Nhọc nhằn cõng chữ lên non

Cập nhật: 3 ngày trước

VOV.VN - Sự nghiệp giáo dục ở tỉnh miền núi Sơn La đối mặt với nhiều khó khăn do giao thông chia cắt, cơ sở vật chất thiếu thốn. Thế nhưng, bằng lòng yêu nghề, mến trẻ, các thầy cô giáo vùng cao vẫn vượt núi, trèo đèo, miệt mài đem con chữ ươm mầm cho trẻ em vùng cao.

Quãng đường chỉ hơn 10 km, nhưng để đi từ điểm trung tâm của Trường Tiểu học và THCS Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp (Sơn La) đến điểm trường Pá Vai, các thầy cô giáo phải di chuyển mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Ngày nắng thì bụi, mưa thì đường trơn trượt, nhiều khi mưa to không qua suối được, các thầy cô phải gửi xe để đi bộ tới trường.

"Tôi cũng là giáo viên lâu năm, dạy ở trên vùng cao, ở điểm đặc biệt khó khăn đường đi lại qua sông qua suối, nhiều khi trời mưa to không đi qua suối được thì phải gửi xe lại ở nhà dân để đi bộ đến điểm trường. Động lực để tôi lên là các em học sinh đang đợi mình đem cái chữ lên, thấy học sinh đến lớp đầy đủ cũng là niềm vui của các thầy cô", thầy Lò Văn Hùng, giáo viên nhà trường chia sẻ.

Điểm trường Pá Vai có 2 lớp với 30 học sinh. Hiện điểm trường đã được đầu tư 1 phòng học kiên cố, còn 1 phòng là phòng học tạm, do các thầy cô và phụ huynh học sinh dựng lên. Mặc dù điều kiện đi lại và cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng các thầy cô nơi đây luôn nỗ lực hết mình vì học sinh thân yêu.

"Học sinh nơi đây đa số là người dân tộc, ít giao tiếp ở ngoài, khó khăn trong học tập nên mình phải cố gắng dạy thực tế, nói thực tế để học sinh hiểu. Đường đi lại khó khăn lúc nắng quá hoặc mưa thì mình phải động viên phụ huynh đến đón, hoặc mình đến chở các em đến lớp. Đến lớp các em học tập ngày càng có tiến bộ lên", thầy Vì Văn Hòa, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Mường Và cho hay.

Những câu đánh vần còn chưa rõ, nhưng các em học sinh nơi đây đều mang trong mình một tinh thần hiếu học. Với các em, mỗi ngày được đến lớp là một ngày vui và người mang niềm vui ấy đến cho các em không ai khác chính là các thầy, cô giáo luôn tận tuỵ với các em mỗi ngày.

Em Lầu Xuân Hùng, học sinh lớp 2, điểm trường Pá Vai nói: "Con thích đi học, đi học gặp nhiều bạn bè, thầy cô, em rất vui".

Toàn huyện Sốp Cộp có hơn 20 trường từ bậc học mầm non đến THCS, với hơn 18.000 học sinh. Địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy còn thiếu thốn là một thách thức lớn đối với ngành giáo dục của huyện.

Ông Phạm Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sốp Cộp, Sơn La cho biết: "Sốp Cộp là huyện vùng biên đặc biệt khó khăn của tỉnh, có rất nhiều khó khăn, trong đó đội ngũ giáo viên cả 3 bậc học mầm non, tiểu học, THCS chúng tôi đều đang thiếu so với định mức. Cơ sở vật chất thì đối với địa bàn huyện Sốp Cộp có nhiều điểm trường, các điểm trường ở cách nhau rất xa, nhu cầu ở bán trú của học sinh cao nhưng cơ sở vật chất hiện tại không đáp ứng được cho việc học sinh ăn, ở bán trú".

Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song các thầy cô giáo nơi đây vẫn ngày ngày bám lớp, bám trường truyền đạt những kiến thức cho học sinh vùng cao, mong muốn các em sẽ có một tương lai tươi sáng.

 

Từ khóa: sơn la, sơn la, miền núi sơn la, giáo dục vùng cao

Thể loại: Xã hội

Tác giả: trấn long/vov-tây bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập