Điểm sáng du lịch tăng trưởng âm lộ ra những điểm tối về kinh tế
VOV.VN - Đại dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế của thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi sụt giảm sâu, gây thiệt hại nặng nề và sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa.
Nhiều tỉnh, thành ở miền Trung điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, tạo đà bứt phá mới
Cập nhật: 05/02/2021
VOV.VN - Năm 2020 vừa khép lại với nhiều “giông bão” của người dân miền Trung. Đại dịch Covid-19, bão lũ dồn dập đã và đang gây nhiều thiệt hại, buộc các địa phương phải nhanh chóng điều chỉnh các giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế.
Đối với Việt Nam, đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực, kéo dài đến những năm đầu của kế hoạch 5 năm 2021-2025; đặt ra yêu cầu không chỉ hoá giải các nguy cơ, vượt qua khó khăn, thách thức mà mỗi chúng ta còn phải tích cực, chủ động trước vận hội mới, thời cơ mới.
Từ những điểm sáng về phát triển kinh tế, các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng trong năm vừa qua có tốc độ tăng trưởng âm. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tác động bất lợi, các địa phương đã có sự điều chỉnh về phương hướng, mục tiêu, chiến lược phát triển cho phù hợp với tình hình mới.
Qua Đại hội Đảng bộ các địa phương nhiệm kỳ 2020-2025 cho thấy, nội dung văn kiện trình bày tại Đại hội lần này cũng nêu rõ những giải pháp ứng phó với dịch bệnh, thiên tai; xác định lại cơ cấu kinh tế, điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, tạo đà bứt phá mới.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm cho mọi hoạt động dịch vụ- du lịch ở tỉnh Khánh Hòa đều ngưng trệ. Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh này vẫn tăng trưởng dương 0,53%. Công nghiệp trở thành trụ cột để Khánh Hòa cân đối ngân sách, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh.
Hậu quả nặng nề của dịch bệnh buộc tỉnh Khánh Hòa phải xác định lại phương hướng phát triển, dựa trên lợi thế của các vịnh biển nước sâu để xây dựng địa phương thành “trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước”. Những ngày đầu năm 2021, tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh thu hút các dự án công nghiệp lớn vào Khu kinh tế Vân Phong. Đến nay, dự án Nhiệt điện Vân Phong hoàn thành 1/4 khối lượng công việc, giải ngân hơn 700 triệu USD, dự kiến cuối năm 2023 sẽ phát điện, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa xác định rõ mục tiêu xây dựng một nền kinh tế bền vững trong phòng chống dịch. Trước mắt, phát triển du lịch chất lượng cao, thu hút các thị trường mới, nhiều tiềm năng thay vì lệ thuộc 1- 2 thị trường truyền thống như trước đây, đầu tư thêm cho các khu vui chơi, giải trí, phát triển kinh tế đêm. Nhiệm kỳ này, địa phương đẩy mạnh sản xuất công nghiệp sạch gắn với bảo vệ môi trường, ưu tiên phát triển công nghiệp ở Khu Kinh tế Vân Phong, phát huy tối đa lợi thế của Cảng biển nước sâu tầm cỡ thế giới.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã tạo cơ hội cho địa phương đón nhận luồng vốn đầu tư mới từ nước ngoài. “Xác định, phát triển kinh tế thật sự bền vững, an toàn. Khánh Hòa nắm lấy được thời cơ thuận lợi, biến nguy thành cơ, bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư chuyển nguồn vốn từ các nước đang gặp khó khăn, trong đầu tư thời kỳ Covid-19. Khánh Hòa với Nha Trang, Vân Phong sẵn sàng kêu gọi các nhà đầu tư đến với thị trường rất mới, rất quan tâm".
Ở tỉnh Quảng Ngãi, từ nhiều năm nay nguồn thu ngân sách của tỉnh phụ thuộc rất lớn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với tỉ lệ lên đến 45%. Năm 2020, do giá dầu thô giảm mạnh, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hoạt động bảo dưỡng nhà máy đã dẫn đến hụt thu ngân sách tỉnh khoảng 3.055 tỷ đồng. Những năm trước đây, Quảng Ngãi là địa phương có điều tiết ngân sách về Trung ương nhưng năm vừa qua, tỉnh này lại đề nghị Trung ương hỗ trợ hơn 1.800 tỷ đồng để chi cho các hoạt động an sinh xã hội.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh khá, mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên gấp đôi so với mức 2.200 USD như hiện nay. Ông Đặng Văn Minh cho biết thêm, tỉnh đã bàn nhiều giải pháp tập trung thu hút những dự án công nghiệp quy mô lớn, có tính động lực để vá “lỗ thủng”, không quá phụ thuộc vào nguồn thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Theo ông Minh: "Muốn giảm phụ thuộc vào nguồn thu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chúng ta thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tạo quỹ đất sạch... để doanh nghiệp có đủ điều kiện vào đầu tư".
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và bão lũ, thiên tai dồn dập khiến cho nhiều lĩnh vực kinh tế của địa phương này suy giảm nặng. Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, đại dịch Covid-19 ập đến, mọi hoạt động du lịch- dịch vụ và nhiều ngành nghề khác cũng ngưng trệ, buộc địa phương phải tìm giải pháp thay thế, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững, an toàn trong dịch bệnh.
Theo ông Minh: “Định hướng phát triển về nông nghiệp công nghệ cao, phát huy tiềm năng lợi thế nông nghiệp của tỉnh tiếp tục đứng vững trong đại dịch này. Cùng với đó, tập trung phát triển công nghiệp, tập trung thực hiện một số dự án lớn... để chúng ta có thể hạn chế bớt thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra".
Thành phố Đà Nẵng từng là tâm dịch Covid-19. Dịch bệnh tái bùng phát đã làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố giảm sâu; hơn 190 ngàn người lao động bị mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm gần đây.
Khi xây dựng Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Đà Nẵng đã 3 lần điều chỉnh tỷ lệ mục tiêu tăng trưởng, phương hướng và nhiệm vụ phát triển một cách bền vững, an toàn. Theo đó, thành phố này phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 đạt 9%-10%/năm; Duy trì cơ cấu kinh tế phù hợp, phát triển bền vững với tỷ lệ dịch vụ từ 63%-65%, công nghiệp- xây dựng từ 23%-25%.
Thành phố Đà Nẵng đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục ảnh hưởng đại dịch Covid-19, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế- xã hội của địa phương. Đà Nẵng sẽ đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy các ngành lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã xác định, xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm mạnh về công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
“Trước đây, một thời Đà Nẵng khao khát tăng lên dần, 65%-67% cơ cấu. Tuy nhiên, qua làn sóng Covid-19, tác động quá lớn, quy mô dịch vụ càng cao cũng có tính bấp bênh. Bây giờ vẫn giữ dịch vụ ở mức không tăng nữa, nhưng trong nội bộ có sự thay đổi. Đẩy các ngành về công nghệ thông tin, kỹ thuật số... có tính bền vững so với các ngành nặng về du lịch, thương mại dịch vụ" - ông Vĩnh cho biết.
Năm 2020 vừa khép lại với nhiều “giông bão” của người dân miền Trung. Đại dịch Covid-19, bão lũ dồn dập đã và đang gây nhiều thiệt hại, buộc các địa phương phải nhanh chóng điều chỉnh các giải pháp phù hợp để phát triển bền vững, an toàn, nâng cao đời sống nhân dân.
Với bản lĩnh và kinh nghiệm của những người thường xuyên đối mặt với thiên tai, địch họa, chính quyền và người dân miền Trung sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Và quan trọng hơn, nơi đây sẽ dồn sức xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững, thích ứng với dịch bệnh, phù hợp với trạng thái bình thường mới trong xu thế toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng./.
Từ khóa: miền Trung điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đà nẵng, khánh hòa, tái cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế, kinh tế đà nẵng, ảnh hưởng covid-19, covid-19
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN