Nhiều cán bộ lão thành gửi thư đến Tổng Bí thư góp ý về bố trí cán bộ
Cập nhật: 26/11/2020
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
Nhiều cán bộ lão thành, cựu chiến binh, các nhà khoa học gửi thư đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị xem xét, cân nhắc thật kỹ lưỡng vấn đề bố trí cán bộ để tránh tình trạng như thời gian qua.
Trao đổi với VietNamNet về kết quả lấy ý kiến nhân dân trong gần một tháng qua vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, có nhiều nguồn lấy ý kiến góp ý vào dự thảo văn kiện.
Trước hết, các ĐBQH đã dành thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến và Đảng đoàn Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của 135 đại biểu phát biểu.
Khối dân vận tổ chức rất quy mô từ Mặt trận Tổ quốc, Tổng Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên...Các cơ quan này đã tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm từ Nam ra Bắc, từ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đến cán bộ cơ sở.
Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng tập hợp hàng nghìn tin, bài của các báo, đài từ Trung ương đến địa phương, các thể loại báo chí, báo nói, báo hình, báo viết đều có góp ý.
Cùng với đó, Ban Tuyên giáo đã nhận được 258 các bản góp ý kiến, trong đó có bản tổng hợp ý kiến của các cơ quan nghiên cứu khoa học, một số tổ chức, một số địa phương...
Nhiều Viện nghiên cứu, các trường đại học như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam, Hội đồng Khoa học các cơ quan Trung ương... cũng có những cuộc tọa đàm, tổng hợp ý kiến gửi về. Ý kiến đóng góp của bà con Việt Nam định cư ở nước ngoài hiện đang được tổng hợp.
Không bao giờ “đánh cờ một nước”
Các ý kiến góp ý thường quan tâm đến những nội dung gì và sẽ được tiếp thu vào dự thảo văn kiện như thế nào, thưa ông?
Các ý kiến đóng góp lần này chúng tôi đã tiếp thu trên hai cách. Một là trực tiếp đi nghe một số cuộc hội thảo, tọa đàm để chủ động ngay từ đầu, tiếp cận ngay trực tiếp các ý kiến đóng góp. Hai là tiếp thu qua tổng hợp các ý kiến được các cơ quan, đơn vị, cá nhân gửi về.
Qua tổng hợp, tôi thấy hầu hết các ý kiến góp ý lần này được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, có những bản góp ý viết 40-50 trang, có những hội thảo có hàng chục đồng chí nguyên lãnh đạo, các chuyên gia, cán bộ hoạt động thực tiễn đã nêu những ý kiến đóng góp rất phong phú.
Chất lượng các ý kiến góp ý rất tốt, đóng góp vào tất cả các dự thảo văn kiện mà trung tâm là dự thảo Báo cáo Chính trị. Các ý kiến đóng góp cụ thể vào những vấn đề trọng tâm của dự thảo...
Anh em trong bộ phận tổ biên tập đã khẩn trương trao đổi, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý, xác đáng, đặc biệt là ý kiến đóng góp về hệ quan điểm, mục tiêu phát triển.
Qua một số hội thảo, có nhiều ý kiến băn khoăn về các mục tiêu đưa ra khá cao, chẳng hạn như mục tiêu “đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, trong khi bối cảnh, tình hình trong và ngoài nước luôn có những diễn biến khó lường?
Băn khoăn này là hợp lý, nhưng khi xây dựng dự thảo Ban soạn thảo đã dựa trên cơ sở rất nghiêm túc chứ không phải làm một cách duy ý chí.
Dự thảo văn kiện đã nói rất rõ, việc xác định mục tiêu, định hướng quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu, chỉ tiêu cao nhất nhưng cũng chuẩn bị các phương án để chủ động ứng phó với biến động của tình hình chứ không chỉ có một phương án.
Dự thảo văn kiện cũng nêu tinh thần rất rõ là thời cơ rất lớn, thách thức rất nhiều, nếu không quyết tâm chớp thời cơ, chuyển hóa nguy cơ thành thời cơ thì chúng ta không thể đạt được mục tiêu rất cao, nhất là phải tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0.
Những mục tiêu đề ra đều được tính toán rất cẩn thận, theo tinh thần chủ động, không chủ quan và phải tính toán hết các khó khăn bên ngoài, các trở ngại bên trong để khắc phục. Các nội dung này phải quán triệt trong nghị quyết để làm rõ hơn vì sao, cơ sở nào để xác định như vậy, khả năng thực hiện thế nào.
Còn trong tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, rất khó dự báo, rất khó đoán định thì không bao giờ “đánh cờ một nước”. Đánh cờ bao giờ cũng phải có nhiều nước, tinh thần là phải tiến công, phải đổi mới sáng tạo, đạt kết quả cao nhất và phải dự phòng các phương án để ứng phó với tình hình thay đổi.
Công tác cán bộ nói chung cũng như câu chuyện trọng dụng nhân tài, không để chảy máu chất xám cũng được khá nhiều chuyên gia đề cập khi góp ý văn kiện. Qua tổng hợp, ông thấy các ý kiến góp ý vấn đề này có gì đáng quan tâm hơn cả?
Lần này, trong dự thảo văn kiện có một số điểm mới về xây dựng Đảng không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức như trước đây mà tiếp tục khẳng định như Đại hội XII là “chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức” và bổ sung “tổ chức và cán bộ”.
Có nhiều ý kiến nói cán bộ là phạm trù của tổ chức rồi. Điều đó đúng nhưng khi tách “tổ chức và cán bộ”, là muốn nhấn mạnh trọng tâm phải đặt vào cán bộ. Cũng giống như trước đây đạo đức đã được xếp nằm trong phạm trù của “tư tưởng” nhưng vì tầm quan trọng của đạo đức nên tách ra “xây dựng Đảng về đạo đức”. Tương tự, lần này nhấn mạnh xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ.
Trong cán bộ có nhiều khâu, khâu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý và cũng nhấn mạnh, tiếp thu, làm rõ hơn trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 thì vấn đề đổi mới sáng tạo, vấn đề khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao là cực kỳ quan trọng.
Trong đó vấn đề nhân tài là vấn đề rất lớn. Nội dung này trong báo cáo đã có và sẽ tiếp thu để làm sâu sắc hơn, rõ hơn vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài.
Nhân dân góp ý tinh tường lắm
Ngoài các ý kiến góp ý các các hội thảo, tọa đàm, các cơ quan gửi về, ông có nhận được nhắn tin, thư, điện thoại trực tiếp của người dân gửi đến?
Cán bộ, đảng viên, nhân dân có gửi nhiều ý kiến góp ý trực tiếp đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; cho Thủ tướng, các Ủy viên Bộ Chính trị và bản thân chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý.
Chúng tôi vẫn nhận được góp ý bằng văn bản, tin nhắn đề nghị câu này, từ này cần cân nhắc. Các ý kiến góp ý rất phong phú. Điều này cho thấy nhân dân rất quan tâm.
Ông có thể nêu một số tin nhắn, thư góp ý đáng chú ý mà ông nhận được?
Tôi có nhận một tin nhắn của một bác đảng viên 70 năm tuổi Đảng ở TP.HCM, một đảng viên ở một phường Hà Nội cũng có nhắn tin cho tôi. Có những góp ý rất đơn giản như cân nhắc từ ngữ.
Ví dụ như có đồng chí nhắn với tôi thế này: “Bây giờ nói là bốn nguy cơ đã được dự báo vẫn đang còn tồn tại. Đồng chí đó phân tích là “nguy cơ là dự báo, còn tồn tại hiện tại”. Như vậy giữa tương lai với hiện tại không khớp nhau. Đề nghị đồng chí cân nhắc cho hợp lý hơn”.
Có đồng chí viết thư cho tôi: “bây giờ còn khó khăn thế này mà nói là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Chữ thụ hưởng ấy cân nhắc sao cho khả thi”.
Tôi theo dõi từng câu chữ một, rất tâm huyết, rất cảm động. Khi nhận được những tin nhắn như vậy, nói đúng ra tôi phải trả lời chu đáo, giải thích rõ vì sao lại viết thế này nhưng chưa có điều kiện để trả lời tường tận, đầy đủ nên bao giờ tôi cũng trả lời “xin tiếp thu và sẽ cân nhắc một cách nghiêm túc”.
Còn những ý kiến góp ý của người dân gửi trực tiếp đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thường đề cập đến nội dung gì và Ban soạn thảo tiếp thu, xử lý như thế nào?
Tất cả các ý kiến góp ý của người dân gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đều được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp chuyển cho chúng tôi.
Qua tổng hợp, chúng tôi thấy nhiều cán bộ lão thành, cựu chiến binh, các nhà khoa học gửi những ý kiến rất tâm huyết đến Tổng Bí thư. Phần lớn họ quan tâm đến vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng, mong muốn cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống suy thoái, chống tự diễn biến phải được tiếp tục đẩy mạnh hơn.
Nhiều ý kiến góp ý về vấn đề cán bộ, góp ý rằng trong lúc này đề nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cân nhắc thật kỹ lưỡng vấn đề bố trí cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược để tránh tình trạng như thời gian vừa rồi có một số đồng chí cán bộ cấp chiến lược đã mắc sai lầm, bị kỷ luật, thậm chí phải xử lý về mặt pháp lý.
Còn các góp ý gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thì người dân quan tâm đến vấn đề gì?
Các ý kiến gửi đến Thủ tướng thường nhấn mạnh nhiều về kinh tế xã hội, mục tiêu thế nào, cân nhắc có cao quá không, lường hết khó khăn chưa. Nhiều ý kiến bàn về vấn đề đột phá cần bổ sung cái gì.
Nhân dân cũng tinh tường lắm, tùy theo từng chức trách mà họ góp ý nội dung gì để phù hợp với nhiệm vụ, chức năng của các đồng chí lãnh đạo.
Nói chung, tôi thấy tinh thần rất tốt, nhân dân tâm huyết, quan tâm.
Sau khi đã lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo văn kiện, các bước tiếp theo là gì, thưa ông?
Hiện nay tinh thần là rất khẩn trương. Trong tháng 12, Trung ương sẽ họp và nghe giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân. Trước khi trình Trung ương có mấy bước cần làm.
Một là tổ biên tập trao đổi, thống nhất với nhau, lập báo cáo với Trưởng ban Văn kiện và các tiểu ban; sau đó, trình Bộ Chính trị cho ý kiến hoàn thiện mới trình ra Trung ương.
Như vậy thời gian chỉ còn khoảng hơn nửa tháng nữa thôi, còn rất nhiều bước phải làm. Tinh thần chúng tôi tập trung làm ngày đêm rất khẩn trương để hoàn thành và xem đây là nhiệm vụ rất quan trọng./.
Từ khóa: dự thảo văn kiện, dự thảo văn kiện đại hội 13, nhân sự đại hội, công tác cán bộ, Phùng Hữu Phú, Tổng Bí thư Chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN