Nhóm Bộ Tứ cam kết duy trì ủng hộ Ukraine, kêu gọi ngừng bắn ở Trung Đông
Cập nhật: 22/10/2024
VOV.VN - Các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Anh, Đức và Pháp ngày 18/10 đã nhóm họp thượng đỉnh tại Đức. Các bên nhất trí duy trì sự ủng hộ Ukraine và kêu gọi ngừng bắn ở Trung Đông.
Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer đã nhấn mạnh “sự khẩn thiết” phải chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 1 năm ở Dải Gaza giữa Israel và phong trào Hamas. 4 nhà lãnh đạo cũng nhất trí về “sự khẩn thiết phải đưa các con tin trở về với gia đình và đảm bảo viện trợ nhân đạo đến được với dân thường”.
Các bên cũng trao đổi ý kiến về tình hình xung đột ở Lebanon, nơi Israel đang giao tranh với phong trào Hezbollah, đồng thời “tái khẳng định lập trường” chỉ trích vụ tập kích tên lửa của Iran vào Israel hôm 1/10.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thủ tướng Anh Keir Starmer nhấn mạnh: “Tôi vừa có một cuộc họp rất hiệu quả với Tổng thống Biden, Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron. Chúng tôi tập trung vào hai vấn đề. Thứ nhất, tình hình ở Trung Đông. Bây giờ chúng ta phải tận dụng tối đa thời điểm này. Điều cần thiết bây giờ là ngừng bắn ở Gaza, thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các con tin. Tiếp cận ngay lập tức viện trợ nhân đạo và quay trở lại con đường hướng tới giải pháp hai nhà nước như là cách duy nhất để mang lại hòa bình và an ninh lâu dài”.
Xung đột bùng phát ở Dải Gaza sau khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công miền Nam Israel hôm 7/10/2023, đã khiến khoảng 1 nghìn 200 người thiệt mạng và bắt cóc hơn 200 con tin. Chiến dịch đáp trả của Israel đến nay cũng đã khiến ít nhất 42 nghìn 500 người ở Gaza thiệt mạng, đồng thời tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở vùng đất đầy sóng giờ này. Cuộc xung đột Gaza cũng là nguyên nhân khiến chiến tranh có thể lan rộng ở khu vực Trung Đông.
Ngoài tình hình Trung Đông, nhóm Bộ tứ cũng tái khẳng định duy trì sự ủng hộ đối với Ucraina. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức khẳng định dù hỗ trợ Ukraine song Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không được trở thành một bên tham chiến. Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục khẳng định không ủng hộ việc cung cấp vũ khí từ xa cho Ukraine để tấn công lãnh thổ Nga.
Phát biểu trước báo giới khi rời Đức, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ sát cánh cùng Ukraine. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng họ tiếp tục có năng lực chiến đấu. Tuy nhiên, trong chính sách đối ngoại, hiện tại, chúng tôi không có sự đồng thuận nào về việc cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga”.
Mặc dù tài trợ hàng tỷ đô la vũ khí cho Ukraine song đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc các nước phương Tây có nên cho phép Kiev sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga hay không. Có không ít quốc gia phản đối do lo ngại điều này có thể kéo họ đến gần xung đột trực tiếp với Nga.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã nhiều lần cảnh báo các thành viên NATO phải nhận thức được những gì họ đang đùa giỡn khi thảo luận về những kế hoạch cho phép Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, phương Tây sẽ xung đột trực tiếp với Nga nếu bật đèn xanh cho Ukraine dùng vũ khí tầm xa tấn công Nga.
Từ khóa: Ukraine, Trung Đông,Bộ Tứ
Thể loại: Thế giới
Tác giả: hồng nhung/vov1
Nguồn tin: VOVVN