Nhiều địa phương "quay xe" cho học sinh học trực tuyến

Cập nhật: 21/02/2022

[VOV2] - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số lượng học sinh mắc Covid-19 tăng nhanh, một số địa phương đã tạm dừng việc cho học sinh đến trường, chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến.

Tỉnh Phú Thọ: Ngày 20/2, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo, tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục tiểu học, trung học cơ sở từ ngày 21/2/2022 cho đến khi có thông báo mới.

Đối với giáo dục mầm non, căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục tiếp tục phối hợp với phụ huynh để thống nhất phương án chăm sóc trẻ đảm bảo an toàn; tạo điều kiện để phụ huynh tham gia lao động, sản xuất.

Ở cấp học giáo dục trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên, căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện thực tế, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành chỉ đạo các đơn vị quyết định hình thức dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến đối với từng lớp, khối lớp hoặc toàn trường cho phù hợp.

Tỉnh Vĩnh Phúc: Ngày 19/2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành văn bản số 957/UBND-VX2 về đảm bảo an toàn cho học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và tình hình thời tiết rét đậm, rét hại.

Theo đó, tỉnh cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở chuyển trạng thái từ học tập trực tiếp sang trực tuyến từ ngày 21/2.

Các trường mầm non tiếp tục mở cửa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, tạo điều kiện để phụ huynh yên tâm lao động, sản xuất. Các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên duy trì dạy học trực tiếp, đồng thời tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh thuộc diện F0, F1, kể cả học sinh có yếu tố bệnh nền nếu phụ huynh có yêu cầu và đảm bảo các điều kiện học tập hiệu quả.

Tỉnh Tuyên Quang: Ngày 19/2/2022, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng ban hành công văn chỉ đạo về phương án dạy học trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn các huyện Sơn Dương, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang sẽ cho trẻ em mầm non nghỉ học từ ngày 21/2/2022 cho đến khi có thông báo mới; học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên học trực tuyến; riêng học sinh lớp 9 và lớp 12 tổ chức dạy học theo phương án số 02 ngày 6/11/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang.

Đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Na Hang, Lâm Bình tổ chức dạy học theo phương án số 02 ngày 6/11/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang.

Trước đó, qua xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho hơn 39.000 cán bộ, giáo viên, học sinh các cấp học trên địa bàn một số huyện, thành phố của tỉnh Tuyên Quang bước đầu phát hiện 93 ca F0, chủ yếu là học sinh.

Tỉnh Hưng Yên: Ngày 20/2, Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên có văn bản số 269 điều chỉnh thời gian, phương án tổ chức dạy học đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 đối với trẻ em mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tới trường học trực tiếp. Cụ thể:

Chưa tổ chức dạy học trực tiếp, tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh từ lớp 2 đến lớp 6.

Chưa cho trẻ mầm non đến trường, tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn phụ huynh học sinh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.

Việc tạm dừng đến trường đối với trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 được thực hiện từ ngày 21/02/2022 cho đến khi có thông báo mới.

Các đơn vị quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương, trong trường học để có giải pháp tiếp tục tổ chức dạy học linh hoạt, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 đối với học sinh từ lớp 7 đến lớp 12.

Tỉnh Đắk Lắk: 20-2, UBND TP Buôn Ma Thuột đã có công văn hỏa tốc về việc cho học sinh từ bậc mầm non đến lớp 6 tạm dừng việc học trực tiếp, trở lại học online.

Như vậy, sau 1 tuần triển khai học trực tiếp cho nhóm học sinh này (bắt đầu từ 14-2), TP Buôn Ma Thuột buộc phải cho học sinh quay lại học trực tuyến như học kỳ 1.

Tỉnh Lào Cai: Ngày 18/2, UBND tỉnh quyết định dừng việc dạy và học trực tiếp đối với tất cả các cấp học trên địa bàn TP. Lào Cai từ ngày 19.2 cho đến khi có thông báo mới.

Theo báo cáo, trong 3 ngày từ 16 – 18/2, trên địa bàn tỉnh Lào Cai ghi nhận 2.899 ca mắc mới. Trong đó, TP.Lào Cai ghi nhận 1.315 ca.

Thành phố Hà Nội: Ngày 18/02, UBND Hà Nội đã đồng ý đề xuất của Sở GD-ĐT về việc tạm dừng phương án cho học sinh các khối lớp 1,2,3,4,5,6 thuộc 12 quận trở lại trường học tập trực tiếp đến khi có thông báo mới của thành phố.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, trong thời gian gần đây tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng tăng, cùng với đó theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các nơi thuộc Bắc Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh nên khu vực Hà Nội sẽ có những ngày rét đậm, rét hại dẫn đến việc cha mẹ học sinh còn băn khoăn lo lắng khi cho con đến trường, tỷ lệ đồng thuận của cha mẹ học sinh chưa cao trong việc cho con em trở lại trường học trực tiếp.

Do vậy, để đảm bảo an toàn, Sở GD-ĐT đề nghị UBND thành phố cho phép tạm dừng phương án cho học sinh các khối lớp 1,2,3,4,5,6 thuộc 12 quận trở lại học tập trực tiếp. Đề xuất này của Sở GD-ĐT đã được UBND thành phố chấp thuận.

Tỉnh Quảng Ninh: Những ngày qua, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận hàng nghìn ca F0 mỗi ngày, trong đó, số F0 là học sinh và giáo viên tăng nhanh. Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại, tỉnh Quảng Ninh tạm thời cho trẻ mầm non nghỉ học từ 21/2 đến hết 25/2.

Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng lưu ý các cơ sở giáo dục mầm non, khi thông báo chủ trương này đến cha mẹ/phụ huynh trẻ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của cha mẹ/phụ huynh trẻ, nếu gia đình trẻ nào do không có người chăm sóc, trông coi trẻ ở nhà và có nguyện vọng vẫn đưa trẻ đến trường thì cơ sở giáo dục phải bố trí đón trẻ đến trường và tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ đảm bảo an toàn.

Đối với cấp Tiểu học sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa bàn và trong cơ sở giáo dục của đơn vị mình, Hiệu trưởng xem xét và quyết định tạm thời cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang học trực tuyến từ 21/2 đến hết 25/2 để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) toàn ngành ghi nhận: 162.917 cán bộ, nhân viên, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm COVID-19 (trong đó cán bộ, giáo viên: 27.677 người; trẻ em, học sinh-sinh viên: 135.244 em).

Đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm Covid-19 tăng mạnh gồm: Hải Phòng 9.649 ca (chiếm 1,76%), Hà Tĩnh 675 ca (chiếm 0,24%), Nghệ An 298 ca (chiếm 0,08%), Thanh Hoá: 2.359 ca...

Thực tế này dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến vì phát hiện có ca F0 trong cán bộ, giáo viên và học sinh. Một số ít địa phương chưa quyết định mốc thời gian cụ thể cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học đến trường.

Từ khóa: Học sinh, nhiễm Covid-19, quay xe, học trực tiếp, học trực tuyến, dịch Covid-19, F0 học sinh, trẻ em nhiễm Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập