Nhiều trường đạt 90% đồng thuận cho học sinh lớp 1-6 đi học trực tiếp
Cập nhật: 04/04/2022
[VOV2] - Hà Nội đang lấy ý kiến về việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trực tiếp. Tại nhiều trường Tiểu học và THCS, tỷ lệ đồng thuận đạt trên 90%.
Nhiều trường đạt tỷ lệ đồng thuận trên 90%
Kết quả thăm dò ý kiến phụ huynh về việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trực tiếp của Trường Marie Curie (Hà Nội) cho thấy, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận của các khối lớp 1-5 đạt 92%. Trong khi đó, khối 6 là 94.3%. Theo thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang, số ít phụ huynh còn chưa đồng thuận chủ yếu do con chưa được tiêm 2 mũi vaccine, một số khác thì lo lắng dịch bệnh và hậu COVID-19.
Tuy nhiên, tỷ lệ phụ huynh mong muốn con đến trường học trực tiếp ở thời điểm này đã cao hơn gấp 2-3 lần so với thời điểm đầu tháng 3. “Hồi đầu tháng 3, Hà Nội có chủ trương cho HS mầm non đến lớp 6 đi học trực tiếp nhưng qua thăm dò chỉ 30-40% phụ huynh nhà trường đồng tình”, thầy Khang cho biết.
Tại trường tiểu học Nam Thành Công, qua thống kê chưa đầy đủ tính đến sáng 4/4 có hơn 80% phụ huynh đồng thuận cho con em đến trường học trực tiếp.
Còn ở Trường tiểu học Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, có đến 79% phụ huynh đồng ý cho con đến trường, 21% còn “lăn tăn”, với lý do chưa con tiêm phòng và năm học sắp kết thúc.
Tuy nhiên, theo cô hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Lan hiện 45/50 giáo viên nhà trường đã nhiễm COVID-19; hơn 60% HS của trường dù chỉ ở nhà với bố mẹ vẫn bị nhiễm bệnhh.
Theo hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Phương, 100% giáo viên mong muốn đón các con đi học trực tiếp để củng cố kiến thức sau cả năm trời học online. Dù năm học sắp kết thúc nhưng “đến trường ngày nào tốt ngày đấy”.
Đây cũng là mong ước của cô Đỗ Thị Việt Hiền, hiệu trưởng THCS Khương Đình (Quận Thanh Xuân). Qua khảo sát, có đến 93% phụ huynh trường THCS Khương Đình đồng ý cho con đi học. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chưa đồng thuận cho hay nếu trường học mở cửa, họ cũng sẽ để con đi học trực tiếp.
Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đến thời điểm này, số HS lớp 6 nhiễm COVID đạt tỷ lệ 60% dù không đến trường. Trong khi đó, thời điểm này, dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát tốt, trẻ mắc COVID cũng nhẹ. Chiều mai (5/4) khoảng 70 HS lớp 6 của trường (đủ 12 tuổi) sẽ được tiêm vaccine.
Cô Hiền cho biết, sau 1 năm học sinh lớp 6 không được đến trường, nhiều phụ huynh than phiền vì nhiều con đã bộc lộ những bất ổn khi ngại giao tiếp. Hơn nữa, dù thời gian đầu học sinh tích cực tương tác khi học online nhưng hết học kỳ 1 sự tương tác ít dần, chất lượng học kém. Với học sinh đầu cấp sự rèn giũa gần như không có.
“Nếu học sinh đến trường, chúng tôi có thể chia các buổi chào cờ, chẳng hạn thứ 2 tuần này toàn bộ khối 7 chào cờ giãn cách, tuần sau khối 8, tuần sau nữa sẽ là khối 9... ít ra các con còn có không khí. Tôi cho rằng, cho các con đến trường là cần thiết”, cô Hiền nêu giải pháp.
Vẫn còn tỉ lệ phụ huynh chưa đồng thuận cho học sinh lớp 1 – 6 đi học trực tiếp, song ông Phạm Gia Hữu, trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, học sinh ở nhà quá lâu sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm sinh lý. Trong khi đó học trực tuyến không mang lại kết quả tốt như học trực tiếp. Vì vậy, cần cho các cháu đến trường để bổ sung kiến thức, tạo ra tâm lý tốt và cũng phù hợp và tình hình dịch bệnh đang có tín hiệu tốt như hiện nay.
Điểm cao tăng vọt: thật hay ảo?
Theo cô Nguyễn Kim Anh, hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Thành Công, kết thúc học kỳ 1, kiểm tra khảo sát chất lượng học sinh vẫn giữ ổn định và thấp hơn một chút.
“Tất nhiên kỹ năng thiếu một chút nhưng về kiến thức không vấn đề gì, nhất là những gia đình quan tâm đến con cái thì chất lượng dạy online không ảnh hưởng nhưng với một số gia đình không có nhiều thời gian quan tâm đến con thì giáo viên phải cố gắng hơn nhiều”.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục tiểu học và THCS tỏ ra lo lắng với chất lượng giáo dục khi trong thời gian rất dài học sinh không đến trường học trực tiếp.
Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình cho biết, với HS lớp 8 và 9, nhà trường đã tiến hành một cuộc khảo sát nhưng không lấy điểm với điều kiện học sinh phải làm bài trung thực. Kết quả cho thấy, tỉ lệ học sinh giỏi giảm mạnh so với mọi năm.
Trong khi đó, với học sinh lớp 6, một năm không đến trường, việc đánh giá chất lượng chỉ có thể thực hiện qua các bài kiểm tra online. Kết quả cho thấy, tỉ lệ học sinh đạt mức từ trung bình, khá, giỏi vẫn cao nhưng cô hiệu trưởng Đỗ Thị Việt Hiền khẳng định chưa thực sự tin tưởng vào kết quả này.
“Khối 6 chúng tôi tổ chức kiểm tra online ở nhà, thầy cô rất khó giám sát. Vì vậy, tổ chức một buổi kiểm tra nghiêm túc rất khó. Nhiều khi có con vẫn cần sự hỗ trợ phụ huynh bên cạnh. Lúc này chưa thể đánh giá được chất lượng thực sự các con khối 6”.
Trái ngược với kết quả khả quan, cô Hiền cho biết, qua phản ánh của nhiều viên, sau thời gian dài học online, nhiều học sinh không biết cách ghi bài, ngại học, nhiều bố mẹ bận bịu đi làm nên không có sự quan tâm, kiểm tra.
“Có con khi cô gọi thì tắt camera, hỏi thì em bảo là đường truyền hỏng”. Cô Hiền mong muốn “dù chỉ còn 2 tháng nhưng ngày nào các con được đến trường thì ít nhất các con được thầy cô hướng dẫn phương pháp học tập, bổ sung kiến thức. Trên lớp các con không hiểu ở đâu, giáo viên còn biết để uốn nắn. Còn học như thế này, tôi rất lo cho chất lượng học sinh lớp 6”.
Chưa bao giờ điểm thi đẹp như học kỳ vừa rồi
“Từ trước đến nay trường Marie Curie chưa có bao giờ có kết quả điểm số đẹp như học kỳ 1 vừa rồi. Chưa bao giờ số học sinh giỏi, xuất sắc lại nhiều như học kỳ 1 vừa rồi”. Đây là chia sẻ của thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội.
Thầy Khang cho rằng, nguyên nhân là do online, nhưng dù cao thấp thì phải chấp nhận vì đó là điểm pháp lý theo quy chế. Dù điểm kiểm tra cao vọt lên nhưng không phản ánh thực chất năng lực của học sinh.
Trái ngược với kết quả điểm thi định ký, đánh giá về chất lượng học online của HS tiểu học và lớp 6, thầy Nguyễn Xuân Khang, thẳng thắn nhận xét “cực kỳ xấu”.
“Thời gian học online, học sinh bỏ qua mảng giao tiếp, lớp 1 không chỉ đọc viết, học tính mà còn nhiều thứ như giáo dục tính cách, lối sống, sức khỏe thể chất, tinh thần...đều đi tong vì ko có điều kiện đến trường. Cần nhìn thẳng vào thực tế chất lượng giáo dục rất xấu”.
Hiệu trưởng trường Marie Curie đề xuất, khi học sinh tiểu học và lớp 6 đi học trực tiếp trở lại, cần có 1-2 tuần để ổn định trạng thái rồi mới kiểm tra chất lượng trực tiếp.
“Học sinh khi đến trường sau 1-3 tuần mới thể hiện được chất lượng như thế nào, ví dụ viết, đọc tính với trẻ 1 -2 phải sau 3 tuần trở lại trường cho các con quen thầy, bạn, môi trường bình thường mới kiểm tra xem chất lượng vào tháng 4, đầu tháng 5 mới có thể so sánh với trước dịch. Còn nếu chỉ đánh giá qua điểm số thì chất lượng siêu cao nhưng kiểm tra ảo thì cho chất lượng ảo”, thầy Nguyễn Xuân Khang đánh giá./.
Từ khóa: ý kiến, đến trường, lớp 1, lớp 6, vov2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2