2020
Diva Hồng Nhung điều trị ung thư vú
Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung ra mắt chùm 3 ca khúc mừng Đảng, mừng xuân
VOV.VN - Những khoảnh khắc thiêng liêng về Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 đã được nhiều nhạc sĩ lưu lại trong những ca khúc cách mạng nổi tiếng.
Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 trở thành những ký ức không thể nào quên trong tâm trí của nhiều người dân Việt Nam. Những khoảnh khắc thiêng liêng ấy cũng đã được nhiều nhạc sĩ lưu lại trong những ca khúc cách mạng nổi tiếng sống mãi cùng lịch sử cách mạng Việt Nam.
Nghe những ca khúc ấy, dường như ai cũng có thể cảm nhận được không khí hào hùng, sục sôi khí thế cách mạng của toàn dân tộc 75 năm về trước. Những ca khúc như: Cùng nhau đi hồng binh- Đinh Nhu, Lên đàng và Tiếng gọi thanh niên- Lưu Hữu Phước, Du kích ca- Đỗ Nhuận, Phất cờ Nam Tiến- Hoàng Văn Thái, Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam- Văn Cao, Diệt phát xít- Nguyễn Đình Thi, Đoàn Vệ quốc quân- Phan Huỳnh Điểu, Mười chín tháng Tám- Xuân Oanh…
Ảnh minh họa. |
Những ca khúc cách mạng nổi tiếng đó không chỉ làm lay động trái tim những khán giả lớn tuổi từng tham gia các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, mà ngay cả lớp khán giả thế hệ 8X, 9X, 2K+ cũng phần nào hình dung được không khí đấu tranh cách mạng của toàn dân tộc.
Những lời ca như: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai/Mười chín tháng Tám, khi quốc dân căm hờn kêu thét/Tiến lên cùng hô: “Mau diệt tan hết quân thù chung” (Mười chín tháng Tám- Xuân Oanh).
Hay “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi/Nào có sá chi đâu ngày trở về/Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/Ra đi ra đi thà chết chớ lui”(Đoàn Vệ quốc quân- Phan Huỳnh Điểu)… cho đến tận hôm nay vẫn giữ vẹn nguyên khí thế hừng hực, quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam đứng lên đấu tranh giành chính quyền từ các thế lực đế quốc, phát xít.
Ngoài những ca khúc do quần chúng sáng tác ngay trong những ngày rung chuyển của Cách mạng Tháng Tám, có 8 ca khúc thường xuyên được vang lên trong không gian Hà Nội, trong không khí sôi sục của một thời đại mới. Đầu tiên phải kể đến ca khúc Cùng nhau đi Hồng binh- Đinh Nhu.
Sáng ngày 19/8/1945, đoàn người từ mọi ngả kéo tới Quảng trường Nhà hát Lớn, họ vừa đi vừa hát vang “Cùng nhau đi Hồng binh”, như nhắc lại quá khứ hào hùng của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm xưa: “Cùng nhau đi Hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh...". Ca khúc này đã được nhạc sĩ Hoàng Vân tái hiện lại dưới hình thức hợp xướng mùa thu 1960 nhân dịp 15 năm Quốc khánh Việt Nam trong hợp xướng mang tên Hồi tưởng.
Với ca khúc Tiến quân ca, nhạc sĩ Văn Cao đã viết ca khúc đó trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền vào năm 1944. tên và lời ca khúc “Tiến quân ca” là sự tiếp tục từ ca khúc “Thăng Long hành khúc ca” trước đó.Ngay từ khi ra đời, đã được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh.
Nhạc sĩ Văn Cao |
Sau Cách mạng Tháng Tám, ca khúc này được chọn làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khi đất nước thống nhất (1975), ca khúc ‘”Tiến quân ca” tiếp tục được chọn làm Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cho đến thời điểm này, ca khúc “Tiến quân ca” không chỉ được vang lên khi cử hành nghi lễ mà nó đã được thu âm với nhiều bản phối mà gần đây nhất là hơn 1.000 người tham gia hát “Tiến quân ca” và ghi hình thành một MV ca nhạc nhằm kêu gọi tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc trong việc đầu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ…
Ca khúc khác của Văn Cao được viết cùng thời gian với “Tiến quân ca” cũng được Đại hội Quốc dân xem xét để bầu chọn làm bài ca chính thức của Mặt trận Việt Minh, ca khúc Chiến sĩ Việt Nam trong những ngày đầu cách mạng: “Bao chiến sĩ anh hùng/ Lạnh lùng vung gươm ra sa trường/ Quân xung phong/ nước Nam đang chờ…”.
Diệt phát xít- Nguyễn Đình Thi, hòa chung vào những ca khúc chống phát xít của toàn thế giới. Tác phẩm cũng được Nguyễn Đình Thi viết ra cùng thời nhạc sĩ Văn Cao viết “Tiến quân ca” và “Chiến sĩ Việt Nam”. Diệt phát xít cũng được đưa ra là một trong 3 ca khúc để bầu chọn ca khúc chính thức của Mặt trận Việt Minh tại Đại hội Quốc dân, rồi trở thành nhạc hiệu hàng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến tận hôm nay.
Một ca khúc nữa cũng được hát vang trong những ngày đầu cách mạng, mang một hơi thở mới từ chiến khu loang về. Du kích ca- Đỗ Nhuận. Ca khúc được Đỗ Nhuận viết đầu 1945 tại nhà tù Sơn La, khi anh em tù chính trị bí mật cùng nhau tập quân sự những lúc ra rừng làm lao dịch:… “Anh em trong đoàn quân du kích/ cùng vác súng lên nào/ Đi lên/ Xung phong/ Xuyên qua rừng qua núi/ Qua mây mờ đêm tối/ Vượt suối băng ngàn…”.
Trong số những ca khúc vang lên trong những ngày Tháng Tám lịch sử phải kể đến hai hành khúc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, đó là Lên đàng và Tiếng gọi thanh niên. Ca khúc như lời thúc giục, sục sôi dành cho thế hệ thanh niên thời điểm bấy giờ và cho đến ngày nay hai ca khúc này vẫn là ca khúc bất hủ dành cho thanh niên, sinh viên Việt Nam.
Ca khúc “Tiếng gọi thanh niên” trở thành ca khúc chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam: “Này thanh niên ơi/ Tiến lên đến ngày giải phóng/ Đồng lòng cùng nhau/ ta đi sá gì thân sống…”. Còn hành khúc “Lên đàng” được Lưu Hữu Phước viết ra trong những ngày “xếp bút nghiên” tại Hà Nội, lên đường trở về Nam: “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng/ Kiếm nguồn tươi sáng…”.
Trong số những ca khúc viết về cao trào Cách mạng Tháng Tám 1945, có nhiều bài được sáng tác trước thời điểm diễn ra cuộc tổng khởi nghĩa, nhưng cũng có ca khúc được tác giả sáng tác ngay trong thời điểm diễn ra cuộc đấu tranh sôi sục của quần chúng nhân dân. Đó là trường hợp ca khúc Mười chín tháng Tám- Xuân Oanh. Nhạc sĩ đã sáng tác bài hát này khi ông hòa cùng dòng người đấu tranh tiến về Bắc Bộ Phủ- Hà Nội.
Khi ấy, ông vừa đi vừa viết lời hát lên trên những mảnh báo cũ, vỏ bao thuốc lá. Viết được dòng nào, ông hát lên cho mọi người cùng hát theo và đến chiều cùng ngày thì bài hát được in lại và phổ biến rộng rãi. Đến nay, ca khúc này vẫn được xem là một dấu mốc về ngày khởi nghĩa của dân tộc.
Riêng ca khúc Ba Đình nắng- nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, thơ Vũ Hoàng Địch là một ngoại lệ, được sáng tác năm 1947 và ở một tỉnh trung du- Phú Thọ, nhưng ca khúc đã âm thầm lan tỏa và trở thành ca khúc không thể thiếu mỗi khi kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Đây là ca khúc “độc nhất vô nhị” đưa lời nói hào sảng mà rất thân thương, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào giữa Ba Đình lịch sử: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Câu nói ấy được lồng vào giai điệu với 7 nốt nhạc rất nhuần nhị lại tự nhiên mà nghe thật tình cảm.
“Ba Đình Nắng” cho đến nay nhiều thế hệ người Việt Nam vẫn hát vang:.. “ Gió vút lên ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới/ Gió vút lên đây bao nguồn sống mới dạt dào/ Tôi về đây lắng nghe bao tiếng gọi/ Của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao/ Tôi về đây trong nắng nhớ thu nào/ Sao vàng mọc,muôn sao vàng tung cánh…”.
75 năm, nhưng những ca khúc ấy vẫn vang vọng những giai điệu hào hùng của dân tộc, vẫn tiếp nối truyền năng lượng tích cực đến các thế hệ trẻ hôm nay, để như một niềm tự hào về cha ông, như một lời hứa trách nhiệm với đất nước./.
Từ khóa: ca khúc cách mạng, cách mạng tháng 8, quốc khánh, dân tộc Việt Nam, Việt Nam
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN