Nhiều nước tăng cường biện pháp đối phó suy thoái kinh tế

Cập nhật: 14/06/2022

(VOV5) -Bên cạnh biện pháp chủ đạo là điều chỉnh tăng lãi suất, các nền kinh tế đồng thời thực hiện nhiều biện pháp đối phó khác như cơ cấu lại danh mục và tiết giảm đầu tư, chi phí…

Do tác động của đồng thời nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là tỷ lệ lạm phát tăng cao, nhiều nền kinh tế đối mặt nguy cơ giảm tăng trưởng, thậm chí suy thoái. Trước thực trạng này, hầu hết các nền kinh tế lớn đã triển khai những kế hoạch ứng phó mạnh mẽ.

Nhiều nước tăng cường biện pháp đối phó suy thoái kinh tế - ảnh 1World Bank hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, đồng thời cảnh báo nhiều quốc gia có thể rơi vào suy thoái trong năm nay. Ảnh minh họa: Reuters

Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất công bố tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng, do lạm phát tăng cao, nguy cơ suy thoái với nhiều nền kinh tế là khó tránh khỏi. Các yếu tố chính đã và đang tác động bất lợi tới triển vọng kinh tế toàn cầu gồm: xung đột tại Ukraine, biện pháp phong tỏa phòng chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và nhất là rủi ro lạm phát tăng cao. WB đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 xuống còn 2,9%, giảm mạnh so với mức dự báo 5,7% đưa ra năm ngoái cũng như mức 4,1% dự báo đầu năm nay.

Đối phó của các nền kinh tế

Trước thực tế này, các nền kinh tế đã kích hoạt nhiều biện pháp đối phó mạnh mẽ, phổ biến nhất là thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất.

Theo đó, cuối tuần qua, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ áp dụng tăng lãi suất vào đầu tháng 7 tới đây, là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB kể từ năm 2011, đồng thời kết thúc thời kỳ chính sách tiền tệ nới lỏng. Mức tăng lãi suất dự kiến là 0,25%. Ngoài đợt tăng lãi suất này, một đợt tăng lãi suất tiếp theo của ECB dự kiến diễn ra vào tháng 9/2022 với mức điều chỉnh có thể lớn hơn.

Lạm phát trung bình trong tháng 5/2022 tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức kỷ lục 8,1%, cao gấp 4 lần so với mức mục tiêu mà ECB đề ra là 2%. Trong tháng vừa qua, có 14/19 nền kinh tế thuộc khu vực Eurozone ghi nhận mức lạm phát vượt 8,1%. Mức lạm phát cao khiến ECB phải điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởngkinh tế Eurozonetrong năm 2022 từ 3,7%, xuống còn 2,8%.

Nhiều nước tăng cường biện pháp đối phó suy thoái kinh tế - ảnh 2Một khu chợ tại Thành phố Quezon, Philippines, ngày 2/5/2021. Ảnh: Reuter

Trước ECB, Ngân hàng Trung ương Mỹ, Anh và một số nền kinh tế lớn khác cũng đã tiến hành các bước đi tương tự. Trong đó, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thực hiện nâng lãi suất từ rất sớm với việc Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) quyết định tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % lên phạm vi mục tiêu 0,75 đến 1% vào ngày 4/5. Đây được đánh giá là lần điều chỉnh “rất đáng chú ý” bởi kể từ tháng 5/2000, FED đã không tăng lãi suất quá 0,25% trong một lần điều chỉnh lãi suất. Ngoài ra, FED còn dự kiến công bố quyết định điều chỉnh tăng lãi suất tiếp theo trong ngày 15/6 (giờ Mỹ) và mức tăng được dự báo tiếp tục là 0,5%, thậm chí lên tới 0,75%.

Tương tự như châu Âu và nhiều nền kinh tế lớn khác, nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ) đang đối mặt mức tăng lạm phát kỷ lục, lên tới 8,6% trong tháng 5 vừa qua, cao nhất kể từ năm 1981. Trong cuộc khảo sát do Ngân hàng Deutsche Bank công bố cuối tháng 5, có tới 65% các nhà đầu tư dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái năm 2023.

Bên cạnh biện pháp chủ đạo là điều chỉnh tăng lãi suất, các nền kinh tế cũng đồng thời thực hiện nhiều biện pháp đối phó khác như cơ cấu lại danh mục và tiết giảm đầu tư, chi phí… Đặc biệt, một số quốc gia đang phát triển (chủ yếu ở châu Á), còn thực hiện hạn chế xuất khẩu một số hàng thiết yếu, nhất là lương thực…, để đối phó tình hình.

Triển vọng

Khó khăn với kinh tế toàn cầu là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, các báo cáo liên quan đã chỉ ra một số bằng chứng cho thấy kinh tế thế giới vẫn còn những điểm tựa và nền tảng tốt. Thứ nhất, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc đang có nhiều tín hiệu tích cực. Theo đó, hoạt động thương mại của Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua đã vận hành mạnh mẽ trở lại khi xuất khẩu tăng tới 16,9% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn nhiều so với mức tăng 3,9% của tháng 4.

Bên cạnh đó, một số báo cáo nhận định tình trạng căng thẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt khi giá vật liệu bán dẫn, giá phân bón và giá vận chuyển container…, đều ghi nhận mức giảm sâu so với thời kỳ đỉnh điểm vào giữa năm ngoái và đầu năm nay.

Đặc biệt, một số chuyên gia và định chế tài chính cho rằng lạm phát của thế giới đã ở mức đỉnh, có nghĩa là giai đoạn tồi tệ nhất với kinh tế thế giới đã qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách cảnh báo rằng, rủi ro với kinh tế toàn cầu và mỗi nền kinh tế thành viên vẫn ở mức nghiêm trọng. Vì thế, các nền kinh tế vẫn cần nâng cao cảnh giác, sẵn sàng các kế hoạch ứng phó cần thiết.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, suy thoái kinh tế, ECB, Ngân hàng Trung ương Mỹ

Thể loại: Thời sự

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập