Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam tìm đối tác cung ứng sản phẩm

Cập nhật: 25/09/2019

Doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn tìm được các nhà cung ứng phù hợp và lâu dài từ phía Việt Nam trong phát triển công nghiệp phụ trợ.

Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là mong muốn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Những năm qua, hoạt động kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu vẫn đang được nhiều cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành hàng Việt Nam chú tâm và xúc tiến. Mục đích nhằm đưa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam bắt kịp và duy trì được đầu mối cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn trong nước cũng như các doanh nghiệp sản xuất toàn cầu.

nhieu doanh nghiep han quoc den viet nam tim doi tac cung ung san pham  hinh 1
Đại diện các doanh nghiệp Hà Nội trao đổi hợp tác với các doanh nghiệp phía Hàn Quốc.
Tại buổi giao thương kết nối các doanh nghiệp Hàn Quốc đang sở hữu công nghệ tiên tiến tại Hàn Quốc về IOT, công nghệ chế tạo cũng như môi trường, lĩnh vực điện tử, sản xuất ô tô, tự động hóa diễn ra ngày 13/15, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã bày tỏ mong muốn tìm được các nhà cung ứng phù hợp của Việt Nam, từ đó có thể hợp tác đầu tư làm ăn lâu dài, nâng cao giá trị chuỗi cung ứng sản phẩm phụ trợ của Việt Nam, tạo dấu ấn khởi sắc trên thị trường toàn cầu.

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA), kiêm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SCSI) cho biết, Hiệp hội đang quy tụ hơn 200 doanh nghiệp hội viên, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội và Việt Nam. Hiệp hội mong muốn thúc đẩy hợp tác với các tổ chức, Hiệp hội để tiếp cận các công nghệ mới cũng như thúc đẩy việc mua - bán linh phụ kiện ngành công nghiệp hỗ trợ từ nước ngoài tăng cường đầu tư, hợp tác.

Theo ông Vân, trong số 7 doanh nghiệp phía Hàn Quốc có mặt tại Hội thảo ngày 13/12, HANSIBA đã nhìn thấy ngay những doanh nghiệp tiềm năng từ phía Hàn Quốc và rất mong muốn hợp tác, đó là công ty Umain; Công ty Won ST. Hiệp hội đã có cuộc làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp này và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, HANSIBA vẫn mong muốn phía KITIA hỗ trợ để hai bên đạt được những thỏa thuận tích cực, hướng đến việc đầu tư cùng các doanh nghiệp của Việt Nam.

“Riêng SCSI đang sở hữu Khu công nghiệp Techno Việt Nam – Hàn Quốc rộng hơn 600 ha, từ đây trung tâm rất mong muốn các doanh nghiệp hỗ trợ Hàn Quốc tìm hiểu trực tiếp và mở rộng đầu tư vào khu công nghiệp này”, ông Vân cho biết.

Theo ông Ngô Minh Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV TP Hà Nội (TAC Hanoi), trong rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương, kết nối kinh doanh, hợp tác đầu tư… TAC Hanoi luôn xác định là đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường đầu tư, kết nối cho doanh nghiệp, thể hiện sự quan tâm thiết thực của Chính phủ cũng như chính quyền TP Hà Nội đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hỗ trợ trên địa bàn có điều kiện phát triển.

“Hà Nội hiện có gần 256.000 doanh nghiệp đăng kí hoạt động, trong đó đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp. Do đó, Hà Nội luôn là môi trường rộng lớn, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cùng nhu cầu hợp tác, giao thương cao. Vì thế, Hà Nội những năm qua luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và hỗ trợ đầu tư”, ông Toàn nói.

nhieu doanh nghiep han quoc den viet nam tim doi tac cung ung san pham  hinh 2
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc kí kết hợp tác quan trọng trong đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ vào TP Hà Nội.
Cũng theo ông Toàn, TAC Hanoi là cơ quan đầu mối thực hiện triển khai các kế hoạch, chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Khi phối hợp với Hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc (KITIA) với mong muốn các doanh nghiệp tham dự có cơ hội tiếp cận các sản phẩm công nghệ tiên tiến, có tính ứng dùng cao để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh qua hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp sẽ trở thành bạn hàng lâu dài, bền vững và có chỗ đừng trong chuỗi sản xuất toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Tại hội thảo, ông Jung Gyu Myoung, Giám đốc Hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc (KITIA) khẳng định, để đáp ứng xu hướng hợp tác toàn cầu ngày nay đối với Việt Nam, Hàn Quốc đưa đến 7 doanh nghiệp hàng đầu về các lĩnh vực tài chính, công nghệ cũng như công nghiệp hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm được cơ hội hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang sở hữu các quy trình công nghệ tiên tiến. Đó sẽ là tiền đề giúp mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước đi vào chiều sâu, vì sự phát triển chung của các doanh nghiệp hai nước.

“KITIA sẽ nỗ lực hết sức để có thể đóng góp vào sự phát triển chung của hai quốc gia trên mọi lĩnh vực như về vốn, kỹ thuật, công nghệ cũng như giao lưu thương mại giữa hai nước, đưa mối quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc lên tầm cao mới trong đó có sự thịnh vượng chung của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Jung Gyu Myoung khẳng định./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Từ khóa: công nghiệp hỗ trợ, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp hà nội, doanh nghiệp hàn quốc, công nghiệp phụ trợ,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập