Nhật Bản triển khai hệ thống thanh toán lương kỹ thuật số
Cập nhật: 25/10/2024
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Chính phủ Nhật Bản đang có nhiều biện pháp khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt như: Ưu đãi về thuế, trấn áp tội phạm công nghệ cao để nâng cao tính an toàn của thanh toán điện tử...
Theo thông báo, 10 công ty thuộc SoftBank Group Corp tại Nhật Bản, bao gồm PayPay Corp, đã bắt đầu trả lương tháng 9 vừa qua thông qua PayPay, với sự đồng thuận của nhân viên. Cụ thể, các nhân viên có thể lựa chọn nhận một phần tiền lương, không quá 200.000 yên (tương đương với 1.340 USD), qua ứng dụng này. Trước đây, Chính phủ Nhật Bản có vẻ không quá “mặn mà” với việc áp dụng hệ thống thanh toán lương kỹ thuật số. Vậy giờ những yếu tố nào đã thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản tiến tới cho phép sử dụng hệ thống này?
Theo phóng viên VOV Tuấn Nhật tại Nhật Bản: "Đúng là chính phủ Nhật Bản vốn không mấy mặn mà với việc áp dụng hệ thống thanh toán lương kỹ thuật số. Thậm chí, trong thời gian trước năm tài chính 2023, nước này còn cấm việc trả lương kỹ thuật số. Phải tới tận ngày 1/4/2023, Bộ y tế và lao động Nhật Bản mới hủy bỏ lệnh cấm này, và đến tận thời điểm này, mặc dù không cấm đoán như trước, nhưng nhà chức trách vẫn không khuyến khích mô hình này.
Quy định mới nhất của Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản có nêu rõ: “Trong trường hợp được sự đồng ý của người lao động, người sử dụng lao động có thể thanh toán lương kỹ thuật số cho người lao động thông qua một đại lý chuyển nhượng tín thác đáp ứng được một số yêu cầu nhất định và được bộ trưởng Bộ y tế và lao động chỉ định”, và “Người lao động không bị bắt buộc phải nhận lương kỹ thuật số nếu không đồng ý”.
Xin giải thích cụm từ “đại lý chuyển nhượng tín thác” có nghĩa là một pháp nhân không phải là ngân hàng. Liên quan đến quyết định hủy bỏ lệnh cấm trả lương kỹ thuật số, Bộ Y tế và lao động Nhật Bản cho rằng: “Trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày một phổ biến và các hình thức chuyển tiền ngày một đa dạng, cũng như nhận thấy có một số nhu cầu nhất định về việc sử dụng các đại lý chuyển nhượng tín thác để chi trả lương cho người lao động của doanh nghiệp, nay cho phép thực hiện mô hình này khi đáp ứng được các điều kiện theo quy định”.
Mặc dù không mặn mà, nhưng khi đây là một xu thế chung, không chỉ liên quan tới thanh toán không dùng tiền mặt, mà còn liên quan đến mục tiêu xây dựng một xã hội số, một nền kinh tế số, phát triển công dân số... thì cho dù là không muốn cũng phải làm. Nhất là khi lại có một vài doanh nghiệp lớn như SoftBank... sẵn sàng đứng ra để thử nghiệm, thì không có lý do gì để né tránh nữa.
Đầu tiên chúng ta hãy cùng so sánh hệ thống trả lương truyền thống hiện nay và hệ thống trả lương kỹ thuật số để rút ra những điểm giống nhau và khác nhau. Hệ thống trả lương truyền thống hiện nay được trả theo quy trình: doanh nghiệp chuyển tiền vào ngân hàng, người lao động đến ngân hàng rút tiền mặt rồi đem chi dùng, mà chi dùng ở đây chỉ là chi dùng trong nước, còn khi chuyển tiền ra nước ngoài lại là một quy trình khác.
Còn với hệ thống trả lương kỹ thuật số thì doanh nghiệp trả lương cho người lao thông qua một đại lý chuyển nhượng tín thác, người lao động chỉ cần một thiết bị đầu cuối thông minh, ví dụ như điện thoại thông minh, là có thể sử dụng tiền, kể cả chuyển tiền ra nước ngoài mà không phải đến ngân hàng như trước. Như vậy đã có thể thấy một số lợi ích cụ thể của hệ thống trả lương kỹ thuật số.
Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp có 1 lợi ích vật thể và 2 lợi ích phi vật thể. Lợi ích vật thể là chi phí chuyển tiền lương cho người lao động sẽ giảm đi đáng kể. Nếu là doanh nghiệp có vài trăm nhân viên, đây sẽ là lợi ích lớn, nhất là về mặt giảm giá thành sản xuất – kinh doanh.
Còn 2 lợi ích phi vật thể là có thể điều chỉnh mức lương cũng như cách chi trả lương theo nguyện vọng của người lao động một cách dễ dàng và góp phần nâng cao hình ảnh doanh nghiệp trong con mắt đối tác cũng như cộng đồng kinh tế.
Còn về phía người làm công ăn lương có 2 lợi ích vật thể và 1 lợi ích phi vật thể. Thứ nhất là dùng lương kỹ thuật số sẽ tiết kiệm được thời gian đến ngân hàng do đó sẽ tiện lợi hơn. Hai là khi dùng lương kỹ thuật số, cũng giống như thanh toán không dùng tiền mặt, sẽ được ưu đãi về thuế, được tích điểm thẻ mỗi lần sử dụng. Ba là, có thể thụ hưởng lương phù hợp với cách sinh hoạt của mình hơn.
Nhật Bản là đất nước có dân số già. Tỷ lệ người cao tuổi tính từ 65 tuổi trở lên chiếm gần 30%. Mà đối với người già thì tiền mặt thân thiện, dễ gần, dễ dùng và quen thuộc. Vì như chúng ta hay nói: “đồng tiền đi liền khúc ruột”. Có tiền mặt trong túi vẫn yên tâm hơn là nhìn mấy chấm sáng nhấp nháy trên màn hình điện tử, rồi thì chẳng biết mình bấm sai hay đúng...
Còn một chuyện nữa, ví dụ như khi cho tiền con cháu nhân lễ tết, sinh nhật, cưới hỏi... chẳng lẽ lại bảo họ đưa tài khoản để chuyển khoản hay sao. Trường hợp này, cho dù có hiện đại đến đâu vẫn chưa có gì thay thế được phong bao lì xì tiền mặt. Tâm lý chung này là nguyên nhân lớn nhất khiến đa số người Nhật vẫn chưa thích lương kỹ thuật số.
Một nguyên nhân nữa là tính an toàn của tiền điện tử. Nhật Bản là một trong những nước có nền kỹ thuật tin học hiện đại bậc nhất thế giới, thế nhưng, tác dụng phụ của nó là nạn tin tặc. Theo thống kê của Cảnh sát Nhật Bản, chỉ riêng trong quý I năm nay, tại nước này đã xảy ra 2508 vụ lừa đảo qua mạng được báo cáo với con số thiệt hại lên tới hơn 33,4 tỷ Yên (tương đương 5678 tỷ Đồng). Đây là vấn nạn đang gây nhức nhối trong toàn xã hội Nhật Bản và cũng là nguyên nhân lớn cản trở việc phổ biến trả lương kỹ thuật số.
Trên thực tế, người lao động cũng có một số khó khăn khi không phải ở bất cứ đâu cũng có thể thanh toán bằng tiền điện tử. Bên cạnh đó là những sự cố hoàn toàn có thể xảy ra khi thao tác trên điện thoại thông minh, ví dụ bấm nhầm nút, thừa số hoặc thiếu số... Một khó khăn nữa là trần tài khoản chỉ được tối đa là 1 triệu Yen (tương đương khoảng 165 triệu đồng). Do đó, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp và người lao động tỏ ra thận trọng với mô hình mới này.
Hiện nay, chính phủ Nhật Bản đang có nhiều biện pháp khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt như: ưu đãi về thuế, trấn áp tội phạm công nghệ cao để nâng cao tính an toàn của thanh toán điện tử ... nhưng chừng nào 2 vấn đề nêu trên chưa được giải quyết tận gốc, thì sẽ vẫn còn tâm lý dè chừng với lương kỹ thuật số".
Từ khóa: nhật bản, nhật bản,tiền mặt,lương, hệ thống thanh toán lương kỹ thuật số
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: pv/vov-tokyo
Nguồn tin: VOVVN