Nhìn lại Cuộc thi Đóa hoa đồng thoại lần 5 - Tìm sự đa dạng từ chất liệu cuộc sống

Cập nhật: 08/11/2022

(VOV5) -Sáng tác cho thiếu nhi là một thách thức lớn, vì dung lượng chữ ít, câu chuyện lại phải chạm được vào trái tim của các em.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Cuộc thi viết truyệnEneos và Mogu“Đóa hoa đồng thoại” do Công ty trách nhiệm hữu hạn JXEV (Nhật Bản) và More Production Việt Nam tổ chứcđã bước sang mùa thứ 5. Năm nay Ban tổ chức nhận được hơn 3000 tác phẩm tham gia ở 3 hạng mục: Tiểu học, Trung học cơ sở và Tự do. Phần lớn các tác phẩm phản ánh về bức tranh thiên nhiên đa dạng, tinh thần bảo vệ môi trường, sự tôn trọng và tình người ấm áp.
Nhìn lại Cuộc thi Đóa hoa đồng thoại lần 5 -  Tìm sự đa dạng từ chất liệu cuộc sống - ảnh 1Các tác giả đoạt giải thưởng.

Với 5 lần tổ chức, Cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” dần khẳng định được vị trí với số lượng bài dự thi và thí sinh ngày một tăng. Hơn 3000 truyện ngắn của các tác giả nhiều lứa tuổi đến từ 63 tỉnh thành cả nước gửi về. Giải thưởng cao nhất của mùa giải thuộc về chùm truyện của tác giả Đào Trung Uyên (37 tuổi, tỉnh Phú Yên) là “Vai diễn đầu tiên của Rùa” và “Mây nhỏ đi tìm chỗ khóc”.

Theo tác giả Đào Trung Uyên thì viết cho thiếu nhi là một thách thức vì dung lượng chữ ít, câu chuyện luôn mang màu sắc tươi tắn, dễ thương: "Điều khó nhất khi tôi viết cho thiếu nhi đó là làm thế nào để thiếu nhi nhớ tới truyện và cảm thấy câu chuyện dễ thương, cần đọc đi đọc lại nhiều lần, rồi kể cho nhiều bạn khác cùng nghe. Điều tiếp theo là truyện phải truyền cảm hứng được tới nhiều bạn nhỏ hãy cầm bút lên để viết ra những cảm xúc, ý tưởng trong đầu bạn. Sáng tác cho thiếu nhi là một thách thức lớn, vì dung lượng chữ ít, câu chuyện lại phải chạm được vào trái tim của các em. Vì thế theo tôi viết càng ngắn thì càng khó."

Lần đầu tiên tham dự cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” bạn Trương Võ Hà Anh (8 tuổi, tỉnh Nghệ An) đã xuất sắc đoạt Giải Nhất với tác phẩm “Tay mẹ”. Bằng ngôn ngữ truyện dí dỏm, hồn nhiên, Trương Võ Hà Anh đã xây dựng cốt truyện mang đậm tình cảm gia đình, đặc biệt về lòng biết ơn của bạn đối với bậc sinh thành. Bàn tay của mẹ chính là cầu nối thể hiện cảm xúc, cùng tính cách chịu thương, chịu khó của mẹ vì gia đình thân yêu: "Con lấy cảm hứng từ chính bàn tay mẹ. Con nhìn thấy vết sẹo ở bên tay phải của mẹ là do bị bỏng từ hồi nhỏ. Khi nhìn vào vết bỏng thì con rất muốn giúp mẹ, nhưng mẹ đã không để cho con làm việc nặng mà chỉ làm những việc nhẹ. Vết sẹo ấy con cảm thấy không xấu chút nào. Khi con viết xong truyện ngắn này con đã đọc lại và thấy rất hay. Con cũng đưa cho cả nhà và mẹ đọc thì mẹ cũng khen là hay quá!"

Các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo đều mang vẻ đẹp riêng, được nhiều tác giả thể hiện bằng ngôn ngữ tinh tế. Nhiều thông điệp được lồng ghép, gửi gắm trong từng tác phẩm, đều thấm đậm tình người thông qua nhân vật đẹp, cử chỉ đẹp và lời nói đẹp. Truyện dắt dẫn bạn đọc vào thế giới lung linh sắc màu, từ đó khéo léo đưa ra thông điệp gần gũi, đời thường về giá trị của cuộc sống.

Bà Kamitani Naoko - Trưởng ban Quan hệ công chúng và Văn hóa (Nhật Bản) khá thích thú khi nhiều tác phẩm đã chạm được tới chiều sâu nhân văn trong mỗi người: "Tôi rất vui tới dự buổi lễ trao giải. Khi nhìn các gương mặt của nhiều bạn nhỏ và nhiều tác giả đoạt giải tôi nhận thấy rằng cuộc thi giữa Nhật Bản và tác giả Việt Nam đã có kết quả nhất định trong 5 năm qua. Nhiều tác phẩm trong cuộc thi có đề tài về môi trường, những con vật nhỏ bé xung quanh. Qua đó các bạn đã lồng ghép bài học về đạo đức về tình yêu của chúng ta dành cho các loài vật nhỏ bé, yếu thế. Tôi mong cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” sẽ là cầu nối để tác giả Việt Nam chia sẻ cách viết để chúng ta có thể hiểu nhau hơn."

Điều đáng chú ý tiếp theo của Giải thưởng “Đóa hoa đồng thoại” mùa thứ 5 chính là phong cách viết truyện đã đứng trên tinh thần chung của sự đa dạng. Nhà văn Lê Phương Liên- Trưởng Ban giám khảo cuộc thi rất vui vì qua mỗi năm tổ chức nhà văn lại được chứng kiến sự trưởng thành của lớp tác giả mới: "Chất lượng bài dự thi năm nay có điểm nổi bật. Những lần trước thì hạng mục Tiểu học có những sáng tạo vượt trội. Còn năm nay thì hạng mục Tự do (tức người lớn viết cho thiếu nhi) lại có nhiều bài chất lượng, có chuyển biến do các bạn đã theo dõi và biết được những chuyển biến tâm sinh lý lứa tuổi của các em, nên cách viết đã thay đổi hẳn. Đặc biệt là tác giả đoạt giải cao nhất của cuộc thi là chị Đào Trung Uyên có truyện ngắn “Vai diễn đầu tiên của Rùa” rất ấn tượng, độc đáo. Hình ảnh một con Rùa đóng vai hòn đá, và cái kết truyện rất thú vị."

Giải thưởng sáng tác truyện đồng thoại ENEOS & MOGU “ĐÓA HOA ĐỒNG THOẠI” đã trở thành giải thưởng uy tín, có sức lan tỏa, tạo thành phong trào sáng tác văn học của các em học sinh, cùng đông đảo các tác giả ở mọi lứa tuổi. Ông Misahitô Hiranô Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn JXEV (Đơn vị tài trợ chính) chia sẻ niềm vui vì Cuộc thi đã và đang là sân chơi văn học lành mạnh cho thiếu nhi và vì thiếu nhi: "Chúng tôi tổ chức nhiều workshop ở Việt Nam và cả Nhật Bản để giao lưu với các tác giả viết cho thiếu nhi, để trao đổi cách viết cho thiếu nhi, giúp cho các em có nhiều cuốn truyện phong phú, nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ nhỏ. Thông qua cuộc thi thì chúng tôi muốn khai phá tiềm năng sáng tác tranh truyện và nuôi dưỡng tính tự lập ở trẻ em."

Để có được câu chuyện đồng thoại gần gũi, dễ thương với trẻ thơ luôn là cái đích lớn nhất để người cầm bút hướng tới. Cùng với cách diễn đạt linh hoạt, ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng, uyển chuyển, mỗi tác phẩm của cuộc thi được ví như một bông hoa thơm ngát được đúc rút từ sự đa dạng trong đời sống đương đại hôm nay.

Từ khóa:

Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập