Nhiều chính sách hỗ trợ công nhân lao động mùa dịch Covid-19

Cập nhật: 31/03/2020

VOV.VN - Hàng loạt chính sách hỗ trợ công nhân lao động ngưng việc tạm thời, thất nghiệp hoặc đang trong thời gian cách ly vì dịch Covid-19.

Thống kê sơ bộ của Bộ Lao động thương binh xã hội, tính tới thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp từ 2-3 triệu người lao động. Nhiều chính sách đã được triển khai để hỗ trợ người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là những lao động đang ngưng việc tạm thời, thất nghiệp hoặc đang trong thời gian cách ly.

Một công ty về công nghệ có trụ sở tại tỉnh Vĩnh Phúc có lao động phải cách ly do tiếp xúc gần với những bệnh nhân dương tính với Covid -19.

nhieu chinh sach ho tro cong nhan lao dong mua dich covid - 19 hinh 1
Ảnh minh họa.

Ngoài việc xây dựng buồng diệt khuẩn tự động tại cửa vào đơn vị, công ty này thường xuyên phun cloramin B trong trụ sở làm việc, lau sàn xưởng nhà ăn hằng ngày và làm tấm chắn ngăn cách bàn ăn. Công đoàn thường xuyên tuyên truyền để người lao động hiểu đúng, hiểu rõ về virus corona để có cách phù hợp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Công đoàn Công ty đã làm việc với lãnh đạo công ty, đảm bảo chi trả từ 60 đến 70% lương cơ bản cho những lao động phải cách ly hoặc nghỉ việc do Covid - 19 và vẫn đóng đầy đủ chế độ bảo hiểm cho những lao động này.

Mới đây, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã gửi các Sở Lao động - thương binh và xã hội địa phương hướng dẫn về việc trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch Covid - 19.

Theo đó, người lao động phải đi cách ly hoặc phải nghỉ việc vì Covid - 19 đều được hưởng lương. Khoản tiền lương này do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, các cấp công đoàn cần nắm rõ số lượng cụ thể những trường hợp lao động này để có những hỗ trợ kịp thời động viên và cũng để người lao động trung thực hơn khi khai báo y tế và yên tâm hơn trong trường hợp được đi cách ly.

"Đề nghị công đoàn phối hợp với lãnh đạo các đơn vị quan tâm, động viên, chia sẻ với những người hiện nay đang nghỉ ở nhà cho họ yên tâm cách ly, công đoàn và doanh nghiệp đảm bảo việc làm, cuộc sống, thu nhập. Cũng đề nghị từng người khi có các triệu chứng cần bình tĩnh, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng vì hiện thực tế đã có những người trốn để không bị cách ly. Và sau dịch thì động viên mọi người phải làm việc năng suất cao, chất lượng tốt để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp", ông Hiểu cho hay.

Dịch Covid - 19 khiến khoảng 600.000 lao động tại thành phố Hồ Chí Minh phải nghỉ việc và không có thu nhập. Do đó thành phố sẽ trích một nửa thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức để hỗ trợ họ mỗi người 1 triệu đồng. Riêng quý 1 này ghi nhận số người thất nghiệp tăng 70% so với cùng kỳ năm trước do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thiếu các nguồn nguyên liệu và do doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa phải tạm dừng hoạt động, giải thể.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, những lao động thất nghiệp này có thể đến các trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành phố để được nhận trợ cấp thất nghiệp và tư vấn, giới thiệu tìm kiếm công việc mới thích hợp.

"Trung tâm chúng tôi có nhiệm vụ đón tiếp người lao động thất nghiệp đến để đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp thì đồng thời 100% người lao động khi chúng tôi tiếp đón đều được chúng tôi tư vấn và giới thiệu việc làm miễn phí, tư vấn hỗ trợ người lao động đăng ký học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Do vậy khi người lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm HN đăng ký để được hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được chúng tôi tư vấn tìm kiếm việc làm", bà Liễu cho hay.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung vừa đề xuất Chính phủ hỗ trợ những lao động ngưng việc tạm thời do doanh nghiệp đang phải tạm dừng sản xuất. Số tiền dự chi hỗ trợ những lao động này là 1.000 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng đây chính là lúc sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo người lao động trong lúc khó khăn.

"Đây là dịp rất tốt giữ chân người lao động, đào tạo tay nghề. Kinh phí khoảng 2.400 cho đến 3000 tỷ đồng. Nguồn kết dư chúng ta hoàn toàn đáp ứng được. Chúng ta cũng cần tăng mức chi an sinh, xin hỗ trợ thêm 1.350 tỷ ngoài phương án ngân sách. Hiện nay mức lương tối thiểu của chúng ta là 3,71 triệu đồng thì hỗ trợ ở mức 25%, sẽ tác động đến khoảng 500.000 người đang phải tạm ngưng việc để có thể giữ chân người lao động", Bộ trưởng Dung cho biết.

Dịch bệnh Covid - 19 tiếp tục có nhiều biến động nghiêm trọng, dẫn đến tình hình lao động việc làm sẽ càng khó khăn hơn. Tình thế trước mắt đòi hỏi ngoài những biện pháp khả thi mạnh mẽ nhất để ngăn chặn dịch bệnh, rất cần những gói kích thích kinh tế được triển khai đồng bộ tới nhiều nhóm, đối tượng khác nhau để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này./.

Từ khóa: lao động thất nghiệp, hỗ trợ công nhân lao động, dịch Covid - 19, lao động

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập