Nhờ ngoại giao Covid-19, Nga và Mỹ xây dựng lại quan hệ nước lớn?
Cập nhật: 06/05/2020
VOV.VN - Sự tương tác liên tục giữa lãnh đạo Nga và Mỹ xung quanh vấn đề hợp tác dịch bệnh phản ánh xu hướng mới của việc xây dựng lại quan hệ nước lớn.
Mối quan hệ Nga-Mỹ kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 luôn trong vòng xoáy căng thẳng, với danh sách cáo buộc và trừng phạt của Mỹ không ngừng tăng lên, cùng màn đáp trả kéo dài của Nga. Tuy nhiên dịch Covid-19 đang làm thay đổi đáng kể quan hệ ngoại giao giữa hai cường quốc.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: Getty |
Khi Mỹ gặp khó khăn do Covid-19, Nga đã bố trí một máy bay quân sự chở đầy khẩu trang và thiết bị y tế đến Mỹ. Trong những tuần vừa qua khi Nga chứng kiến số trường hợp tăng mạnh, Mỹ đã đề xuất cung cấp máy thở cho Nga.
Phản ứng trước đề xuất của Mỹ, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Nếu cần thiết, Nga sẽ tận dụng đề nghị hỗ trợ của Mỹ. Tổng thống Putin tin rằng, đại dịch Covid là thời điểm chúng ta cần sự hỗ trợ để giúp đỡ lẫn nhau và nên sử dụng mọi cơ hội để bảo vệ công dân cũng như sức khỏe của mình”.
Rõ ràng với dịch Covid-19 xảy ra, cả Nga và Mỹ đều phát đi các tín hiệu ngoại giao tích cực để thúc đẩy cơ hội cải thiện quan hệ song phương. Không chỉ vấn đề ngoại giao y tế, khi giá dầu thời gian qua chạm đáy hai nhà lãnh đạo cũng phối hợp để bình ổn thị trường năng lượng. Dư luận cho rằng đối thoại không chính thức giữa Nga-Mỹ-Saudi Arabia có khả năng sẽ trở thành cơ chế mới có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực năng lượng quốc tế thời gian tới.
Giáo sư sử học và quan hệ quốc tế Ivan Kurilla thuộc trường Đại học châu Âu của thành phố St Peterburg nhận định,chính sách ngoại giao y tế của cả hai bên đang tạo xung lực tích cực cho mối quan hệ giữa hai cường quốc này.
“Đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội để cải thiện sự tin tưởng lẫn nhau giữa Nga và Mỹ. Có nhiều cấp độ trong mối quan hệ Nga-Mỹ nhưng điều có thể thấy rõ nhất đó là sự tương tác liên tục giữa hai nhà lãnh đạo. Trước đại dịch, mối quan hệ xấu đi do sự mất lòng tin và Covid-19 đã có sự thay đổi lớn. Trong bối cảnh đồng minh châu Âu đang thấy vai trò của Mỹ giảm trong đại dịch, Tổng thống Putin tiếp tục coi Mỹ là một cường quốc cần thiết lập một chính sách ngoại giao dựa trên mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau”, ông Kurilla nói.
Thực tế, Nga và Mỹ đã nhiều lần nỗ lực “cài đặt lại” quan hệ để đảm bảo lợi ích song phương cũng như toàn cầu, trong đó phải kể đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga năm 2018. Tuy nhiên mối quan hệ giữa hai nước cho thấy có nhiều mâu thuẫn mang tính cơ cấu và khó có thể xóa bỏ được trong thời gian ngắn. Mối quan hệ hai nước hậu Covid-19 cũng được đánh giá còn quá nhiều rào cản để cải thiện quan hệ.
Chuyên gia phân tích Mỹ Rajan Menon Anne trường Đại học New York nhận định: “Tôi không mấy lạc quan về triển vọng quan hệ Nga-Mỹ.Đại dịch có tác động không nhiều. Bất chấp ngoại giao Covid-19, cả hai nước vẫn phải đối mặt với thách thức như khủng hoảng Ukraine, vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên, cạnh tranh không gian, khả năng hết hạn Hiệp ước START mới… Đây sẽ tiếp tục là rào cản ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương”.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ- Trung tiếp tục đối đầu, lập trường của Nga sẽ có tác động lớn đến việc định hình trật tự thế giới mới thời gian tới. Tuy vậy, giới quan sát cho rằng Nga sẽ căn cứ vào sự thay đổi tình hình để điều chỉnh lập trường của mình, đảm bảo sự cân bằng nhất định trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, trong khi vẫn tối đa hóa lợi ích của mình./.
Phạm Hà/VOV1 (Tổng hợp)
Từ khóa: ngoại giao covid-19, Covid-19, quan hệ Nga Mỹ, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN