Nhiều dự án bất động sản ở Pleiku có dấu hiệu lừa đảo

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Tình trạng "bát nháo" trong triển khai các dự án bất động sản ảnh hưởng tới diện mạo, quy hoạch chung của phố núi Pleiku.

Chi hàng trăm triệu đồng để mua đất tại các dự án dân cư ở thành phố Pleiku (Gia Lai), nhưng không thể xây dựng, không nhận được sổ đỏ, một lô đất bán cho nhiều chủ dẫn đến tranh chấp. Đó tình cảnh éo le của rất nhiều người dân tại Gia Lai. Tình trạng bát nháo trong triển khai các dự án bất động sản còn ảnh hưởng tới diện mạo, quy hoạch chung của phố núi Pleiku.

Năm 2009, nghe thông tin công ty TNHH Thương mại Quang Vinh I chi nhánh Gia Lai (gọi tắt là Công ty Quang Vinh I) bán dự án khu nhà ở Phú An (xã Diên Phú, Pleiku), gia đình ông Nguyễn Hữu Quốc (phường Diên Hồng, Pleiku) liên hệ mua 2 lô, trị giá 480 triệu đồng. Hợp đồng giữa 2 bên là hợp đồng bán nhà, nhưng thực chất, tiền ông Quốc nộp là tiền đất nền và phải tự bỏ tiền xây dựng nhà theo thiết kế doanh nghiệp cung cấp. Ngược lại, công ty Quang Vinh cam kết sẽ hoàn thiện hạ tầng thiết yếu để khách hàng sinh hoạt thuận lợi.

nhieu du an bat dong san o pleiku co dau hieu lua dao hinh 1
Thành phố Pleiku. (Ảnh: Báo Gia Lai)

Tuy nhiên, nhiều tháng, nhiều năm trôi qua, vì thấy hạ tầng dự án chưa đảm bảo, nên ông Quốc chưa xây nhà. Năm 2016, gia đình ông nhận được thông báo đơn phương thanh lý hợp đồng từ Công ty Quang Vinh I. Lý do đưa ra là ông Quốc quá thời hạn cam kết xây nhà. Sợ mất đất, ông Quốc tới trụ sở chi nhánh thương lượng gia hạn xây dựng đến 7/2017 và được nhân viên công ty xác nhận chấp thuận bằng văn bản. Nhưng, tháng 9/2016, ông Quốc tá hoả phát hiện doanh nghiệp đã bán lô đất của mình cho một người khác với mức giá cao hơn gấp gần 3 lần số tiền ông bỏ ra.

Trường hợp của gia đình ông Quốc không phải cá biệt. Tới nay, công ty Quang Vinh I đã gửi thông báo đơn phương thanh lý hợp đồng tới hơn 100 khách hàng, phần lớn là khách mua đất mặt đường lớn, nơi giá đất sốt lên từng ngày. Theo đó, doanh nghiệp yêu cầu khách hàng nhận tiền mua gốc, cộng thêm 8% lãi suất năm (lãi suất ngân hàng), hoặc hoán đổi 1 lô đất khác.

Bà Nguyễn Thị Sang (đường Trần Quang Khải, Pleiku), một khách hàng mua 3 lô đất tại đây đang bị “o ép” thanh lý hợp đồng bức xúc:“Công ty nói là phải giải quyết lô D3-01 xong thì mới giải quyết cho tôi xây nhà ở những lô còn lại. Không lấy tiền thì đổi đất khác. Tôi cùng đồng ý, nhưng chỉ nói miệng, không giải quyết. Thực tế, đã có những lô của tôi bị bán cho người khác, người khác đã xây nhà. Nên tôi rất lo.”

Còn tại khu dân cư Cầu Sắt (đường Cách Mạng Tháng Tám nối dài, xã Trà Đa, Pleiku) do Công ty Cổ phần phát triển nhà VK Land làm chủ đầu tư, chị Hồ Thị Phương Mai và khoảng 40 hộ dân khác mua đất, làm nhà cũng mệt mỏi không kém. Chị Mai cho biết, đã 6 năm nay kể từ khi chị chuyển về đây sinh sống, hạ tầng thiết yếu như điện, nước dự án vẫn chưa được hoàn thiện. 40 nóc nhà rải rác trên 36 ha nên an ninh trật tự không đảm bảo, nhà không số, phố không tên. Đi kèm với đó là hàng loạt bất tiện trong cuộc sống.

Trong giai đoạn từ 2003-2010, UBND tỉnh Gia Lai đã cấp quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho nhiều doanh nghiệp thực hiện các dự án dân cư nhằm mở rộng và chỉnh trang đô thị Pleiku. Điển hình là Công ty TNHH Quang Vinh I, công ty TNHH phát triển nhà VK Hightland (nay là Vk Land), Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp FBS thực hiện trên dưới chục dự án dân cư, trung tâm thương mại. Theo đó, doanh nghiệp được tỉnh giao mặt bằng sạch, giao đất không qua đấu giá, hưởng ưu đãi thuế. Đáp lại doanh nghiệp phải thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng, xây nhà rồi mở bán.

Tuy nhiên, thực tế, từ đó tới nay, chưa có doanh nghiệp nào thực hiện đầy đủ cam kết với tỉnh. Tình trạng chung là hạ tầng không hoàn thiện, trường học, công viên đều chưa được thực hiện, thậm chí bị gạt ra khỏi quy hoạch sau những lần xin điều chỉnh. Dù chưa đủ điều kiện mở bán dự án, nhưng để ăn sái nguồn lợi khủng từ thị trường, hầu hết các doanh nghiệp đều ký hợp đồng bán đất nền thông qua các hợp đồng góp vốn xây dựng nhà. Điều này đã được chỉ ra tại các đợt giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai và Kết luận số 2834/TB-TTCP tháng 11/2014 của Thanh tra Chính phủ.

Ông Lưu Văn Thanh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai nhận định, sự bát nháo của thị trường bất động sản tại Pleiku hiện nay đang khiến lòng tin của người mua dự án bị giảm sút, ảnh hưởng tới các dự án mới; mục tiêu phát triển đô thị Pleiku đang bị kéo chậm lại.

Ông Lưu Văn Thanh cho biết: “Mục đích của tỉnh là xây dựng khu đô thị đẹp, thành phố đẹp. Nhà nước có đô thị, nhà đầu tư có lợi nhuận, người dân thì có đầy đủ hạ tầng cơ sở hơn, ngân sách nhà nước có thu. Nhưng thực tế, các nhà đầu tư đều tìm cách lách luật mang lợi ích lớn nhất cho mình. Các dự án kéo dài khiến đô thị nham nhở.”

Sự hỗn loạn mà các doanh nghiệp bất động sản tại Pleiku tạo ra thực sự đã trở thành vấn đề nóng, khi mà nhiều người dân có nguy cơ mất đất, mất tiền./.

Từ khóa: dự án bất động sản, lừa đảo, pleiku, phố núi, sổ đỏ

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập