Nhiều dự án lớn ngành Công Thương làm sáng bức tranh kinh tế

Cập nhật: 28/12/2019

VOV.VN - Năm 2019, nhiều dự án lớn ngành Công Thương đi vào hoạt động và cho ra sản phẩm đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Công Thương diễn ra sáng 27/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2019, toàn ngành Công Thương đã đạt được kết quả rất tích cực và toàn diện khi cả 12/12 mục tiêu chung của Chính phủ đề ra đều đã đạt được và vượt mức.

Công nghiệp giảm phụ thuộc vào khối FDI

Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng9,1%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra (tăng 9%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà tăng trưởng (ước tăng 10,5% so với năm 2018), phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.

Đặc biệt, năm 2019 đánh dấu sự tăng trưởng đồng đều trong sản xuất của các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Năng lực sản xuất của khối doanh nghiệp trong nước đã vươn lên đóng góp tích cực cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp, giảm dần sự phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI.

cong nghiep thuong mai 2019 co nhieu khoi sac hinh 1
Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Công Thương.

Nêu bật sự đột phá của phát triển công nghiệp năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nhiều dự án lớn của ngành đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm đã có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành như ự án thép Formosa Hà Tĩnh; Nhà máy sản xuất ô tô VinFast và nhiều dự án lắp ráp ô tô lớn tại Việt Nam.

“Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ và doanh nghiệp trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô, đón đầu xu thế hội nhập quốc tế, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá.

Bên cạnh những kết quả nổi bật đạt được, Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, đóng góp vào tăng trưởng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp năm 2019 giảm nhẹ so với năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu do kinh tế toàn cầu suy giảm, nhu cầu tiêu thụ nhiều sản phẩm giảm, trong đó có sản lượng điện thoại di động giảm; ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự đáp ứng tốt được yêu cầu mục tiêu đề ra...

Xuất siêu kỷ lục gần 10 tỷ USD

Năm 2019, hoạt động thương mại của ngành Công Thương tăng trưởng mạnh mẽ, kim ngạch hai chiều đạt mức trên 500 tỷ USD. Cán cân thương mại của Việt Nam ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục 9,94 tỷ USD, góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Tuy nhiên, khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Điểm sáng trong “bức tranh” xuất khẩu năm 2019 chính là xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt, khi kim ngạch xuất khẩu của khối này đạt 82,1 tỷ USD, tăng 17,7%; cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô, đạt 4,2%).

Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cũng đánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam còn không ít tồn tại. Điển hình là kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm do gặp khó về thị trường và giá bán. Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Một số ngành vốn tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu ở những năm trước đã không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Bên cạnh đó, dù đã và đang rất tích cực, chủ động xử lý có hiệu quả các vấn đề trong tranh chấp và phòng vệ thương mại của các thị trường nhập khẩu, song Bộ Công Thương chỉ rõ, tình hình thế giới đang có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các nước ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn.

cong nghiep thuong mai 2019 co nhieu khoi sac hinh 2
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị.

Nhiều giải pháp đồng bộ cho kế hoạch năm 2020

Năm 2020, Bộ Công Thương đặt ra đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 9 - 10% so với năm 2019. Mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2019; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 2%.

Để làm được điều này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, Bộ Công Thương cần xác định tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành Công Thương.

Đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành Công Thương theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Công Thương.

Thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, đồng thời tích cực chuẩn bị trong nước cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới. Xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước. Nhanh chóng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, gian lận xuất xứ…

Đặc biệt, sự phát triển của thương mại điện tử và kinh tế số gia tăng nhanh quy mô thị trường trên không gian mạng, tạo môi trường rộng lớn hơn cho các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển. Đó cũng là những nội dung lớn mà hệ sinh thái khởi nghiệp đang được Chính phủ tập trung mạnh mẽ và cần những nội hàm, nội dung cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ thương mại trong vai trò quản lý nhà nước của ngành Công Thương.

“Ngành Công Thương phải thực sự đạt được chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình nâng cao năng suất, chất lượng của nền kinh tế đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và quá trình chuyển đổi số. Trong đó, chuyển đổi số của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ là nền tảng và vai trò quan trọng để đảm bảo Việt Nam tránh được bầy thu nhập trung bình, tạo điều kiện cho đất nước phát triển mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ./.

Từ khóa: bộ công thương, sản xuất công nghiệp 2019, thương mại việt nam 2019, quản lý thị trường, hiệp định thương mại tự do

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập