Nhìn lại 9 năm cuộc chiến ở Syria: Ai là người thắng, kẻ thua?

Cập nhật: 14/03/2020

VOV.VN - Sau 9 năm, xung đột ở Syria không còn là một cuộc nội chiến đơn thuần mà đã trở thành một cuộc chiến mở với sự can dự của các thế lực nước ngoài.

Từ nội chiến, chiến tranh ủy nhiệm đến cuộc chiến mở

Cuộc chiến ở Syria suốt 9 năm qua đã khiến 400.000 người thiệt mạng, 5,7 triệu người phải rời bỏ quê hương và 6,1 triệu người mất nhà ở ngay trên chính đất nước mình.

Khi những người phản đối chính phủ bắt đầu xuống đường biểu tình vào tháng 3/2011, họ dường như chưa từng tưởng tượng rằng làn sóng này có thể dẫn đến một một cuộc chiến tranh lớn nhất thế kỷ 21 (cho tới nay).

nhin lai 9 nam cuoc chien o syria: ai la nguoi thang, ke thua? hinh 1
Tổng thống Syria Bashar Assad. Ảnh: Daily Beast

Sau 9 năm, Tổng thống Bashar Assad vẫn nắm giữ quyền lực, hàng trăm nghìn người thiệt mạng, hàng chục thị trấn và thành phố bị san phẳng và một nửa dân số của Syria mất nhà ở.

Trong khi số mặt trận đã giảm nhờ thực tế chính quyền Damascus đã giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực trong những năm gần đây, nhưng bản chất của cuộc chiến tranh đã thay đổi và bạo lực vẫn diễn ra ở Tây Bắc.

Nhiều khu vực của Syria đã được hưởng cuộc sống hòa bình, nhưng đó vẫn chưa phải là hòa bình trọn vẹn khi Syria vẫn phải chịu sự đối đầu phức tạp giữa nhiều thế lực nước ngoài trong đó có Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Iran.

Xung đột ở Syria không chỉ là nội chiến đơn thuần, cũng không dừng lại ở chiến tranh ủy nhiệm, mà đã trở thành một cuộc chiến mở. “Đó chắc chắn không phải là một cuộc xung đột quốc tế đơn giản”, nhà nghiên cứu về Syria người Pháp Fabrice Balanche nói.

Từ sự phản đối của một bộ phận tầng lớp trẻ ở Daraa bị tác động bởi cuộc nổi dậy Mùa Xuân Arab mà họ đã xem qua truyền hình, làn sóng biểu tình đã bắt đầu bùng phát trên cả nước.

Các nhóm đối lập cũng nhanh chóng nổi dậy với sự ủng hộ của các nước vùng Vịnh và chiếm quyền kiểm soát nhiều khu vực quan trọng của từ tay chính phủ.

Sự bất ổn lan rộng trên khắp cả nước khiến các nhóm thánh chiến thừa cơ trỗi dậy, đáng chú ý nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhóm khủng bố đã từng kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria và nước láng giềng Iraq trong năm 2014.

Khi tình hình trở nên phức tạp hơn, quân đội nước ngoài nhanh chóng can thiệp, ban đầu là Mỹ cùng liên minh chống khủng bố, sau đó là Nga, Iran và hiện nay còn cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Các thế lực nước ngoài

Với lý do chống khủng bố, đặc biệt là IS, năm 2014, Mỹ với tư cách đứng đầu liên minh quốc tế chống khủng bố tiến hành các cuộc không kích nhằm vào lãnh thổ Syria.

Một năm sau, Nga cũng can thiệp và đứng về phía chính quyền Assad - một động thái làm đảo chiều cuộc chiến ở Syria.

Iran, cùng các tay súng liên minh từ Iraq và Lebanon, cũng đóng vai trò tích cực trong việc ủng hộ chính quyền Assad. Các nhà phân tích lý giải động thái này là nhằm đảm bảo sự tiếp cận khu vực Địa Trung Hải.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành cuộc tấn công đầu tiên qua biên giới phía nam năm 2016 và năm ngoái đã kiểm soát một dải kéo dài 120km từ các tay súng người Kurd tại Syria mà Ankara coi là khủng bố.

Israel cũng tiến hành hành trăm cuộc không kích ở Syria với cái cớ nhằm vào các tay súng Iran và Lebanon dấy lên nguy cơ đối với nước này.

Omar Abu Leyla, một nhà hoạt động người Syria hiện đang sống ở nước ngoài, cáo buộc chính các nước phương Tây đã khiến cho cuộc nội chiến ở Syria ngày càng trở nên phức tạp.

“Syria ngày càng bị tàn phá và ‘vỡ vụn’ sau năm 2011 và chính họ [các nước phương tây-ND] phải chịu trách nhiệm”, ông nói.

Ai thắng, ai thua?

Cựu Giám đốc CIA John McLaughlin cho rằng, giờ đây đã rất rõ ràng rằng Tổng thống Bashar Assad là người thắng trong cuộc chiến Syria – ít nhất là về mặt quân sự - trong khi Mỹ đã có bàn thua chiến lược lớn trước Nga.

“Trong số các nhà lãnh đạo vấp phải làn sóng biểu tình trong nước (ở Trung Đông, Bắc phi), Assad là người duy nhất còn nắm giữ quyền lực (ngoài chế độ quân chủ Bahrain còn tồn tại trước làn sóng biểu tình không kéo dài với sự bảo vệ của Saudi)”, theo ông McLaughlin.

Tuy nhiên, Tổng thống Assad vẫn còn tại vị cho tới nay là nhờ có Nga và Iran. Trên thực tế, với sự ủng hộ của Nga và Iran, các lực lượng chính phủ Syria liên tiếp giành chiến thắng trên thực địa và hiện đã kiểm soát được 70% lãnh thổ đất nước.

Trong số 4 nước ảnh hưởng và có lợi ích trên chiến trường Syria - gồm Iran, Nga, Thổ và Mỹ - Nga nổi lên như một nước sẵn sàng nhất và có khả năng gây ảnh hưởng nhất về mặt ngoại giao đối với nhiều bên, thậm chí có mối quan hệ tốt với các nước Arab, Israel và Iran, theo ông McLaughlin.

“Tổng thống Nga Vladimir Putin giờ đây có lẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài có ảnh hưởng nhất ở Trung Đông”, ông nói.

Trong khi vị thế của Iran với vai trò đồng minh của chính quyền Assad là khó thay đổi, Thổ Nhĩ Kỳ lại bị kéo theo nhiều hướng: phản đối chính quyền Assad, nhưng lại muốn tránh xung đột trực tiếp với Nga. Lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc tiếp nhận thêm người tị nạn đã làm căng thẳng mối quan hệ với châu Âu, và thái độ của Ankara đối với các lực lượng do người Kurd ở Syria dẫn đầu đã đặt họ vào tình thế bất đồng với Mỹ.

Mỹ trong khi đó đã để mất gần hết ảnh hưởng ở Syria thông qua việc giảm số lượng binh sỹ triển khai tại đây và các nhiệm vụ trái ngược nhau, theo McLaughlin.

“Về mặt chiến lược, Mỹ có thể đã để mất nhiều hơn những gì chúng ta có thể thừa nhận hiện nay”, theo ông McLaughlin./.

Từ khóa: nội chiến Syria, Syria, Tổng thống Syria, Tổng thống Assad, Nga

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập