Nhiều người dân huyện Bảo Yên “ngã ngửa” khi phát hiện sổ đỏ không có giá trị

Cập nhật: 21/09/2020

VOV.VN - Nhiều người dân ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã “ngã ngửa” khi phát hiện tài sản lớn nhất của gia đình là “sổ đỏ” được cất giữ, bảo quản bao năm trong két lại không hề có giá trị pháp lý.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Sang, ở tổ 7, thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) sở hữu 2 mảnh đất liền kề rộng hơn 30m mặt đường Quốc lộ 70. Ông Sang cho biết, năm 2004, gia đình nhờ một cán bộ địa chính thị trấn làm sổ đỏ đất theo gợi ý của người này, với giá 45 triệu đồng. Đợt đầu đưa 30 triệu, sổ đỏ cầm tay trả nốt số tiền còn lại. Yên tâm cất trong két bao năm, gần đây kinh tế sa sút, có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhưng bị từ chối, ông Sang mới vỡ lở vì sổ đỏ hoàn toàn không có giá trị vì chưa đóng thuế nhà nước.

“Sổ đỏ chính thức có dấu quốc huy chính chủ, chứ tôi không đi mượn ai, hay tự làm giả. Đây là sai phạm do cán bộ. Gia đình cũng đã kiến nghị lên huyện, lên tỉnh mà đến giờ chưa được giải quyết” - ông Sang nói.

Kế bên nhà ông Sang là ông Phạm Quang Hòa cùng chung cảnh ngộ. Cũng nhờ cán bộ địa chính thị trấn, vào năm 2009, với 10 triệu đưa trước cho cán bộ để đặt niềm tin, 28 triệu trả nốt sau khi nhận trao tay sổ đỏ. Ngỡ tưởng sổ đỏ nhận được từ cán bộ có thẩm quyền là yên tâm cất vào tủ. Mãi sau này, khi căn nhà gỗ liêu xiêu sắp đổ, cầm sổ đi xin cấp phép xây dựng, ông Hòa mới ngớ người khi nhận được trả lời rằng sổ đỏ không có hồ sơ gốc.

“Tôi lên phòng tiếp dân của tỉnh thì họ bảo để họ chuyển về huyện giải quyết, rồi 1 tuần sau có giấy báo chuyển về huyện. Từ tháng 8 năm ngoái đến nay chưa có phản hồi gì” - ông Hòa cho biết.

Cách đó không xa, ở tổ 3B thị trấn Phố Ràng, ngay trước khu trụ sở hành chính mới đang xây dựng của huyện Bảo Yên cũng có vài ba hộ tương tự. Điển hình như mảnh đất của anh Nguyễn Đình Minh, diện tích 130m2, được cấp sổ đỏ đất ở đô thị ODT từ năm 2009.

Anh Minh cho hay, hồi đó tin tưởng nhờ một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện làm hộ bìa với giá 40 triệu, cầm bìa trong tay nghĩ là xong. Tới khi quy hoạch khu hành chính mới phát hiện sổ đỏ không có giá trị pháp lý, nếu giải phóng chỉ được đền bù theo giá đất nông nghiệp chứ không được suất tái định cư.

“Tôi nghĩ làm sổ đỏ, ghi đủ thông tin như vậy là hoàn thiện rồi, chỉ biết cầm cất đi thôi chứ không ngờ ra thế này. Khi tôi hỏi cơ quan chức năng phôi sổ này thật không, chữ kí thật không, họ trả lời là thật. Các cấp chính quyền không phản đối, nhưng đều bảo đang giải quyết, đang thanh tra mà mãi chưa thấy trả lời gì” - anh Minh lo lắng.

Không riêng ở Phố Ràng, tại các xã của huyện Bảo Yên cũng ghi nhận nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười”. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Minh Rậu, thôn Cầu Cóc, xã Phúc Khánh cùng với một người khác đưa cho một cán bộ địa chính xã hồi năm 2007 mỗi người 16 triệu nhờ làm sổ đỏ, tiền đóng làm 2 đợt. Gần đây khi có nhu cầu vay vốn, cán bộ ngân hàng từ chối tiếp nhận, chỉ cho chị xem trên sổ đỏ có dấu và chữ ký tươi nhưng không hề ghi ngày tháng, không thể hiện sơ đồ thửa đất; lên huyện hỏi thì vỡ lở sổ đỏ đang đứng tên người khác.

“Hồi nhỏ thì ở cùng bố mẹ, đi học ở cùng anh chị, tôi nào biết sổ đỏ trông ra sao. Lần đầu tiên được cầm tôi không phát hiện được gì cả, bây giờ mới biết. Tôi lương tháng vài triệu bạc, lại là mẹ đơn thân, tưởng rằng nhờ cán bộ giúp đỡ, ai ngờ” - chị Rậu nói.

Những câu chuyện trên đây gắn với mỗi con người, mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng chung một kịch bản, đều bằng tình cảm, sự tin tưởng, bỏ tiền nhờ cán bộ Nhà nước giúp đỡ để có được tấm sổ đỏ khẳng định quyền sở hữu trên đất ở. Nhưng sự thật lại hết sức phũ phàng, vì sổ đỏ nhận về từ tay cán bộ chỉ là những tờ giấy vô giá trị, phủ định quyền lợi chính đáng của người dân.

Cũng tại huyện Bảo Yên, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Lào Cai đã từng vào cuộc, xác minh gần 60 sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) do Phòng Tài nguyên Môi trường huyện trình UBND huyện ký cấp sai quy định giai đoạn 2007 - 2013. Sau khi có kết luận điều tra hồi cuối năm 2018, hàng chục cán bộ đã lần lượt bị truy cứu, trong đó không ít cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai quản lý.

Với những trường hợp chúng tôi nêu ở trên thì lại nằm ngoài danh sách những nạn nhân của gần 60 sổ đỏ đã khép lại điều tra. Trong những lúc cần sử dụng đến họ mới phát hiện ra sổ đỏ nhà mình không có giá trị. Vì bình thường nếu không có việc dùng tới thì sổ đỏ vẫn yên vị trong tủ, trong két, đặt niềm tin vào cán bộ không ai lại đi kiểm tra xem sổ đỏ đó có hợp pháp hay không?

Dư luận cho rằng, những sai phạm trong quản lý cấp quyền sử dụng đất ở Bảo Yên như tảng băng mới được giải quyết phần nổi, vẫn đang còn phần chìm rất lớn nữa cần được làm rõ./.

Từ khóa:

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập