Nhập nhằng số liệu rừng và mất rừng ở Tây Nguyên

Cập nhật: 23/06/2020

VOV.VN - Số liệu mất rừng của hai tỉnh Đắk Lắk là 11.400 ha và Đắk Nông là gần 7.200ha đã vượt xa con số tổng thể toàn vùng.

Đang có những nhập nhằng trong báo cáo số liệu rừng và mất rừng của các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên dẫn đến công tác dự báo, quy hoạch cũng như việc đưa ra các giải cho quản lý, bảo vệ rừng không sát với thực tế và kém hiệu quả.

Tại Hội nghị “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên” tổ chức ngày 22/6 tại tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cùng nhiều đại biểu dự hội nghị đã lên án tình trạng này và yêu cầu phải tổng rà soát để có con số chính xác phục vụ các quyết sách về lâm nghiệp tại khu vực Tây Nguyên thời gian tới.

nhap nhang so lieu rung va mat rung o tay nguyen hinh 1
Chỉ tiêu độ che phủ rừng của Tây Nguyên đang thấp hơn đến 13% theo yêu cầu tại Kết luận số 12 năm 2011 của Bộ Chính trị.

Theo kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2019 của Bộ NN&PTNT, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là khoảng 2,6 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích rừng cả nước, tỷ lệ che phủ đạt gần 46%.

Sự nhập nhằng về số liệu rừng và mất rừng được thể hiện trước tiên ở ngay trong báo cáo của Bộ NN&PTNT khi nêu ra năm 2019 diện tích rừng tự nhiên của vùng giảm hơn 15.700 ha. Nhưng số liệu mất rừng của hai tỉnh Đắk Lắk là 11.400 ha và Đắk Nông là gần 7.200ha đã vượt xa con số tổng thể toàn vùng.

Ông Trương Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông lý giải con số mất rừng là do công tác thống kê không đầy đủ, không sát với thực tế trong nhiều năm, dẫn đến khi thống kê thì bị cộng dồn: “Đắk Nông mất khoảng 7.000 ha nhưng do không thống kê những năm trước đây chứ không thể trong 1 năm mà phá đến mức độ khủng khiếp như vậy được”.

Cũng với lý do thống kê không đầy đủ của nhiều năm, nhưng khó hiểu hơn khi ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk lại viện dẫn một cơn bão làm tỉnh mất hơn 7.000 ha rừng tự nhiên: “Nguyên nhân thứ 3 là do cơn bão số 12 năm 2017, theo cập nhật thì diện tích rừng giảm rất mạnh. Đặc biệt là các huyện như M’Đrắk, Ea Kar, Krông Bông là thiệt hại trên 7.000 ha, chiếm khoảng 68% tổng diện tích rừng tự nhiên giảm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”.

Dự hội nghị, ông Phạm Mạnh Cường, Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ nêu ra con số cảnh báo khi độ che phủ rừng của Tây Nguyên giảm từ 51,9% năm 2010 xuống chỉ còn 45,9% năm 2020, giảm khoảng 6%, tương ứng với khoảng 462.000ha rừng của khu vực đã mất đi. Dẫn Kết luận số 12 năm 2011 của Bộ Chính trị với chỉ tiêu độ che phủ rừng Tây Nguyên phải đạt 59% năm 2020, so sánh với thực tế ông Cường chỉ rõ rằng chỉ tiêu này của Tây Nguyên đang thấp hơn yêu cầu đến 13%. Nhưng đây mới chỉ là những con số báo cáo trong sổ sách, giấy tờ, trên thực tế, diện tích rừng mất đi có thể còn lớn hơn rất nhiều.

“Đây là con số mà chúng ta báo cáo trong sổ sách, giấy tờ. Tuy nhiên, diện tích rừng đã bị chuyển đổi sang mục đích khác, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp thì rất lớn. Và cũng những công trình, dự án đã chuyển đổi rừng tự nhiên, đã chặt rừng tự nhiên rồi nhưng chưa làm thủ tục. Đấy là chưa nói đến chất lượng rừng tự nhiên càng ngày càng suy giảm”, ông Cường nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, rừng và văn hóa và những giá trị cốt lõi của Tây Nguyên, có tầm ảnh hưởng rất quan trọng đến cả duyên hải Nam trung bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long. Những hiện tượng cực đoan về lũ lụt, hạn hán ở khu vực Tây Nguyên cũng như các vùng lân cận có nguyên nhân quan trọng từ mất rừng. Bộ trưởng cũng cảnh báo rằng những hiện tượng này sẽ ngày càng cực đoan hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của liên vùng nếu tiếp tục để mất rừng.

nhap nhang so lieu rung va mat rung o tay nguyen hinh 2
Những hiện tượng cực đoan về lũ lụt, hạn hán ở khu vực Tây Nguyên cũng như các vùng lân cận có nguyên nhân quan trọng từ mất rừng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, những số liệu thống kê diện tích rừng và mất rừng trong suốt những năm qua có nhiều bất cập và không chính xác từ cấp cơ sở cho đến trung ương. Điều này đã làm cho công tác quy hoạch, dự báo và đưa ra giải pháp, chiến lược quản lý bảo vệ rừng không hiệu quả. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung quyết liệt cho công tác quản lý bảo vệ rừng mà trước hết là tổng rà soát để có những con số thống kê chính xác.

Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh cần xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp khi để mất rừng. Chỉ còn 5 tháng nữa là kết thúc Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, các tỉnh cần rà soát để hoàn thiện 14 chỉ tiêu theo Quyết định 886 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, xây dựng kế hoạch cho giai đoạn mới 2020-2030 với yêu cầu đột phá, khả thi./.

Từ khóa: đất rừng Tây Nguyên, rừng Tây Nguyên mất, Đắk Lắk, Đắk Nông, rừng mất ở Tây Nguyên

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập