Nhiều thanh niên đi làm ăn xa, Yên Bái kết nạp và quản lí đảng viên ra sao?
Cập nhật: 14/06/2024
Bổ nhiệm Phó Giám đốc Công an TP. Cần Thơ
Ông Phạm Đại Dương giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
VOV.VN - Hiện nay, thanh niên ở khu vực nông thôn miền núi có xu hướng thích rời quê đi làm ăn xa, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới công tác kết nạp đảng viên mới và duy trì sinh hoạt đối với đảng viên không có mặt tại địa phương.
Thực tế gần đây, không chỉ ngành nghề chế biến gỗ rừng trồng mà nhiều ngành nghề khác như: xây dựng, may mặc, chăn nuôi, thậm chí trồng rừng hay sản xuất nông nghiệp cũng đang thiếu lực lượng lao động trẻ, có sức khoẻ. Lí do là thanh niên ở các bản làng giờ rủ nhau đi làm ăn xa khá nhiều, có nơi đi gần hết, bởi cơ hội kiếm việc làm có thu nhập ổn định ở các thành phố lớn hơn rất nhiều.
Theo anh Vàng A Sò, Bí thư chi bộ thôn Khe Ron, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, lớp trẻ rời quê ra đi không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến công tác tạo nguồn phát triển Đảng ở địa phương. Mặc dù cấp ủy chi bộ đã cố gắng tìm hiểu, định hướng cho lớp trẻ, nhưng công tác kết nạp Đảng vẫn rất khó khăn.
Anh Vàng A So cho biết: "Người ta thường đi làm ăn xa cho nên nhiều khi mình làm hồ sơ xong rồi mà đến thời gian đi học cảm tình, người ta cũng không về học được vì đi làm công ty không xin được về, rất là khó khăn cho công tác phát triển đảng."
Ông Hà Ngọc Điệp, Bí thư Đảng uỷ xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên cho biết, từ năm 2022 đến nay, mỗi năm Đảng uỷ kết nạp được 12 đến 16 đảng viên, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy vậy, việc kết nạp đảng viên mới vẫn gặp không ít khó khăn do đoàn viên, thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT hầu hết đều thích đi làm ăn xa. Đảng bộ, chính quyền đang phải nỗ lực tạo việc làm tại chỗ để thu hút lực lượng trẻ ở lại địa phương.
Ông Hà Ngọc Điệp nói: "Phát triển đảng viên mới từ lực lượng đoàn viên, thanh niên là rất khó khăn. Giải pháp là chúng tôi chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tăng cường tổ chức các hoạt động phong trào, bên cạnh đó Đảng bộ, chính quyền có nhiều giải pháp tạo việc làm tại chỗ, ví dụ như thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác chế biến nông lâm sản tại địa phương để thu hút lực lượng lao động ở lại địa phương, từ đó phát hiện những nhân tố mới để bồi dưỡng, tạo nguồn, phát triển đảng."
Ông Mùa A Páo, Bí thư Đảng uỷ xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải cũng cho biết: "Trong 6 tháng đầu năm 2024, Đảng bộ xã Chế Cu Nha cũng tập trung kết nạp được 5/8 đảng viên, đạt trên 60%. Trước hết là về nguồn, hiện nay về cơ bản là lực lượng nằm trong độ tuổi để kết nạp vào đảng đi lao động ở ngoài huyện, ngoài tỉnh nên công tác sàng lọc, lựa chọn quần chúng ưu tú vào đảng đặc biệt khó khăn."
Khó khăn là vậy nhưng theo kinh nghiệm của các địa phương, nếu có sự tập trung lãnh đạo của cấp ủy đảng cơ sở thì công tác kết nạp đảng viên mới vẫn hoàn thành mục tiêu đề ra. Theo đó, các chi bộ phải tìm ra được những quần chúng có lối sống tích cực, tiên phong, nhạy bén trong phát triển kinh tế, trong các phong trào ở địa bàn; kịp thời biểu dương, khích lệ khi quần chúng có những hoạt động tích cực; đồng thời gần gũi chia sẻ, thuyết phục, giải thích để quần chúng hiểu được vào đảng là niềm vinh dự, là môi trường rèn luyện bản thân ngày càng chín chắn, trưởng thành hơn.
Ông Triệu Văn Huấn, Bí thư Đảng uỷ xã Mường Lai, huyện Lục Yên - địa phương hằng năm kết nạp đảng viên mới vượt chỉ tiêu; trong đó 6 tháng đầu năm 2024 kết nạp được 44 đảng viên, gần gấp đôi kế hoạch của cả năm, chia sẻ: "Công tác tuyên truyền phải hết sức khéo léo, làm sao cho quần chúng dễ hiểu nhất, làm sao để quần chúng hiểu được vào đảng là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời là môi trường để cá nhân được rèn luyện, trưởng thành. Người đứng đầu cấp ủy có sở, cấp ủy viên cơ sở cũng phải tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động, phát hiện, tạo nguồn và bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới."
Bên cạnh việc kết nạp đảng cho đoàn viên thanh niên, các tổ chức đảng ở cơ sở cũng đang nỗ lực tìm giải pháp quản lý đảng viên đi làm ăn xa, làm sao thực hiện đúng điều lệ đảng.
Ông Hà Ngọc Điệp, Bí thư Đảng uỷ xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên cho biết, tất cả các đảng viên rời quê đi làm ăn xa đều phải có đơn và sự cho phép của chi bộ nơi sinh hoạt: "Đối với đảng viên đi làm ăn xa thì chủ yếu là đi làm theo mùa vụ. Đảng ủy cũng đã chỉ đạo các chi bộ đối với những đảng viên đi làm ăn xa đều phải có đăng kí, có đơn miễn sinh hoạt để đi làm ăn xa; phải ghi rõ địa chỉ nơi đến, làm ở đâu, địa phương nào, công việc gì; báo cáo rõ, cụ thể với chi bộ và phải được chi bộ đồng ý, chấp thuận thì mới được đi làm ăn xa."
Ông Vàng A Sò, Bí thư chi bộ thôn Khe Ron, xã Hồng Ca cho biết thêm: "Theo điều lệ của đảng, chi bộ quản lí rất sát sao, đảng viên đi làm ăn xa phải có báo cáo xin phép đi làm ăn xa 1 đến 2 tháng; đi làm thì đến tháng cũng phải về sinh hoạt chi bộ."
Còn ông Hoàng Văn Láng, Bí thư chi bộ thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên cho hay: " Đảng viên đi làm ăn xa thì có trao đổi thông tin, nắm bắt thường xuyên; đặc biệt qua nhóm zalo của chi bộ vẫn cứ trao đổi đầy đủ các nội dung của thôn. Trong sinh hoạt chi bộ thì không quá 3 tháng phải về sinh hoạt 1 lần".
Từ những nỗ lực của các tổ chức Đảng ở cơ sở, hiện nay về cơ bản công tác kết nạp đảng viên mới và quản lí đảng viên ở Yên Bái vẫn đảm bảo theo đúng kế hoạch của từng năm cũng như cả nhiệm kỳ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các địa phương trong khu vực cần làm tốt hơn nữa công tác tạo việc làm và giải quyết việc làm cho đội ngũ thanh niên để họ yên tâm sinh sống, làm ăn, phát triển kinh tế ngay tại quê hương. Khi đã tạo được vị thế vững chắc trong gia đình và xã hội, chắc chắn, họ sẽ có thời gian và tâm huyết, nỗ lực phấn đấu để trở thành những đảng viên gương mẫu, đi đầu ở cơ sở.
Từ khóa: Đảng viên, Yên Bái, thanh niên, đảng viên, cơ sở
Thể loại: Nội chính
Tác giả: đinh tuấn/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN