Nhiều doanh nghiệp "chuyển mình" qua dịch Covid-19

Cập nhật: 04/10/2020

VOV.VN - Nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy cơ hội lớn từ trong dịch Covid-19, tự mình xoay chuyển ngành nghề kinh doanh để tồn tại trong hoàn cảnh mới.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) nói chung, DN lĩnh vực ngành công nghiệp hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN đã bị thiếu hợp đồng sản xuất dẫn đến có nơi phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động do nguồn cung nguyên liệu bị đứt gãy…

Nhưng cũng chính trong bối cảnh khó khăn này, nhiều DN ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) lại coi đây là một cơ hội lớn, tự mình xoay chuyển ngành nghề kinh doanh cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Bước “chuyển mình” của nhiều DN ít nhiều đã đạt được những thành công khi có sự chung sức sáng tạo, sản xuất các sản phẩm thị trường có nhu cầu bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng.

Doanh nghiệp biến “nguy” thành “cơ”

Được đánh giá là DN khá thức thời trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CITECHI (CITECHI Group) đã nghiên cứu và trực tiếp sản xuất sản phẩm nước tẩy rửa an toàn Xwash dựa trên công nghệ điện phân nước tinh khiết của Nhật Bản. Sản phẩm được đánh giá cao và trở nên có ý nghĩa quan trọng cho người tiêu dùng kịp thời sát khuẩn các vật dụng trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Ông Ngô Long, Tổng Giám đốc công ty chia sẻ, với một dòng sản phẩm mang tính đột phá trong ngành tẩy rửa giá trị 4,71 tỷ USD, nên thời gian đầu là thách thức rất lớn đối với đội ngũ nhân viên, hệ thống đối tác để có giải pháp tiếp cận và đưa Xwash đến với người tiêu dùng.

“Qua quá trình trải nghiệm thực tế và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng, DN tin rằng thời gian tới người tiêu dùng trong và ngoài nước sẽ có những thay đổi nhất định về nhận thức, từ đó thêm tự tin đón nhận các dòng sản phẩm mới của công ty”, ông Long tự tin cho biết.

Là doanh nghiệp đặc thù chuyên thiết kế, thi công các chi tiết, linh phụ kiện cho các DN sản xuất khuôn đúc thép nhựa, kim loại,… Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC (HNC) thời gian qua cũng gặp vô vàn nhiều khó khăn. Khởi nghiệp đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến sản lượng đơn hàng của DN bị chững lại, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả tập thể cố gắng vượt qua khó khăn để đảm bảo sản xuất.

Giám đốc Công ty HNC - ông Nguyễn Minh Châu chia sẻ, đến thời điểm này có thể nói DN tạo được một “kì tích” khi mọi người đã cùng nhau đưa công ty vượt qua bão dịch. Bí quyết chính là sự sáng tạo và đoàn kết trong bất kể hoàn cảnh nào.

“Trong thời gian tới, DN vẫn ấp ủ được mở rộng sản xuất nhưng vẫn đang gặp khó khăn về mặt bằng vì chi phí thuê khá cao. Chính vì thế, DN rất mong có chính sách hỗ trợ tạo thuận lợi cho DN tập trung nguồn lực cho phát triển, từ đó thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất lao động tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh, giảm giá thành phù hợp hơn với nhu cầu thị trường”, ông Châu mong muốn.

Tận dụng cơ hội, chia sẻ lợi ích

Trong cao điểm của ảnh hưởng của Covid-19, việc giao thương với nước ngoài khó khăn, nhiều DN đã phải đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, qua đó thúc đẩy nhu cầu sử dụng sản phẩm trong nước của người dân bằng cách quảng bá sản phẩm tốt, giá hợp lý để kích cầu tiêu thụ.

Theo bà Lê Thị Mỹ Dung, Giám đốc điều hành Công ty Khử trùng công nghệ cao Biotech Việt Nam, các DN đôi khi phải xoay chuyển kinh doanh để phù hợp thực tế. Nếu DN tiếp tục kinh doanh mặt hàng cũ, cách thức cũ có thể sẽ thất bại. Nghĩa là có DN phải chuyển đổi sang các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, hoặc chuyển sang kinh doanh online, kinh doanh số hay ship hàng để tránh nguy có lây nhiễm Covid-19...

“Thị trường sản phẩm khử khuẩn và làm sạch đã bị bỏ ngỏ khá lâu, ngay như Biotech Việt Nam cũng làm lĩnh vực này 10 năm trước song người tiêu dùng chưa mặn mà, nhưng chỉ đến khi dịch Covid-19 bùng phát thì người tiêu dùng mới sử dụng nhiều. Đây cũng có thể là cơ hội tốt cho những DN hoạt động trong lĩnh vực như Biotech Việt Nam”, bà Dung nhận định.

Đánh giá cao sự liên kết sản xuất và tiêu thụ trong bối cảnh khó khăn, bà Dung cho rằng, khi có sự liên kết và phối hợp, các DN tham gia sẽ có dịp chia sẻ cơ hội, kết hợp cùng phát triển. Để làm được điều này theo bà Dung, vai trò của các Hiệp hội rất là quan trọng trong kết nối, trước tiên trong cùng nội khối có nhu cầu chéo, sau đó là với các DN bên ngoài, giới thiệu sản phẩm của các đơn vị thành viên.

Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA), thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ về triển khai “mục tiêu kép” vừa đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội, mỗi người dân, từng DN, doanh nhân đã nỗ lực bảo đảm thực hiện nghiêm túc. Trong đó, triển khai các biện pháp đồng bộ, thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc trong thời kỳ dịch Covid-19.

Để đồng hành cùng DN, ông Vân cho hay, hiện HANSIBA đang phối hợp với N&G GROUP kiến nghị với Trung ương và TP Hà Nội xin cơ chế kinh phí để rót lại cho chủ đầu tư bỏ vốn ra GPMB, nhằm giảm chi phí thuê mặt bằng hỗ trợ cho các DN mới vào khu công nghiệp có nhà xưởng để sản xuất kinh doanh, giống như đã hỗ trợ cho các khởi nghiệp ngành nông nghiệp, thực phẩm...

“Hiệp hội sẽ tập hợp và đồng hành cùng các DN kiến nghị các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Cùng với đó, Hiệp hội cũng đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng, kết nối ciúp DN có thể dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn mới. Bên cạnh đó, thúc đẩy hợp tác với DN nước ngoài tiếp thu các ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới phục vụ nhu cầu nhu cầu sản xuất kinh doanh”, ông Vân nói./.

Từ khóa:

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập