"Nhiệm vụ của ngành Tư pháp rất khó và đụng chạm"

Cập nhật: 26/12/2023

VOV.VN - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết của ngành Tư pháp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ những khó khăn của ngành Tư pháp, cho rằng thành tích của ngành có thể yếu hơn một số ngành, lĩnh vực khác là bởi nhiệm vụ được giao của ngành vừa khó, vừa nhiều và đụng chạm...

Chiều 25/12, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2024; kết quả công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả công tác giữa nhiệm kỳ và triển khai công tác năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ (2021-2026), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao cách thức tổ chức Hội nghị tổng kết của Bộ Tư pháp, đặc biệt còn thể hiện ở chỗ, để trả lời cho 160 ý kiến thắc mắc của cơ sở được giải quyết trong 140 trang báo cáo rất mạch lạc, cần gì có thể dò phần mình hỏi và làm theo. “Có lẽ đây là ưu thế của những người làm tư pháp, chỉn chu, mạch lạc”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định.

Đề cập những kết quả của năm 2023, một năm với nhiều khó khăn cả ở trong và ngoài nước, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cả nước đã vượt qua nhiều trở ngại và có được những kết quả rất đáng khích lệ, mặc dù có thể chưa được như mong muốn. Trong thành tích đó có sự đóng góp rất nhiều, rất lớn, rất đáng kể của ngành Tư pháp.

“Trong bảng tổng sắp nếu phải làm, thành tích của ngành Tư pháp có thể hơi yếu hơn một số ngành khác là bởi vì công việc giao cho các anh các chị là rất khó, rất nhiều, đụng chạm và phải kịp thời…”, Phó Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với những khó khăn mà ngành Tư pháp phải đối mặt trong năm qua.

Năm 2024, Phó Thủ tướng cho rằng, khó khăn với ngành Tư pháp sẽ còn lớn hơn, nhiều hơn vì việc của ngành việc gì cũng nhiều, cũng gấp. Một yếu tố nữa là thời gian không còn nhiều, 2024 là năm kế cận kết thúc nhiệm kỳ, trong khi chúng ta còn nợ nhiều việc.

Khó khăn nữa theo Phó Thủ tướng là bộ máy làm công tác này chưa thực sự có một cơ chế đặc thù, với lý lẽ là người nào làm nhiều, làm việc khó thì chế độ phải hơn, thể hiện sự tôn trọng, tôn vinh.

Nhấn mạnh vấn đề vị thế đất nước trên trường quốc tế ngày càng cao, người dân cũng đòi hỏi có một thể chế hoàn thiện hơn, tốt hơn, theo Phó Thủ tướng vô hình đó cũng là áp lực cho toàn ngành.

“Một vấn đề nữa như Thứ trưởng Bộ Công an có nói, giờ chúng ta chơi sân chơi chung, chúng ta cũng phải có luật để chơi sòng phẳng với họ; thế giới họ có những quy định để áp đặt mình thì mình cũng phải có khuôn khổ pháp luật để chống chịu sự áp đặt đó. Như vậy, việc của ngành không bao giờ hết, khó khăn trước mắt còn rất nhiều”.

Nhấn mạnh như vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, toàn ngành phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải tự động viên nhau, tự gồng gánh bởi chỉ có mình mới hiểu mình nhất và có giải pháp tốt nhất để thực hiện. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là thể chế, việc này không chỉ của Bộ Tư pháp mà của tất cả các bộ ngành, nhiều cơ quan đơn vị trong hệ thống chính trị, nhưng ở góc độ nào đó, vai trò của ngành tư pháp vẫn là lớn nhất. Việc này chúng ta vẫn đang tập trung làm và mất rất nhiều thời gian.

Vì thế, Phó Thủ tướng lưu ý toàn ngành Tư pháp cần chú ý những việc: Xây dựng thể chế cần kịp thời và chất lượng; Tính toán đề xuất sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi, tính toán lại chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và xây dựng chương trình cho năm 2025.

Là cơ quan thẩm định các đề nghị, dự án, dự thảo trình Chính phủ, Quốc hội, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp phải làm sao kịp thời, chuẩn chỉnh. Cùng với đó là nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, phải đưa pháp luật vào cuộc sống; phải tăng cường giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức dễ nghe, dễ hiểu và dễ thấm…; không thể để tình trạng người vi phạm pháp luật khi bị xử lý đều nói trong nước mắt “không biết pháp luật lại nghiêm minh đến vậy”.

“Như vậy trách nhiệm của Bộ Tư pháp rất lớn, xây dựng luật được rồi, kịp rồi, chuẩn chỉnh rồi, nhưng phải để mọi người thấm thì mới có giá trị trong cuộc sống. Chúng ta, những người ứng xử với các quy định nhiều khi cũng không biết hết, tới khi vi phạm, nghe đọc bản án mới hiểu được giá trị của pháp luật”, Phó Thủ tướng nêu thêm.

Nhấn mạnh về công tác xây dựng ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Tư pháp phải làm sao để cán bộ nhân viên yên tâm công tác, tự tin hơn, bớt lo lắng trước các xáo trộn tâm lý, bớt sợ; giữ được niềm tin với công việc, với vị trí công tác… Muốn vậy, có nhiều cách nhưng trước hết lãnh đạo phải ý thức, lương chỉ có thế thôi, nhưng cũng cần suy nghĩ để từng bước nâng thêm thu nhập cho anh em. Làm sao lãnh đạo phải làm tấm gương, hình ảnh mẫu mực để làm ví dụ về niềm tin, truyền cảm hứng cho cán bộ nhân viên.

Một điều nữa được Phó Thủ tướng nhắc tới đó là việc cần phối hợp tốt với các bộ ngành, Quốc hội, các cơ quan và cả hợp tác quốc tế. Nhắc tới những ứng xử với những khuôn khổ luật pháp quốc tế, Phó Thủ tướng cho hay, đây là những việc khó, nhạy cảm, nếu để xảy ra sai lầm là mất hàng tỉ USD mà cả trăm triệu người dân chúng ta góp nhặt khá lâu. Do đó cần đòi hỏi trình độ giỏi, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm. Tuy nhiên vẫn chưa có chế độ đặc biệt gì cho đối tượng này, họ vẫn hưởng lương như những người khác.

Từ khóa: Tư pháp, Trần Lưu Quang ,Phó Thủ tướng,đụng chạm,khó

Thể loại: Nội chính

Tác giả: thanh hà/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập