Nhìn lại một năm sân khấu phía Bắc
Cập nhật: 27/12/2020
(VOV5) -Sân khấu đã có một năm hoạt động chưa từng có trong lịch sử: các đơn vị đều lặng thầm có những cách riêng để vượt qua dịch bệnh, tìm tòi mọi cách để đổi mới, để sáng tạo tác phẩm.
Năm 2020 là một năm có rất nhiều biến động bất lợi đối với người làm văn học nghệ thuật nói riêng, với cả xã hội nói chung. Đó là năm mà cả thế giới cùng đối mặt với dịch bệnh Covid có tốc độ lây lan khủng khiếp, khiến nhân loại buộc phải thay đổi thói quen, quan niệm sống. Từ dịch bệnh tới thảm họa thiên nhiên bão lũ chồng chất, trong bối cảnh khó khăn chung đó, sân khấu Việt Nam thực sự đã khó lại chồng thêm khó.
Tuy vậy, đây cũng lại là năm mà đội ngũ những người làm sân khấu đã lập khá nhiều thành tựu, có những hoạt động tích cực trên cả bề nổi lẫn chiều sâu, vượt qua khó khăn để âm thầm luyện tập, khi dịch tạm thời được khống chế là bung tỏa để nhanh chóng bình ổn xã hội. Cao Ngọc điểm lại một năm sân khấu phía Bắc.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cần có những chương trình quảng bá, kích cầu bằng giảm giá vé, khuyến mại để khán giả trở lại ngày một đông hơn với sân khấu. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng có nhiều hoạt động không thể thực hiện được vì bối cảnh dịch bệnh, như ý kiến của NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội: "Năm nay có nhiều dự định mà chúng tôi không thực hiện được như giao lưu với các đạo diễn của các nước để giao lưu với đạo diễn trẻ Việt Nam. Chúng tôi cũng mới chỉ làm được việc động viên cho các tác giả, đưa các tác giả đi thực tế, còn với những đạo diễn, diễn viên thì năm nay cũng chưa thực hiện được."
Nhưng cũng chưa có năm nào, các hoạt động tìm kiếm tài năng trẻ diễn viên lại rầm rộ như năm nay. Các cuộc thi tài năng liên tiếp được tổ chức ở mọi kịch chủng từ Tuồng, Dân ca, Chèo, Cải lương, Kịch nói... đã tạo được sự hứng khởi cho đội ngũ diễn viên trẻ. Nghệ sĩ thành danh của thế hệ trước đều có những lời nhận xét rất tích cực về lớp nghệ sĩ tiếp nối này.
Các NSND của ngành Tuồng, Chèo như NSND Lê Tiến Thọ, NSND Thúy Mùi đều khẳng định, lứa diễn viên trẻ của các ngành kịch hát truyền thống đã xuất hiện những nghệ sĩ có tài năng, diễn xuất rất tốt, là những mầm ươm tốt cho nghệ thuật truyền thống được nối dài tới tương lai.
NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ: "Chất lượng của các em diễn viên Tuồng thì các thí sinh nắm bắt được những trình thức, những trích đoạn những loại vai và thể hiện rất là nhuần nhuyễn, điêu luyện. Có những em đã tạo được những thăng hoa.Nhiều trích đoạn rất khó, thí dụ như Hồ Nguyệt Cô hóa cáo do nghệ sĩ Mẫn Thu rồi Minh Gái rồi bao nhiêu nghệ sĩ, cứ tưởng rồi nó sẽ nhạt nhòa đi nhưng mà các em đã thổi hồn vào được. Ngồi xem mà chúng tôi có thể rớt nước mắt vì mừng. Cảm thấy ấm lưng vì đã có lớp kế nghiệp."
Trong bối cảnh khó khăn, các Liên hoan Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân, Liên hoan sân khấu thủ đô vẫn có sự tham gia của đông đảo các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật thuộc mọi kịch chủng, cũng làm dấy lên niềm tin trong công chúng về một tương lai bình thường hóa xã hội khi đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Các cuộc Liên hoan đã có những tác phẩm đem lại niềm tin vào sự đổi mới thích hợp hơn với công chúng của sân khấu. Những yếu tố giải trí cũng đã được chú trọng hơn, để vở diễn “dễ xem, dễ hiểu” với khán giả trẻ.
Cảnh trong vở Chí Phèo - Thị Nở của sân khấu Lệ Ngọc. |
Chưa kể, rất lâu rồi, sân khấu thủ đô mới bừng sáng với đơn vị nghệ thuật xã hội hóa như LucTeam, Sân khấu Lệ Ngọc hoạt động rất tích cực. Đặc biệt là sân khấu Lệ Ngọc đã lập kỷ lục dựng tới 6 vở diễn trong năm, có những đợt diễn tại một địa điểm tới hai ba chục ngày, hai lần Nam tiến thành công, mỗi lần có hơn hai chục đêm diễn tại Nhà hát thành phố HCM. Như sân khấu xã hội hóa thành phố Hồ Chí Minh vốn phát triển những năm trước, lại có những bước chuyển mình thích ứng với tình hình mới.
Nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng. "Sân khấu công lập họ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên các sân khấu tư nhân thì họ vẫn có cách để tồn tại được. Tôi ví dụ như sân khấu Lệ Ngọc, sân khấu Lucteam ở HN này. Trong tp HCM thì có sk 5B Võ Văn Tần, sân khấu Phú Nhuận. Những đơn vị xã hội hóa thì họ tự chủ hơn, trong khi các đơn vị nghệ thuật công lập tổ chức biểu diễn phức tạp hơn..."
Nhưng cũng có một thực tế là, phần lớn sân khấu kịch, sân khấu truyền thống không có nhiều vở diễn mới, nếu có dàn dựng chủ yếu dàn dựng lại các kịch bản của các tác giả Lưu Quang Vũ, Xuân Trình... như ý kiến của nhà viết kịch Chu Thơm: "Hiện nay chưa thấy các vở mới nhiều mà chủ yếu là vẫn dựng các vở của Lưu Quang Vũ của bác Xuân Trình từ ngày xưa. Người ta cần cái mới, mà vẫn chưa thấy được hơi thở của ngày hôm nay. Sk cần phải dự báo nhiều điều, thì mới kéo được khán giả đến. Bây giờ cần cái mới, cần đạo diễn trẻ, cần tác giả dám dấn thân thì mới được."
Vở diễn Cây gậy thần mở màn cho dự án Huyền thoại sử Việt, kết hợp giữa xiếc và cải lương |
Nhưng ngược lại, đây cũng là năm có nhiều tín hiệu vui từ sự năng động, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ nghệ sĩ sân khấu. Đó là dự án Huyền thoại sử Việt (bốn tác phẩm về Tứ bất tử của người Việt) hợp tác giữa Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn xiếc Việt Nam chính thức bắt đầu với Cây gậy thần kể về Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Sự kết hợp nhiều thể loại (cải lương và xiếc) trong một chương trình đã làm nên nhiều điều mới mẻ. NSND Triệu Trung Kiên rất hào hứng: 'Cải lương có sức chuyển hóa kinh khủng thế nên nó đáp ứng được. Và ngay trong cải lương cũng có sự thử nghiệm khi dùng nhạc Jaz để thực hiện tất cả các bài bản cải lương. Cái thử nghiệm này cũng có phần khốc liệt, vấp phải cả ý kiến phản đối. Nhưng anh em vẫn quyết tâm làm."
Chưa có sự đúc kết, và cũng còn nhiều những điểm cần tiếp tục thay đổi cho nhuần nhuyễn hơn để tác phẩm thật sự thuyết phục, nhưng cách làm này đã khiến người yêu sân khấu thêm tin vào tương lai của sự phát triển khi các nghệ sĩ đã cố gắng để tiếp cận, tìm tòi thị hiếu người xem, sáng tạo dựa trên những điểm tựa về công nghệ, về nghệ thuật độc đáo.
Hay vở diễn Trương Chi - Mỵ Nương của Nhà hát kịch Hà Nội cũng đã đưa rất nhiều ca khúc “hit” vào tác phẩm, rất được khán giả trẻ yêu thích, tới xem. Dù còn nhiều điều cần bàn về nội dung, nhưng việc cuốn hút được công chúng trẻ tới với vở diễn nhờ vào sự kết hợp nhạc trẻ, sau đêm diễn, thông điệp của tác phẩm vẫn được khán giả tiếp nhận, đó mới là điều mà các nghệ sĩ nhắm tới.
Rồi thành công của vở Trại hoa vàng như một phiên bản nhạc kịch tại Nhà hát Tuổi trẻ khi có lượng vé bán ra rất khả quan cũng là một trong những yếu tố cổ vũ cho cách làm này. Chỉ khi chúng ta cuốn hút được công chúng khán giả trẻ tới sân khấu, mới có thể khẳng định được, sân khấu đã và đang phát triển bình thường.
Nếu không có sự đột phá ở tất cả các khâu cấu thành sân khấu như kịch bản, đạo diễn, diễn viên, âm nhạc, mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật hỗ trợ, lại không tận dụng được thành quả của khoa học công nghệ vào đêm diễn thì sẽ không thể tạo được cú hích thích đáng, không đạt tới mục tiêu có khán giả. NSND Thúy Mùi rất tin tưởng vào một năm hoạt động mới: "Năm 2021 sẽ mở ra nhiều động lực cho các bạn trẻ như diễn viên, đạo diễn, họa sĩ... các thành phần tham gia sáng tác sân khấu. Chúng tôi cũng đã có hoạch định toàn khóa, chúng tôi sẽ đưa vào để tạo động lực mới cho anh chị em và các đơn vị nt toàn quốc."
Một năm đầy thách thức với văn học nghệ thuật nói chung, với sân khấu nói riêng, nhưng sân khấu phía Bắc, đại diện là sân khấu Hà Nội đã và đang có những điểm tích cực rất đáng cổ vũ, khẳng định niềm hi vọng của đội ngũ làm nghề.
Từ khóa:
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5