Nhập siêu hàng Trung Quốc làm tăng nguy cơ gian lận xuất xứ
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đưa ra các cảnh báo và giải pháp về nguy cơ gian lận xuất xứ tăng cao.
Thông tin 15 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng cao đột biến trong 6 tháng đầu năm 2019 được Bộ Công Thương đưa ra đã làm dấy lên những tranh cãi và lo ngại từ các chuyên gia kinh tế.
Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, tình trạng đồng Nhân dân tệ đang bị phá giá sẽ làm tăng cơ hội xuất khẩu của họ. Trong khi hàng Việt Nam đang có thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới. “Nếu để bị hàng Trung Quốc lợi dụng gắn nhãn Made in Vietnam, thương hiệu Việt Nam sẽ bị mất uy tín và ảnh hưởng nghiêm trọng”.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng lại cho rằng, lâu nay Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc nên với việc NDT mất giá mạnh thì cán cân thương mại của Việt Nam sẽ khá bất lợi. Điều đó không có nghĩa là tiền Việt phải điều chỉnh theo sự mất giá NDT mà cần tính toán cẩn trọng các tác động tích cực lẫn tiêu cực đối với nền kinh tế để có lợi nhất.
Theo chuyên gia, điều tốt nhất lúc này là cần tiếp tục giảm bớt những thủ tục hành chính, những chi phí không cần thiết để DN Việt có thể cạnh tranh tốt hơn không chỉ đối với DN Trung Quốc mà cả những DN các khu vực khác. Đặc biệt, cần kiểm soát tốt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là đường tiểu ngạch. Ngành hải quan cần tăng cường việc kiểm soát chặt chẽ đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.
“Trước đây, công tác nhập khẩu hàng Trung Quốc thường được thông quan trước hậu kiểm sau. Trong bối cảnh hiện nay, cần thay đổi cách quản lý, trong đó, việc xem xuất xứ chứng từ hóa đơn mới là quan trọng chứ không phải dựa trên những nhãn mác. Thực tế hàng lậu, hàng nhái tràn lan vì công tác kiểm soát hàng hóa tại một số cửa khẩu hải quan có vấn đề”, TS Ngô Trí Long bình luận.
Trước đó, tại cuộc họp với Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có những chỉ đạo về các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ tiếp tục mở rộng, điều tra chống gian lận xuất xứ, điều tra chống chuyển tải gian lận thương mại.
Theo ông Trần Tuấn Anh, đây là nguy cơ lớn cản trở và thách thức cho phát triển của nền kinh tế Việt Nam.Trong khi đó, bất cập hiện nay là những hiểu biết về hội nhập nói chung và phòng vệ thương mại nói riêng còn hạn chế, chưa có sự thống nhất và phối hợp thực hiện hiệu quả giữa các cấp ngành và địa phương.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, doanh nghiệp phải chủ động chứ không có chuyện nhà nước làm thay doanh nghiệp đi tìm hiểu quy định thông tin về thương mại quốc tế, phòng vệ thương mại.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn chứng một số nguy cơ cao khi năm 2018 chỉ có 13/37 mặt hàng xuất khẩu tăng đột biến, thì 6 tháng đầu năm 2019 tăng lên 15 mặt hàng.
Trong số đó, có những mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu lớn sang thị trường Hoa Kỳ như xơ sợi dệt tăng 92,87%, sắt thép tăng hơn 81%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 51%, điện thoại và linh kiện tăng 13%, điện dây cáp điện hơn 100%, máy quay phim và thiết bị điện tử 83%, nguyên phụ liệu dệt may da giày tăng hơn 50%…
Điều đáng chú ý là có sự trùng khớp về việc các mặt hàng này cũng nhập khẩu tăng đột biến và đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ. Do đó, Bộ trưởng cho rằng đây là thực tế cảnh báo, cần cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng bởi những nguy cơ gian lận xuất xứ. Người đứng đầu Bộ Công Thương khẳng định, nếu không có biện pháp, giải pháp đảm bảo sự phối hợp nhanh chóng, khắc phục quan liêu trong phối hợp cơ quan hành chính thì sẽ có những điểm nóng phức tạp, tiềm ẩn xảy ra./.
Từ khóa: gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, hàng hóa trung quốc, phòng vệ thương mại, chủ nghĩa bảo hộ,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN