Nhiều công trình ngăn mặn, trữ ngọt hàng chục tỷ đồng chưa hiệu quả
Cập nhật: 06/03/2020
VOV.VN - Do nước mặn xâm nhập sâu và bất thường, việc khép kín các công trình này chậm nên các cống đập ngăn mặn, không phát huy hiệu quả.
Hiện nay, nhiều tỉnh vùng ĐBSCL đã đưa ra giải pháp đắp đập ngang kênh, rạch để ngăn mặn, trữ ngọt với hy vọng tích trữ lượng nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân trong thời điểm hạn mặn đang diễn ra khốc liệt. Tuy nhiên, do nước mặn xâm nhập sâu và bất thường, việc khép kín các công trình này chậm nên các cống đập ngăn mặn đã trở thành công trình trữ mặn, không phát huy hiệu quả.
Đập thép ngăn mặn tại kênh Nguyễn Tấn Thành, tỉnh Tiền Giang. |
Phía trong đập thép nước bị nhiễm mặn chưa thể phục vụ sinh hoạt, sản xuất. |
Ngày 20/2, tỉnh Tiền Giang tổ chức hợp long đập thép ngăn mặn, trữ ngọt tại kênh Nguyễn Tấn Thành (xã Bình Đức- Song Thuận, huyện Châu Thành). Sau khi hợp long, nước mặn bên trong cống đập này ở mức hơn 2‰ nên người dân không thể sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất. Nguyên nhân chính là do công trình đắp đập thi công trong điều kiện nước mặn ở mức cao. Sau khi khép kín, nhiều sà lan còn bơm cát chuyền vào bên trong làm một lượng nước mặn tràn ra kênh Nguyễn Tấn Thành.
Ngoài nguồn kinh phí hơn 11 tỷ đồng để xây đập thép, tỉnh Tiền Giang còn phải tốn kém nguồn kinh phí khá lớn để bơm, tháo lượng nước mặn này ra, hy vọng cải thiện nguồn nước bên trong đập ngăn mặn, nhằm phục vụ cho khoảng 800.000 người dân đang thiếu nước sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Hai, người dân xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang bức xúc: “Nước phía trong đập này giờ mặn, không tưới cây gì được. Mới đây, đài truyền thanh xã Long Hưng báo độ mặn hơn 2‰. Giao thông ngăn ngang, tàu bè không chạy được. Nhà nước phải cải thiện như thế nào, nước ngọt bó tay rồi, không tưới tiêu gì được”.
Sông Ba Lai vẫn bị nhiễm mặn trên 3‰. |
Còn tại tỉnh Bến Tre cũng đầu tư nguồn kinh phí khoảng 20 tỷ đồng để đắp 2 đập tạm trên sông Ba Lai, thuộc địa bàn thị trấn Châu Thành và xã Tân Phú, huyện Châu Thành. Tuy nhiên, nước mặn xâm nhập vào sông Ba Lai quá nhanh; trong khi đó các công trình này thi công với thời gian dài, nên nước bên trong đập tạm hiện vẫn ở mức hơn 3‰.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Châu Thành cho biết, đập tạm chỉ phát huy hiệu quả khi hoàn thành trong thời điểm nước ngọt mới trữ ngọt. Còn công trình này hợp long khi nước đã mặn thì không hiệu quả: “Đập tạm nếu đắp sớm để còn nước ngọt giữ lại thì mới hiệu quả. Còn đắp đập tạm khi toàn địa bàn đều nhiễm mặn thì đập tạm không phát huy tác dụng. Đắp đập tạm để giữ nước ngọt lại mà không còn nước ngọt để giữ thì không hiệu quả gì”.
Đập tạm ngăn mặn ở sông Ba Lai, tỉnh Bến Tre. |
Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đang tích cực thực hiện một số giải pháp để cải thiện nguồn nước bên trong đập ngăn mặn, chủ động đón nguồn nước ngọt từ sông Mekong tràn về. Tuy nhiên, đây cũng là bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống hạn mặn của những năm tiếp theo./. Cá chết hàng loạt ở Kiên Giang do đắp đập ngăn mặn
Từ khóa: Tiền Giang, Bến Tre, công trình ngăn mặn, trữ ngọt, chưa hiệu quả
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN