Những bài học cho nước Mỹ từ thảm họa Covid-19 ở Italy

Cập nhật: 31/03/2020

VOV.VN - Italy được cho là đã phản ứng không hiệu quả với dịch Covid-19, và Mỹ cần tránh những sai lầm của Italy để không rơi vào thảm họa tương tự.

Dịch Covid-19 bùng phát ở Italy đã đem lại nhiều bài học cho không chỉ Mỹ mà nhiều nước khác trên thế giới.

Nhóm 3 giáo sư Đại học Harvard – gồm Gary Pisano, Raffaella Sadun and Michele Zanini đã nêu một số chi tiết về kinh nghiệm của Italy.

Tính đến ngày 30/3, tổng số ca mắc Covid-19 tại Italy là 97.689, trong đó có 10.779 ca tử vong. Italy hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 2 thế giới sau Mỹ nhưng có số ca tử vong do dịch bệnh này cao nhất thế giới. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Italy là hơn 11%, trong khi tỷ lệ này tại Mỹ chỉ ở mức 1,7% (2.457 ca tử vong trong tổng số 140.990 ca mắc tính đến sáng 30/3).

nhung bai hoc cho nuoc my tu tham hoa covid-19 o italy hinh 1
Tính đến sáng 30/3, Mỹ có 140.990 ca mắc và 2.457 ca tử vong do Covid-19. Ảnh: ABC News

Theo nhóm giáo sư đại học Harvard, Covid-19 là cuộc khủng hoảng lớn nhất tại Italy từ sau Thế chiến 2 và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này là do phản ứng chậm trễ và mâu thuẫn nhau từ giới chức chính phủ Italy. Họ chậm trễ trong việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, và thậm chí chỉ áp dụng biện pháp này khi số ca Covid-19 bắt đầu tăng đột biến trong khi người dân vẫn còn thờ ơ với các biện pháp cần thiết.

Mỹ cũng đã ở trên con đường dẫn tới cùng 1 số phận như Italy – nếu họ không hành động nhanh chóng và rút kinh nghiệm từ sai lầm của các nước khác. Dưới đây là những điều Mỹ có thể học được từ những sai lầm của Italy:

Không chủ quan

Mỹ phải thừa nhận tính nghiêm trọng của tình hình. Khoảng 2 tuần trước, người dân Mỹ, và thậm chí cả các quan chức chính phủ vẫn còn hoài nghi về mức độ nguy hiểm của Covid-19 khi số người tử vong còn thấp. Nhiều người còn đặt câu hỏi vì sao phải sự hoảng loạn khi số người chết vì Covid-19 chưa thấm vào đâu so với số người chết vì cúm mùa mỗi năm.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 lây lan một cách âm thầm, với nhiều người mắc mà không có triệu chứng trong nhiều ngày và các triệu chứng chỉ trở nên rõ ràng sau khoảng 1-2 tuần nhiễm virus SARS-CoV-2. Điều này có nghĩa là từ khi người dân còn hoài nghi và chủ quan, những hạt mầm đã được gieo rắc cho sự bùng nổ ở Mỹ về số ca mắc và tử vong trong những ngày qua.

Giới lãnh đạo Italy đã không hành động sớm. Các khu vực miễn cưỡng tuyên bố tình trạng khẩn cấp cấp khu vực. Những thói quen tương tác xã hội vẫn phổ biến dù đã có cảnh báo về sự nguy hiểm của Covid-19. Những thái độ như thế này cũng diễn ra ở Mỹ và nhiều nơi khác.

Các đại dịch là mối nguy hiểm khó đoán trước và đặc biệt khó đối phó bởi nó bắt đầu từ một con số nhỏ nhưng tăng nhanh theo cấp số mũ. Khoảng thời gian hiệu quả để áp dụng các biện pháp mạnh phải cực sớm, khi mối đe dọa có còn nhỏ - hoặc thậm chí trước khi có bất cứ trường hợp nào nhiễm bệnh.

Ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump ban đầu hạ thấp mối đe dọa của Covid-19. Ông có những phát biểu mâu thuẫn nhau, ở thời điểm đó dường như còn ám rằng chỉ người dân có thể đi làm ngay cả khi họ cảm thấy không khỏe.

Và cuối cùng, ông thậm chí đã phải kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội đến cuối tháng 4 thay vì giữa tháng như dự kiến trước đó.

Không nên áp dụng những biện pháp nửa vời

Italy bắt đầu bằng những chính sách ngăn chặn không quá chặt chẽ và chỉ được siết chặt khi số ca mắc tăng đột biến. Ban đầu họ chỉ tập trung vào một số khu vực nhất định có số ca mắc cao, được gọi là “vùng đỏ”. Ở các vùng đỏ, biện pháp phong tỏa cũng được thực hiện tùy theo mức độ bùng phát dịch bệnh của mỗi khu vực.

Thực tế những biện pháp phong tỏa cục bộ này đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ thêm. Khi các lệnh phong tỏa một phần ở từng địa phương có hiệu lực, người dân lại chạy tới các khu vực ít bị hạn chế hơn của đất nước và họ vô tình mang theo mầm bệnh (khi chưa có triệu chứng gì) tới các khu vực khác.

Mỹ đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp cục bộ tương tự Italy. Các bang ở Mỹ có những cách tiêp cận khác nhau về các biện pháp hạn chế. Ví dụ bang New York, California, và Washington đã gần như phong tỏa toàn bộ trong khi nhiều bang khác vẫn chưa áp dụng biện pháp này. Hiện cũng chỉ có một số bang tìm cách ngăn chặn những người đến từ New York và New Jersey – những khu vực có nhiều ca mắc Covid-19 nhất ở Mỹ - đến bang mình.

Kinh nghiệm của Italy cho thấy, việc thực thi giãn cách xã hội không đồng nhất hay việc phong tỏa không giống nhau ở các bang của Mỹ sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề.

Học hỏi chiến lược ngăn chặn thành công

Nhiều người có thể phân vân tại sao các chuyên gia Harvard nhìn vào Italy làm ví dụ để rút kinh nghiệm thay vì Hàn Quốc hay các nước châu Á - những nơi đã thành công trong việc ngăn chặn mối đe dọa dịch bệnh ngay từ đầu.

Mỹ và nhiều nước châu Âu khác đã mất cơ hội cho những chiến lược ngăn chặn thành công sớm vì họ đã phản ứng chậm trễ ngay từ đầu. Điều này khiến Italy trở thành đối tượng so sánh gần nhất với những gì Mỹ đang chứng kiến hơn là so với các nước châu Á, thậm chí là cả Trung Quốc – nơi mà số ca mắc mới trong ngày đã chậm lại và giờ chủ yếu chỉ là các ca nhập cảnh.

Tuy nhiên, có những chiến lược đã phát huy hiệu quả ở Italy, và Mỹ có thể học hỏi.

Lombardy và Veneto, hai vùng giáp ranh nhau ở Italy có những chiến lược khác nhau trong ngăn chặn Covid-19 và có những kết quả khác nhau mà Mỹ có thể học hỏi và rút kinh nghiệm.

Lombardy có 10 triệu dân và có tới 35.000 ca mắc Covid-19, trong đó khoảng 5.000 ca tử vong. Veneto có 5 triệu dân nhưng chỉ ghi nhận 7.000 ca mắc và chưa đến 300 ca tử vong, các thông số về dịch bệnh nhỏ hơn nhiều so với vùng Lombardy.

Đây là những gì mà Veneto đã làm để ngăn chặn thành công dịch bệnh trong phạm vi vùng của mình:

- xét nghiệm trên diện rộng: cả những người có triệu chứng và những người không có triệu chứng đều được xét nghiệm bất cứ khi nào có thể.

- tích cực theo dõi: nếu có ca dương tính, tất cả những người sống cùng người đó đều được xét nghiệm, hoặc nếu các bộ xét nghiệm chưa có đủ, họ được yêu cầu tự cách ly.

- tập trung vào việc chẩn đoán và chăm sóc tại nhà: các nhân viên y tế sẽ tới tận nhà những người nghi nhiễm SARS-CoV-2 để lấy mẫu xét nghiệm, nhằm đảm bảo khả năng lây nhiễm ở tối thiểu so với việc họ tới bệnh viện hay phòng khám.

- giám sát của các nhân viên y tế và các nhân viên dễ bị phơi nhiễm khác: bác sỹ, y tá, các nhân viên ở nhà dưỡng lão hay thậm chí các thu ngân quầy bán thực phẩm và các hiệu thuốc, đều được giám sát đề phòng khả năng họ bị nhiễm bệnh và phơi nhiễm từ cộng đồng.

Mặt khác, Lombardy, lại ít cứng rắn hơn với tất cả những mặt kể trên: xét nghiệm, theo dõi, chăm sóc tại nhà và giám sát những người ở tuyến đầu. Các bệnh viện ở Lombardy quá tải, trong khi Veneto lại không chịu quá nhiều áp lực. Phải mất tới vài tuần Lombardy mới áp dụng các biện pháp tương tự như những gì người hàng xóm Veneto đã làm.

Hệ thống y tế Mỹ, tương tự Italy, mang tính phi tập trung hóa khá cao. Việc áp dụng các chiến lược khác nhau giữa các bang và các thành phố của Mỹ chắc chắn cũng sẽ cho những kết quả khác nhau. Theo nhóm giáo sư Đại học Harvard, điều lý tưởng là chính phủ Mỹ tìm ra chiến lược hiệu quả nhất và áp dụng cho phần còn lại của đất nước.

Sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài

Tính đến sáng 30/3, Mỹ có 140.990 ca mắc và 2.457 ca tử vong do Covid-19. Một số người đặt câu hỏi về việc liệu Mỹ có đang “hạ thấp” số ca tử vong hay không.

Giới chuyên gia y tế dự báo 81.000 người Mỹ có thể chết vì Covid-19 trong vòng 4 tháng tới và tỷ lệ tử vong có thể bắt đầu đi xuống trong tuần đầu tiên của tháng 6, khi mà số ca tử vong ghi nhận trong ngày xuống dưới 10 ca. Họ dự báo nguy cơ số ca mắc bệnh nặng sẽ vượt quá năng lực của hệ thống y tế cả về số giường bệnh cũng như máy trợ thở.

Một cách tiếp cận hiệu quả đối với dịch Covid-19 hiện nay đòi hỏi một sự vận động giống như thời chiến – cả ở khía cạnh con người cũng như nguồn lực kinh tế cần được triển khai, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận khác nhau của hệ thống y tế như các cơ sở xét nghiệm, bệnh viện, chăm sóc sức khỏe ban đầu…), sự phối hợp giữa các cơ quan khác nhau của cả lĩnh vực công cũng như tư nhân và xã hội.

Kịch bản lạc quan cũng sẽ phụ thuộc vào việc nghiêm túc giãn cách xã hội và những nỗ lực lớn trong việc huy động các nguồn lực để tránh cho hệ thống y tế bị quá tải.

Hơn 81.000 người chết là một con số báo động. Con số này có thể còn cao hơn thế nếu việc giãn cách xã hội không được thực hiện triệt để và không đủ nguồn lực chống đỡ cho hệ thống y tế./.

Từ khóa: Mỹ, Italy, số ca mắc Covid-19, số người chết vì Covid-19, tỷ lệ tử vong do Covid-19

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập