Nhiều trường học phải mua nước sạch, nước bình cho học sinh bán trú
Cập nhật: 22/10/2019
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ mô hình rau an toàn tại Đông Anh, Hà Nội (25/11/2024)
Phát triển bền vững thương mại điện tử để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số (26/11/2024)
VOV.VN - Người dân Hà Nội phải dùng nước bẩn trong cả tuần lễ mà không nhận được bất cứ cảnh báo nào từ nhà cung cấp và cơ quan chức năng.
Sự việc nguồn nước ở nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông bị nhiễm bẩn và nồng nặc mùi clo… khiến dư luận hoang mang. Đặc biệt, nhiều người không khỏi bức xúc khi phải dùng nguồn nước bẩn trong một tuần lễ mà không nhận được bất cứ cảnh báo hay khuyến cáo nào từ nhà cung cấp và cơ quan chức năng.
Vụ việc đổ trộm dầu thải ở đầu nguồn nước của Viwasupco được phát hiện từ ngày 8/10, nhưng phải đến ngày 15/10, UBND Hà Nội mới có khuyến cáo người dân không sử dụng nước sông Đà để nấu ăn.
Người dân Hà Nội xếp hàng lúc nửa đêm để lấy nước sạch. |
Cuộc sống của người dân các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông bị xáo trộn. Nhiều người ngao ngán, bức xúc trước cảnh nửa đêm nửa hôm phải xách xô, chậu đi xếp hàng lấy từ xe téc. Mua nguồn nước khác là giải pháp trước mắt của nhiều khu dân cư.
Với các trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh, việc nguồn nước nhiễm bẩn cũng khiến các phụ huynh lo lắng và đề nghị nhà trường tạm thời không sử dụng nước máy, thay vào đó dùng nước đóng bình nấu ăn cho học sinh.
Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai), cô Nguyễn Thị Hải Yến cho biết, do lo ngại nước có mùi lạ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, trường đã thống nhất với hội phụ huynh mua nước chở bằng xe téc để nấu ăn bán trú.
Tại quận Thanh Xuân, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng Phòng GD-ĐT cho biết, những ngày đầu chưa có thông tin chính thức về vấn đề nguồn nước, phòng vẫn có chỉ đạo chung tới các trường dùng nước đóng bình hoặc các nguồn nước khác để thay thế.
Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) cũng khẳng định, ngay khi phát hiện nước ở trường có mùi lạ, nhà trường đã mua nước đóng bình để bếp nấu ăn bán trú cho học sinh.
“Chính tôi đã trực tiếp gọi điện vào số điện thoại chăm sóc khách hàng của công ty nước để yêu cầu cho người xuống kiểm tra nguồn nước. Họ cũng nói là đã có nhiều người gọi lên, đồng thời ghi nhận lại thông của nhà trường phản ánh và có kế hoạch kiểm tra sau. Nhà trường có tới 2.000 học sinh, nếu có vấn đề ngộ độc thì hậu quả rất lớn, ảnh hưởng tới sức khỏe của các con, của toàn bộ giáo viên, đồng thời dư luận về ngành giáo dục sẽ không tốt”, cô Ngọc nói.
Thông báo của Trường Tiểu học Phan Đình Giót về việc mua nước bình cho nấu ăn bán trú. |
Theo cô Ngọc, mỗi lần lấy mẫu nước xét nghiệm phải khoảng 15 ngày sau mới có kết quả. Thời gian như vậy rất dài vì thế nếu có thông tin nước không an toàn thì nên báo với nhà trường.
Thông báo mới nhất sáng 16/10, Viwasupco cho biết sẽ ngừng cấp nước để súc xả đường ống và chưa rõ thời gian cấp trở lại. Trước đó, theo Tổng Giám đốc Viwasupco Nguyễn Văn Tốn, chưa chắc chắn công nghệ của nhà máy có xử lý được nước nhiễm dầu bẩn hay không.
Để khách hàng có nước sử dụng sinh hoạt, Viwaco - đơn vị mua nước sạch từ Viwasupco đã đấu nối tạm nguồn nước sạch dự trữ của Thành phố Hà Nội cho các xã thuộc huyện Thanh Trì, một số phường của quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân./.
Từ khóa: nước sạch, nước sông Đà, mua nước bình, mua nước sạch, đường dây nóng cấp nước
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN