Nhiều chuyên gia lạc quan về mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2024

Cập nhật: 2 ngày trước

VOV.VN - Tổng cục thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - hội của nước ta trong Quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024. Với mức tăng trưởng GDP 6,42% trong 6 tháng đầu năm, với nhiều khởi sắc của các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, nhiều chuyên gia bày tỏ lạc quan về mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5% mà Quốc hội đề ra là có thể đạt được trong cả năm 2024.


Quý 2 vừa qua, nền kinh tế nước ta có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ với tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,93% cao hơn so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2024. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GDP của nước ta tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.

TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng trưởng 6,42% trong nửa đầu năm nay là cơ sở quan trọng để tin tưởng vào mục tiêu tăng trưởng sẽ đạt được khoảng 6,5% trong cả năm nay. Về áp lực với tỷ giá hối đoái trong thời gian tới sẽ được giảm bớt bởi những yếu tố bên ngoài. Tỷ giá hối đoái của nước ta cũng được hỗ trợ bởi nguồn cung ngoại tệ dự báo sẽ gia tăng, xuất siêu của nước ta vẫn được duy trì. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng và lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng tích cực. Tuy nhiên, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, bởi những thách thức về lạm phát tiếp tục tăng trong thời gian tới.

“Lạm phát có dấu hiệu gia tăng, khi chỉ số giá tiêu dùng vừa được công bố có dấu hiệu gia tăng so với quý trước. Áp lực lạm phát gia tăng trong những tháng cuối năm. Lượng tiền huy động vào hệ thống Ngân hàng có tăng nhưng không mạnh như thời gian trước. Điều này có nghĩa là trong những tháng cuối năm, Ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ cần tìm những điểm cân bằng, hài hòa giữa lãi suất cho vay, lãi suất huy động. Cần tìm điểm hài hòa để đảm bảo lợi ích của người gửi tiền, đảm bảo sự an toàn của hệ thống Ngân hàng cũng như mục tiêu lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng”, TS. Lê Duy Bình phân tích.

Trong 6 tháng qua, xuất khẩu tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%.

Cả nước có gần 120.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân một tháng có 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trong khi đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2024 đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam nửa đầu năm nay ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của sáu tháng đầu năm trong 5 năm qua.

“Cách đây 4-5 tháng, nhiều người nghĩ về bầu không khí khá ảm đạm về nền kinh tế nước ta. Đến nay thì đã có nhiều khởi sắc. Tôi cho rằng, GDP năm nay có thể đạt được 6,5-6,8%. Điều này cho thấy, sự điều hành kinh tế của chúng ta đạt kết quả tốt. Đặc biệt là những chính sách liên quan đến giảm lãi suất, kích thích tổng cầu, chính sách liên quan đến đầu tư công, tăng cường liên kết với các đối tác nước ngoài trong xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài”, PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Đại học kinh tế quốc dân cho biết.

6 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, dù đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức rất lớn, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và bất ổn như hiện nay. Giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng đang biến động mạnh. Tuy nhiên, lợi thế quan trọng mà nước ta đang có là nguồn cung được đảm bảo, với sự phát huy nội lực và đồng lòng, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hương gợi mở một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm: “Việc kết nối cung cầu, thúc đẩy cầu trong nước và giữ được cầu quốc tế đang lên cao. Đó là những lợi thế. Chúng ta cần kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để đảm bảo ổn định vĩ mô và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là khơi thông nguồn vốn sẵn có của Nhà nước là vốn đầu tư công, đưa vào thực hiện tối đa. Bên cạnh đó, cần huy động nguồn vốn tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới”.

Từ khóa: GDP, GDP, tăng trưởng, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: thành trung/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập