Nhiều hoài nghi sau việc chặt cây sưa lớn giữa phố cổ trong đêm
Cập nhật: 25/09/2019
Nga đáp trả đòn tập kích của Ukraine, đội ngũ Trump thừa nhận hòa bình xa vời
Hơn 100 sắc lệnh ông Trump sẽ ký trong Ngày nhậm chức gồm những gì?
VOV.VN - Đến nay nhiều người vẫn còn hoài nghi về việc chặt “vội vã” cây sưa lớn, khỏe mạnh trong đêm tại phố cổ Hà Nội
Sau sự việc chặt hạ cây sưa lớn tại phố Thuốc Bắc (Hà Nội) trong đêm 16/8, đến nay người dân khu phố này vẫn chưa hết ngỡ ngàng và xót xa. Điều đáng nói sau sự việc người dân thấy hoài nghi về sự “vội vã” chặt hạ 1 cây sưa gắn với bao kỉ niệm của người dân thậm chí trong những ý tưởng, tác phẩm của cụ Bùi Xuân Phái (nơi cụ từng sinh sống ở số nhà 87 phố Thuốc Bắc).
Cây sưa bị chặt hạ vội vã trong đêm tại phố Thuốc Bắc |
“Cho đến lúc này chúng tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng và xót xa. Cây sưa bị chặt đó hoàn toàn không gặp bất kỳ vấn đề gì, có nghiêng 1 chút nhưng đã có từ rất lâu, từ khi còn bé, rễ cây bám sâu, chắc chắn chứ không phải bật rễ nghiêng do mới chịu tác động từ mưa bão mới đây”, chị Hằng, một người dân ở khu phố cho biết.
Gia đình chị Phương đã trải qua 5 thế hệ sinh sống ở phố Thuốc Bắc cũng ngỡ ngàng đặt câu hỏi: “Cây sưa đó sao lại biến mất? Khi tôi sinh ra cây đó đã ở đây rồi. Cây sưa trước trước khi bị chặt hạ có đường kính khoảng 45cm, là loại sưa đỏ, đang sống khỏe mạnh với những tán lá xanh biếc, nhưng vì lý do gì lại chặt đi? Nếu lo ngại nghiêng đổ thì có thể chỉnh và giữ lại chứ sao lại chặt phăng đi như thế?”.
Cây sưa trước khi bị chặt vào đêm 16/8. |
Sau khi chặt hạ cây sưa trong đêm, sáng sớm người dân mở cửa không hiểu chuyện gì xảy ra, bầu trời trơ trọi, không còn vòm lá xanh che mát cả góc đường. Đâu còn hình ảnh cây sưa trong tranh của nhà danh họa Bùi Xuân Phái. Tuổi thơ của họ, những năm tháng chiến tranh, câu chuyện vui về cây sưa với những trò nghịch dại đốt quả sưa (quả sưa đỏ rất thối) những đêm phố cổ đâu còn nữa.
Người dân trên phố Thuốc Bắc (Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, cơ quan chức năng có nhiều cách xử lý, đặc biệt quan tâm nhiều hơn đến môi trường, cảnh quan và những giá trị mang biểu tượng của người dân.
"Có thể cắt tỉa các cành có nguy cơ gãy đổ sau đó chỉnh phần gốc rồi trồng lại cho đảm bảo chứ không đến nỗi phải chặt hạ toàn bộ, vì bao nhiêu năm trời chăm sóc mới có 1 cây sưa lớn xanh mát như vậy", một người dân nói.
Tán lá cây sưa trước khi bị chặt. |
Liên quan đến vụ việc này, ông Hà Duy Mạnh - Trưởng Công an phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, do thời gian qua trên địa bàn có mưa to gió lớn nên cây sưa trên phố Thuốc Bắc có hiện tượng nghiêng, vẹo có nguy cơ gãy đổ.
"Ngày hôm qua tôi trực chỉ huy đã trực tiếp báo với chỉ huy quận Hoàn Kiếm và báo cho lãnh đạo UBND phường Hàng Bồ, sau đó đồng chí Chủ tịch và Bí thư phường Hàng Bồ đã liên hệ với công ty cây xanh. Đến đêm 16/8, công ty cây xanh đã xuống tiến hành chặt hạ và có biên bản thu hồi đầy đủ, cây được chuyển về xử lý theo quy định", ông Mạnh cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết đơn vị nhận được thông tin từ UBND phường Hàng Bồ có cây sưa trên phố Thuốc Bắc bị nghiêng ngả và có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm cho người dân.
Người dân phố Thuốc Bắc không khỏi ngỡ ngàng và xót xa với những gì còn lại. |
"Ngay sau đó chúng tôi có phối hợp làm việc với 4 bên là chính quyền, ban duy tu, công an và UBND phường Hàng Bồ thống nhất cách xử lý chứ không phải chúng tôi tự làm việc này. Cây được chuyển về nhà kho của thành phố Hà Nội để xử lý theo chỉ đạo của TP Hà Nội, tuy nhiên khả năng cao sẽ là đấu giá theo quy định" - ông Nguyễn Đức Mạnh thông tin.
Gỗ sưa đỏ, một số nơi gọi là gỗ huê, gỗ huỳnh, gỗ trắc là gỗ thuộc nhóm IA trong sách đỏ Việt Nam, cấm khai thác vì mục đích thương mại từ năm 1994.
Lâu nay sưa được người dân ví như báu vật, “khối vàng lộ thiên” bởi mức giá đắt đỏ. Đặc biệt với loại sưa đỏ, cây 20 năm tuổi trở lên có giá hàng chục tỷ đồng, thậm chí đối với những cây cổ thụ có thể được trả giá cả trăm tỷ.
Đơn cử như 2 cây sưa đỏ quý hiếm có giá cả trăm tỷ đồng tại chùa Phụ Chính (Chương Mỹ, Hà Nội). Ông Vũ Văn Tuyến - Trưởng thôn Phụ Chính mới đây cho biết thôn Phụ Chính đã gửi văn bản tới Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư Pháp Hà Nội) thống nhất "chốt" về giá bán, thời gian diễn ra đấu giá.
Một cây xanh mới được trồng vào vị trí cây sưa bị chặt. |
Theo ông Tuyến, về mức giá gỗ sưa gần như không thay đổi, cụ thể số rễ cây sưa sẽ được bán với giá sàn (mức thấp nhất) là 6,5 triệu đồng/kg.
Thân cây sưa sẽ được phân thành các loại giá sàn khác nhau theo chất lượng gỗ: loại 32 triệu đồng/kg; loại 28 triệu đồng/kg; loại 22 triệu đồng/1kg; loại 15 triệu đồng/kg.
Dự kiến khoảng 1 tuần nữa, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản sẽ bắt đầu bán hồ sơ mời các cá nhân doanh nghiệp tham gia phiên đấu giá. Đến khoảng đầu tháng 9/2019, sẽ diễn ra buổi đấu giá toàn bộ số gỗ sưa thu được.
Theo quy định về đấu giá thì người tham gia đấu giá sẽ phải đặt cọc tối thiểu từ 1,5 tỷ đồng đến 9,8 tỷ đồng tùy vào nhóm gỗ sưa khi tham gia đấu giá.
Trước đó, sáng 27/1/2019, người dân trong thôn Phụ Chính cùng lực lượng chức năng chặt hạ 2 cây sưa trong chùa Phụ Chính. 2 cây sưa, một cây có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm, 130 năm tuổi. Một cây khác cũng có chiều cao hơn 10m, đường kính khoảng 80cm, khoảng gần 100 năm tuổi.Người dân thôn Phụ Chính cho biết họ đã có nguyện vọng được bán cây sưa đỏ này từ lâu vì vài năm gần đây cây có hiện tượng bị khô, mục./.
Từ khóa: cây sưa, sưa tặc, chặt cây, sưa đỏ, gỗ sưa
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN