Nhiều trường học tại TP HCM chưa công khai thông tin nguồn thực phẩm
Cập nhật: 25/09/2019
Trung tướng Khuất Duy Tiến từ trần
Thời tiết ngày 24/11: Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to
VOV.VN - Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học còn gặp một số khó khăn.
Tại Hội nghị Sơ kết công tác bảo đảm An toàn thực phẩm trong trường học từ 2017 - 2019 diễn ra sáng 10/5, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM cho biết, thành phố có những tiêu chí chặt chẽ hơn khi sử dụng nguồn nguyên liệu để làm thực phẩm cung cấp cho các trường học trên địa bàn.
TP HCM có 1.974 trường học từ cấp mẫu giáo đến Trung học phổ thông, trong đó có 2.314 cơ sở dịch vụ ăn uống như bếp ăn tập thể tự tổ chức, bếp ăn tập thể thuê nấu, căng-tin trường học… Trong năm học 2016-2017 có 2 vụ ngộ độc; năm 2018 có 1 vụ ngộ độc thực phẩm nhưng quy mô không quá 30 người.
Bữa ăn tại trường học (Ảnh minh họa) |
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học còn gặp một số khó khăn. Cụ thể như: sản lượng của một số đơn vị trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn không đủ để cung cấp cho 1 trường học, vì vậy mà nhà trường phải ký hợp đồng với nhiều công ty khác nhau, dẫn đến việc kiểm soát khó khăn, không được chặt chẽ.
Một số trường học sử dụng suất ăn công nghiệp thì chưa thường xuyên kiểm soát được từng loại thực phẩm mà nhà cung cấp sử dụng để chế biến món ăn cho học sinh. Đặc biệt, chưa có sự giám sát của cha mẹ học sinh trong khâu này, còn tình trạng các trường chưa công khai nhà cung cấp thực phẩm, nguyên liệu, món ăn hàng ngày cho phụ huynh học sinh theo dõi... tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, lỗ hổng thường gặp trong bữa ăn học đường là nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, việc không đảm bảo quy trình 1 chiều, kiểm tra đối chiếu các khâu trong quá trình chế biến thực phẩm khiến nguy cơ nhiễm bệnh rất lớn. Quá trình bảo quản nếu để thời gian kéo dài trong điều kiện khí hậu thời tiết nắng nóng cũng gây ôi thiu, hư hỏng nhanh, gây ngộ độc thức ăn. Bà Lan cho biết, trong 25 vụ ngộ độc tập thể từ 2014 đến 2018, có 25% thuộc về trường học, đây đều là những thực phẩm đồ ăn giữa bữa, giữa ca đưa ở ngoài vào trường học.
Thời gian tới, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tiếp tục phối hợp cùng Sở Giáo dục Đào tạo thanh kiểm tra chặt chẽ, kết hợp đào tạo, tập huấn cho nhà trường và các đơn vị cung ứng chuỗi thực phẩm an toàn. Thành phố đã lựa chọn 6 quận để thí điểm bắt buộc thực phẩm cung ứng vào phải đạt chuẩn, nếu không thì bắt buộc thay đổi nhà cung cấp.
Bà Phạm Khánh Phong Lan nói: “Luật của chúng ta chỉ quy định sản phẩm cung ứng vào trong các trường học thì phải có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng, nói chung chung thôi. Còn chúng tôi nâng lên 1 mức, tức là nguyên liệu tươi sống thì phải đạt các tiêu chuẩn an toàn. Ví dụ như chuẩn chuỗi thực phẩm an toàn của Ban An toàn thực phẩm, chuẩn thực phẩm GlobalGap, VietGap, Haccp, ISO…”./.
TP HCM lên tiếng về việc ngưng thịt lợn trong bữa ăn bán trú ở trường
Từ khóa: an toàn thực phẩm, ăn bán trú, bữa ăn tại trường học, thực phẩm cung cấp cho trường học
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN