Nhật Bản đưa thành công thêm một vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo

Cập nhật: 8 giờ trước

VOV.VN - Rạng sáng 29/6, Nhật Bản đã đưa thành công lên quỹ đạo thêm 1 vệ tinh quan trắc Trái Đất nữa, góp phần hoàn thiện hệ thống vệ tinh nhân tạo do nước này sở hữu trên không gian. 

Vào lúc 1h33  hôm nay (29/6 theo giờ địa phương), vệ tinh quan trắc Trái Đất GOSAT-GW, do Bộ Môi trường và Cơ quan Nghiên cứu phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phối hợp chế tạo, đã được phóng lên từ Trung tâm hàng không vũ trụ Tanegashima thuộc tỉnh Kagoshima – miền Nam Nhật Bản. 16 phút sau, vệ tinh này đã tách khỏi tên lửa đẩy và đi vào đúng quỹ đạo dự định.

Theo Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi – doanh nghiệp phụ trách dự án này, vệ tinh vừa được phóng lên sẽ được sử dụng để quan sát khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần thực hiện mục tiêu phi carbon hóa mà Chính phủ Nhật Bản đã cam kết với cộng động quốc tế. Trước đó, Nhật Bản cũng đã đưa thành công nhiều vệ tinh và tàu thám hiểm lên không gian vũ trụ, trong đó có nhiều dự án mang ý nghĩa cả về an ninh – quốc phòng như vệ tinh định vị toàn cầu (GPS) phiên bản Nhật Bản có tên gọi Michibiki số 6…

Thành công lần này là bước tiến mới của Nhật Bản vào không gian, giúp nước này xác lập vị trí quốc gia trên quỹ đạo địa tĩnh, trong bối cảnh sự cạnh tranh quốc tế để giành vị trí trên quỹ đạo này đang ngày càng trở nên khốc liệt.

Tên lửa đẩy được sử dụng để đưa GOSAT-GW lên quỹ đạo là H2A – một loại tên lửa do Nhật Bản nghiên cứu - phát triển. Đây là sứ mệnh cuối cùng của H2A. Được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào tháng 8/2001, đến nay, qua 50 lần phóng, tên lửa này đạt tỷ lệ thành công tới 98%. Lần thất bại duy nhất xảy ra đối với H2A số 6 vào ngày 29/11/2003.

Cho đến nay, H2A đã đưa lên vũ trụ rất nhiều vệ tinh nhân tạo và các thiết bị thám hiểm không gian, trong đó, có những dự án mang ý nghĩa to lớn như tàu vũ trụ Hayabusa 2 với sứ mệnh thu thập mẫu đất đá của tiểu hành tinh Ryugu, tàu thám hiểm Mặt Trăng SLIM, vệ tinh khí tượng Himawari, vệ tinh quan trắc Trái Đất Daiichi, vệ tinh định vị toàn cầu Michibiki...

Tuy nhiên, do một số yếu tố như giá thành mỗi lần phóng lên tới 10 tỷ Yên (tương đương 1.800 tỷ VND), tương đối cao so với các loại tên lửa khác, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chuyên dụng đã bắt đầu lão hóa đòi hỏi chi phí nâng cấp lớn..., Nhật Bản đã tập trung phát triển một loại tên lửa khác, có tính năng ưu việt hơn để thay thế H2A, và đã bắt đầu đưa vào sử dụng.

ve_tinh_michibiki_vua_duoc_phong_thanh_cong_ngay_02_02_2025_anh_nhk_20250202212651.jpg

Nhật Bản phóng thành công vệ tinh GPS bằng tên lửa đẩy H3

VOV.VN - Theo nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản, chiều nay, nước này đã phóng thành công một vệ tinh định vị toàn cầu lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy loại H3. Vệ tinh này góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin di động và cảnh báo thiên tai của Nhật Bản.

Từ khóa: nhật bản, vệ tinh, nhật bản phóng vệ tinh, đưa vệ tinh lên quỹ đạo, vệ tinh nhật bản, tên lửa đẩy nhật bản, vệ tinh quan trắc trái đất, vệ tinh nhân tạo

Thể loại: Thế giới

Tác giả: tuấn nhật/vov-tokyo

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập