Nhiều đại biểu bị phê bình ít phát biểu nhưng có khi họ nhấn nút chậm

Cập nhật: 24/10/2022

VOV.VN - Thảo luận về thời lượng phát biểu của đại biểu Quốc hội, đại biểu Lê Minh Trí đề nghị khi cần thiết chủ tọa có thể linh hoạt cho thêm thời gian, đảm bảo quyền của đại biểu.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết Nội quy kỳ họp Quốc hội chiều 24/10, nhiều đại biểu quan tâm đến thời lượng phát biểu của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Lê Minh Trí (đoàn TP.HCM) đồng tình với việc tiết giảm thời gian hỏi đáp để nhiều đại biểu có thể phát biểu tại kỳ họp cũng như chất vấn, trả lời chất vấn. Nhưng nếu chốt dưới 1 phút cho hỏi và dưới 3 phút cho trả lời, theo ông Trí đó là “phần cứng” nhưng vẫn phải có “phần mềm”, tuỳ nội dung, nội hàm chất vấn, chủ toạ quyết định tối đa không quá 5 phút.

“Tôi nghĩ mở ra cơ chế đó chủ toạ quyết, chứ nếu quy định “cứng” cứ hết 3 phút teng một cái thì không ai quyết gì cả. Ví dụ như ngành của tôi, nếu các đồng chí hỏi Viện trưởng thực hiện những giải pháp, biện pháp gì để chống oan sai, chống bỏ lọt mà bảo tôi trả lời 3 phút thì không trả lời được. Do nội dung câu hỏi, có thể hỏi rất ngắn nhưng trả lời bằng chết, có khi câu hỏi dài trả lời 1 câu thôi vẫn trả lời được. Tôi đề nghị nên có “phần mềm” là người điều hành có thể quyết định nhưng không quá 5 phút thì thuyết phục hơn”, ông Trí nêu quan điểm.

Cũng liên quan đến trách nhiệm phát biểu cũng như chất vấn của đại biểu, ông Lê Minh Trí cho rằng nhiều đại biểu phát biểu tốt, chất vấn tốt, làm cho không khí, thông tin tốt lên, dân chúng, cử tri theo dõi cũng hài lòng. “Nhưng với tình trạng vừa mới bắt đầu, chưa nhấn đã kín hết rồi thì có gì đó không nghiêm túc. Tôi tính phát biểu nhưng thấy thế tôi sẽ không bao giờ phát biểu nữa”.

Nêu quan điểm như vậy, ông Trí cho rằng đưa ra cơ chế, trường hợp cần thiết, chủ toạ sẽ điều chỉnh thời gian chất vấn và phát biểu phù hợp để bảo đảm quyền của đại biểu. Dẫn lời một nữ đại biểu cho biết khi nữ đại biểu nhấn nút đăng ký đã tới số 20, giả sử chậm chút nữa thì không phát biểu được, nhưng không ai biết phát biểu trước hay phát biểu sau nội dung phát biểu nào đáp ứng được yêu cầu của phát biểu, chất vấn đó cả.

Vì thế, theo đại biểu Lê Minh Trí, cần phải có khoảng mở, khi cần thiết, chủ toạ có thể kéo dài thời gian chất vấn, trả lời chất vấn hoặc phát biểu của đại biểu, để bảo đảm quyền của họ. Nếu không đồng chí nào thận trọng, khiêm tốn thì chắc có khi không phát biểu nhưng lại bị cử tri phê bình là đại biểu không phát biểu trong khi có thể họ nhấn nút chậm.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, ngay từ đầu phiên họp, qua số lượng đăng ký phát biểu, người điều hành phiên họp đã có thể ước lượng được thời lượng cần thiết cho mỗi lần phát biểu để đảm bảo phiên họp diễn ra đúng theo thời gian dự định và mỗi đại biểu đều có quyền phát biểu ngang nhau.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung kiến nghị, người điều hành phiên thảo luận nên giới hạn thời gian phát biểu của các đại biểu ngay từ đầu phiên họp, tránh trường hợp các đại biểu phát biểu đầu giờ có thời lượng phát biểu dài hơn các đại biểu phát biểu sau.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn TP Cần Thơ) cho rằng thời gian chất vấn từ 2 phút xuống 1 phút là quá ngắn nên các đại biểu nêu chung chung, không có đề dẫn nên khó hỏi. Như vậy liệu chất lượng câu hỏi có tăng được không?

“Tôi qua tâm chất lượng câu hỏi hơn là số lượng được hỏi. Nên giữ nguyên 2 phút để có câu hỏi sâu sắc hơn”, đại biểu Hùng nêu quan điểm./.

Từ khóa: nội quy kỳ họp Quốc hội, thảo luận nội quy kỳ họp quốc hội, kỳ họp thứ 4 quốc hội khóa 15

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập