Nhiều khu vực ngập sâu kéo dài, Hà Nội cần lưu ý phòng tránh dịch bệnh

Cập nhật: 19/08/2024

VOV.VN - Dù nước lũ đang rút dần nhưng tình hình ngập lụt ở các huyện Chương Mỹ và Quốc Oai, Hà Nội vẫn diễn ra nghiêm trọng.

Tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội tính đến chiều 2/8, ở nhiều thôn, xóm, nước vẫn ngập từ 0,5 đến gần 2m. Sau gần nửa tháng nước ngập sâu, kéo dài, người dân và chính quyền các địa phương cần lưu ý gì để phòng tránh dịch bệnh? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với PGS. TS. Doãn Ngọc Hải, Chủ tịch hội đồng Trường đại học Y tế công cộng. 

PV: Ông có đánh giá thế nào về những nguy cơ có thể xảy ra khi ngập úng kéo dài?

PGS. TS. Doãn Ngọc Hải: Vấn đề của Hà Nội trở nên nghiêm trọng vì Hà Nội không quen bị lụt, lâu lâu mới có một lần, nên việc ứng phó cần sự quan tâm đặc biệt hơn của chính quyền và người dân.

Khi ngập lụt thì tổn thất về tài sản, tinh thần, sự lo lắng của người ta là rất lớn, nên nó cũng ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính, người cao tuổi. Họ sẽ không duy trì được việc khám sức khỏe thường xuyên nữa, thuốc thang cũng không đầy đủ, trở thành nguy cơ rất lớn. Sau ngập lụt, nhiều người lại đi bệnh viện, tiếp tục gây thiệt hại kinh tế.

Đặc biệt là những vùng nông thôn, những vùng còn nghèo, chỉ cần một tác động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ. Do vậy cần sự trợ giúp của chính quyền, của ngành y tế. Không có thì người ta vẫn chịu đựng được thôi, nhưng Hà Nội thì phải có quỹ phòng, chống lụt bão để đảm bảo cho người dân.

Sau ngập lụt mới liên quan vấn đề vệ sinh và môi trường, vì sau úng ngập, tất cả các loại chất bẩn đều dềnh lên và mới phát tán khắp nơi, từ chuồng trại đến nhà vệ sinh đều hòa trộn với nhau, rất dễ sinh dịch bệnh dịch từ đó.

PV: Ông có thể chia sẻ những lưu ý về việc phòng, chống dịch bệnh tại các vùng ngập lụt?

PGS. TS. Doãn Ngọc Hải: Đầu tiên đương nhiên là con người, quan trọng nhất là không thiệt hại về người, đặc biệt là trẻ em và người già, nguy cơ sụt lún tại các cái hố khi còn nước. Mỗi người dân phải hiểu về những nguy cơ trong và sau quá trình lụt để tự bảo vệ bản thân: thứ nhất là dịch đau mắt, thứ hai là tiêu chảy, vì vậy cần phải lưu ý ăn chín uống sôi, cẩn thận và có thuốc.

Các bệnh mạn tính là y tế cơ sở như các trạm y tế, trung tế y tế - đơn vị quản lý các bệnh không lây nhiễm phải có tác động đến người dân. Thay vì việc hẹn người ta đến khám lại, các bệnh viện có bệnh nhân ở khu vực đấy thì nên gửi thuốc, nhắc nhở người ta.

Cục Quản lý môi trường y tế có trách nhiệm hướng dẫn chung cả nước. Ở Hà Nội thì chỉ đạo Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) về việc dọn dẹp, vệ sinh môi trường, tẩy uế, xử lý các giếng nước và nguồn nước.

Y tế công cộng cũng có các đoàn sinh viên tình nguyện có thể giúp làm sạch môi trường, xuống cùng người dân giải quyết các vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân ăn chín, uống sôi, bảo vệ sức khỏe,…

PV: Xin cảm ơn ông.

Từ khóa: hà nội, hà nội, chương mỹ, quốc oai, ngập lụt, nước lũ, phòng tránh dịch bệnh

Thể loại: Xã hội

Tác giả: vũ loan-minh hiếu/vov giao thông

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan