Nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025

Cập nhật: 2 ngày trước

VOV.VN - Các chuyên gia kinh tế nhận định: Năm 2025, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội đang mở ra. Nếu Việt Nam tận dụng tốt những cơ hội đó thì mục tiêu tăng trưởng khoảng 8% là có thể đạt được.

Năm 2024 đã đi qua-Một năm đầy nỗ lực của Việt Nam, để đạt được mức tăng trưởng khoảng 7%. Năm 2025, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội đang mở ra. Nếu Việt Nam tận dụng tốt những cơ hội đó, thì mục tiêu tăng trưởng khoảng 8% là có thể đạt được. Đây là nhận định của các chuyên gia tại buổi tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025”, do Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, thuộc trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức sáng nay (3/1) tại Hà Nội.

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt được những kết quả tích cực, nhờ các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang duy trì đà phát triển. Tuy nhiên, một số rủi ro có thể ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam trong năm 2025 đang hiện hữu như: Giải ngân đầu tư công còn chậm và không đồng đều; Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn và thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững. Mặc dù lạm phát năm 2024 dự kiến dưới 4,5%, nhưng áp lực từ giá dầu, hàng hóa thế giới và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, nhập khẩu và sức mua.

Đến thời điểm này, các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng GDP của nước ta trong năm 2025 khoảng 6,5%. Để đạt được mức tăng trên 7% mà Chính phủ đề ra, cần sự nỗ lực rất lớn, và quan trọng nhất là phải nắm bắt được cơ hội để phát triển.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách phân tích: Các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu có thể duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025. Những thuận lợi từ bên ngoài cũng sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng. Thậm chí, Việt Nam có thể tận dụng được những chính sách thương mại mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump để nâng cao vị thế cạnh tranh toàn cầu, giống như chúng ta đã đạt được trong năm 2024, khi tỷ trọng xuất khẩu của chúng ta vào Hoa Kỳ chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch của Việt Nam trong năm 2024.

Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng là cần tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân để đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt mức cao và mở rộng cung tiền hợp lý nhằm kích thích tăng trưởng, như tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên; Tập trung tháo gỡ các khó khăn trên thị trường bất động sản, gói tín dụng nhà ở xã hội và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong trung hạn, cần tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững.

"Ngoài câu chuyện liên quan đến tăng trưởng, các động lực thì chúng ta cần chú ý đến vấn đề kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lạm phát. Đặc biệt, thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi tích cực. Một điểm nữa liên quan đến đột phá thể chế và tinh gọn bộ máy, chúng tôi hy vọng rằng với đà này thì niềm tin của người dân và doanh nghiệp tốt lên. Khả năng tăng trưởng GDP của nước ta từ 7,5%-8% trong năm 2025 và 2026 là đang tốt lên."- Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho biết.

Từ khóa: tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng kinh tế, chuyên gia kinh tế,GDP

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: vũ trung/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập